Trồng rau gây quỹ giúp đỡ bạn khó khổ hơn
Ngôi Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý, xã Trung Lý (Mường Lát) giáp với biên giới nước bạn Lào nằm chênh vênh bên sườn núi, quanh năm mây mù bao phủ và cách trung tâm tỉnh Thanh Hóa 200 km về phía Đông.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý ở huyện biên giới Mường Lát. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Những ngày cuối năm 2022, những luống rau xanh mướt mát nhờ đôi bàn tay chăm sóc của hàng trăm em học sinh nơi đây đã được thu hoạch với khoảng gần 2 tấn rau mỗi học kỳ. Qua đó, góp phần cải thiện bữa ăn, gây quỹ lớp và giúp đỡ những học sinh khó khăn ngay chính ở ngôi trường vùng biên này.
Những luống rau sạch, xanh mướt mát được thầy trò thu hoạch những ngày cuối năm 2022. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Trao đổi với PLO, thầy Pó Ly thông tin, đây là mô hình có một không hai ở huyện biên giới Mường Lát nói riêng và ở Thanh Hóa nói chung.
Từ năm 2013, Ban giám hiệu Trường PTDTBT THCS Trung Lý đã xây dựng kế hoạch và triển khai mô hình trồng rau sạch để cải thiện bữa ăn cho hàng trăm học sinh ở bán trú tại trường.
Bởi vì là trường bán trú ở khu vực biên giới giáp với nước bạn Lào nên ngoài tiền hỗ trợ của nhà nước, của gia đình thì việc xây dựng mô hình trồng rau để cải thiện bữa ăn bằng rau sạch do chính tay học sinh làm ra, là việc làm rất ý nghĩa cả về kinh tế lẫn giáo dục và nhân văn.
Niềm vui thu hoạch rau sau mỗi giờ học của các em học sinh nơi đây. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Vì thế cứ sau mỗi giờ học ở mảnh đất khoảng hơn 3.000 m² được chia nhỏ cho các lớp trồng nhiều loại rau khác như cải bẹ, cải ngọt, củ cải, bắp cải. Mỗi vườn rau qua bàn tay các em và thầy cô nơi đây càng trở nên xanh tốt sạch sẽ sau gần 10 năm trôi qua thực hiện mô hình này.
"Ở đây đa số các em đều là học sinh nghèo nhưng có những em còn khó khăn hơn thì các bạn trong lớp đồng ý trích quỹ để hỗ trợ bạn vượt qua khó khăn tiếp tục theo đuổi con chữ ở nơi "cổng trời" này", thầy Pó Ly chia sẻ.
Nhưng dù là với địa hình dốc cũng không không thể làm khó được những đôi bàn tay cần cù chịu khó của chính các thầy cô, học sinh đã làm nên luống rau xanh mướt ở vùng đất biên giới còn đầy rẫy những khó khăn này. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Tạo cho các em kỹ năng sống từ việc trồng rau
Em Lý Thị Dụ (bản Ma Hác) học sinh lớp 7A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý cho biết: "Kể từ năm đầu cấp đã bắt đầu được thầy cô hướng dẫn cách trồng, chăm sóc thu hoạch rau xanh.
Suốt hai năm qua, ngoài thời gian ở trường trồng rau thì khi đến kỳ nghỉ hè trở về bản Ma Hác em đã tự tay trồng rau xanh cho bố mẹ cải thiện bữa ăn, có lúc bố mẹ còn có thể bán cho người đi đường kiếm thêm tiền nữa.
Học sinh Lý Thị Dụ trong ngày thu hoạch rau xanh. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Em rất vui vì ở trường không chỉ là học văn hóa còn học được cách tự lập, tự làm ra và sử dụng rau sạch do chính mình trồng được", học sinh Dụ chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Nhị Hoa, giáo viên dạy môn Văn chia sẻ: "Những năm trước đây các thầy cô giáo cùng các em học sinh còn nuôi cả heo để bán kiếm tiền, gây quỹ, hỗ trợ học, mua được hai cái máy giặt cho các em học sinh lớp 6, lớp 7.
Qua việc trồng rau xanh đã giúp các em học sinh biết cách tự lập, tự làm ra sản phẩm do chính đôi bàn tay của mình khi phải xa gia đình. Việc trồng rau xanh tại trường đã trang bị cho các em kỹ năng cơ bản khi rời ghế nhà trường trở về nhà sau mỗi kỳ nghỉ hè.
Sau mỗi ngày trong hành trình đi tìm con chữ của học sinh vùng cao, thì cô giáo Nguyễn Thị Nhị Hoa cùng với học trò lại dành thời gian chăm sóc vườn rau xanh. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Có những bạn sau mỗi kỳ nghỉ hè đã trưởng thành hơn khi đã giúp bố mẹ trồng rau xanh cải thiện cuộc sống cho gia đình", cô giáo Ngân Thị Như Hoa chia sẻ.
Mang quà về cho gia đình trong dịp Tết Nguyên Đán
Trao đổi với PLO, thầy Nguyễn Duy Thủy, hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý cho biết, đây là ngôi trường có nhiều điều đặc biệt nhất ở Thanh Hóa khi có những bản cách trung tâm xã gần 50 km là Tà Cóm, Pa Púa.
Theo thầy Thủy, năm học 2022 - 2023, trường có 513 học sinh là người Mông và người Thái, trong đó có 446 học sinh ăn ở, sinh hoạt tại trường và hiện nhà trường có tổng 20 thầy cô giáo, quản lý, kế toán.
Đa số các em học sinh ở đây đều nghèo khổ phải sống xa gia đình có khi đến hai 3 tháng mới về nhà vì thế các thầy cô như bố mẹ hỗ trợ các em trong cuộc sống lẫn tâm sinh lý để mỗi ngày các em trưởng thành hơn.
Thầy Nguyễn Duy Thủy, hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý chia sẻ về mô hình trồng rau với nhiều lợi ích cả về kinh tế lẫn tinh thần của học sinh nơi đây. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Nói về việc trồng rau xanh, thầy Thủy cho biết việc tận dụng những khoảnh đất trồng rau ngoài việc cải thiện những bữa ăn còn tạo cho các em kỹ năng sống biết cách tăng gia sản xuất phục vụ cho nhà bếp của trường.
Từ đó giúp các em gây quỹ lớp hỗ trợ các em có điều kiện đặc biệt khó khăn. Việc trồng rau cũng tạo kỹ năng làm việc theo nhóm nên các em học sinh rất phấn khởi vì tạo ra những sản phẩm từ chính đôi tay của mình có thêm thu nhập.
Niềm vui của học sinh sau mỗi giờ học là được trồng và thu hoạch rau xanh. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
"Hàng năm mỗi lớp có thể thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng tiền trồng rau. Vì thế hàng năm khi đến Tết Nguyên Đán, có những lớp các em còn trích quỹ mua bánh kẹo về làm quà về cho gia đình",thầy Thủy chia sẻ.
Tuy nhiên, theo thầy Thủy sau trận lũ lịch sử năm 2018-2019 cuộc sống của nhiều em cũng khó khăn. Đối với nhà trường cũng gặp khó khăn dù đã được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ bàn ghế nhưng trường vẫn còn thiếu khoảng 200 bộ bàn ghế cho các em học tập.
"Số bàn ghế cũ từ nhiều năm trước cũng đã xuống cấp chỉ có thể dùng tạm về lâu dài số lượng học sinh tăng thêm mỗi năm nên nhà trường mong muốn các cấp chính quyền nhà hảo tâm giúp đỡ thêm.
Mỗi chiếc bàn cũng góp phần quan trọng cho các em học sinh vùng cao biên giới trong hành trình đi tìm con chữ đưa vùng đất Trung Lý nói riêng và huyện Mường Lát nói chung vươn lên thoát nghèo", thầy Thủy khẳng định.