Từ bài viết “Lũ cuốn mất nhà học sinh (HS) vẫn quyết bám trường” trên Pháp Luật TP.HCM ngày 6-9, sau một hành trình dài, chúng tôi đã đến xã Trung Lý, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) trao tặng 260 bộ bàn ghế mới cho HS nơi đây.
Chia sẻ khó khăn của huyện miền núi nghèo
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, cho biết: “Lên đến tận nơi mới thấy đời sống của người dân vùng cao huyện biên giới Mường Lát còn nhiều khó khăn, vất vả, đặc biệt là các thầy cô đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình gắn bó với vùng cao, gắn bó với HS các đồng bào dân tộc nơi đây.
260 bộ bàn ghế là chút tấm lòng của cơ sở bánh mì Như Lan và báo Pháp Luật TP.HCM chia sẻ với địa phương, các thầy cô và trẻ em nghèo ở huyện biên giới Mường Lát, bởi vì trẻ ở đâu cũng xứng đáng được chăm sóc như nhau, xứng đáng được nhận tình yêu thương từ mọi người”.
Tại buổi lễ, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Mường Lát (Thanh Hóa) Lâu Minh Pó thông tin: “Trận lũ lịch sử xảy ra vào cuối tháng 8-2018 cách đây một năm đã khiến Mường Lát trở về con số 0 khi nhiều bản làng bị xóa sổ, đường sá giao thông bị chia cắt, hư hại nghiêm trọng, nhiều trường học bị lũ cuốn trôi, thiệt hại lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Nhưng khó khăn lại chồng thêm khó khăn khi mới đây Mường Lát tiếp tục phải hứng chịu thêm trận lũ đầu tháng 8-2019. Cuộc sống của người dân huyện biên giới Mường Lát khó khăn trăm bề, trong đó ngành giáo dục thiếu gần 500 bộ bàn ghế cho HS nghèo. Chúng tôi rất cảm động, tự hào và cám ơn khi nhận được sự chia sẻ của báo Pháp Luật TP.HCM và bánh mì Như Lan đối với đồng bào các dân tộc Mường Lát nói chung và Trường Phổ thông dân tộc THCS bán trú Trung Lý nói riêng. Ta cứ bảo tấm lòng chia sẻ, ta cứ bảo của ít lòng nhiều, nó đã thể hiện nghĩa cử cao đẹp, đã tăng thêm niềm tin của đồng bào các dân tộc. Chúng tôi ghi nhận tấm lòng của các nhà hảo tâm, trong đó có bánh mì Như Lan và báo Pháp Luật TP.HCM”.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc THCS bán trú Trung Lý ngồi học trên những bộ bàn ghế mới được tài trợ bởi cơ sở bánh mì Như Lan. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Tương lai bắt đầu từ những con chữ
Thầy Đoàn Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc THCS bán trú Trung Lý, cho biết cả trường hiện có 470 HS đang theo học và ăn ở tại trường nhưng chỉ có ba HS người dân tộc Kinh là con của các thầy cô, số còn lại chủ yếu là HS các dân tộc H’Mông, Dao, Khơ Mú...
Cuộc sống của các em HS nơi đây đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi đến trường các em vui sướng hơn vì được ăn thịt, ăn cá. Mỗi khi đài báo bão, áp thấp nhiệt đới lại khiến những thầy cô ám ảnh, lo sợ cho gia đình và các em HS nơi đây.
Thầy Sơn cho biết: “50 bộ bàn ghế là món quà ý nghĩa, thiết thực, là niềm vui của thầy trò nơi đây khi các em không còn phải chen chúc ngồi học ba, bốn em một bàn nữa. Đó cũng là động lực để giúp các em tiếp tục nuôi ước mơ, khát vọng trở thành những thầy cô, bác sĩ, y tá... trong tương lai”.
Sau buổi lễ trao quà, chúng tôi có dịp gặp gỡ nhiều HS đang theo học tại Trường Phổ thông dân tộc THCS bán trú Trung Lý khi các em đang nhặt và rửa rau cho bữa chiều. Các em cho biết nhà ở xa nên tất cả đều ăn ở lại trường, có khi là cuối tuần, thậm chí là vài tháng mới về nhà một lần.
Dù khó khăn nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên những khuôn mặt ngây thơ của các em, những HS luôn nỗ lực bám trường, nuôi con chữ, nuôi ước mơ về một tương lai tươi sáng…
Không còn cảnh ngồi chen chúc Sau bài báo trên Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Dậu, chủ thương hiệu bánh mì Như Lan, đã đến trụ sở Pháp Luật TP.HCM trao số tiền mua 250 bộ bàn ghế hỗ trợ cho HS ở huyện biên giới Mường Lát, Thanh Hóa. “Tôi đọc bài trên báo Pháp Luật TP.HCM về việc HS vùng lũ quét Mường Lát (Thanh Hóa) nơi đây vào lớp phải ngồi chen chúc ba, bốn em một bàn, thương quá vì thế đơn vị quyết định tài trợ toàn bộ số còn lại để HS Mường Lát sau lũ không còn cảnh phải ngồi chen chúc nữa” - bà Dậu nói. |