"NƯỚC MẮT MỘT THỜI"

Những trang tự truyện đầy tính nhân văn

Đầu tiên là Nxb Hội Nhà văn (đại diện phía Nam) để cuối cùng rồi cũng chính Nxb Hội Nhà văn nhận in cho ông tiểu thuyết – tự truyện “Nước mắt một thời”, Nxb Hội Nhà văn, 2009. Vì sao bị từ chối, bởi một cuốn tiểu thuyết, tự truyện viết về công cuộc cải cách ruộng đất, đề tài được xem là nhạy cảm. Dù lịch sử văn học đã ghi nhận nhưng chứng nhân của một thời đã qua thể hiện trong từng trang viết của mình để thế hệ sau đọc hiểu thêm ra những sai lầm mà cuộc cải cách ruộng đất (1955) đã gây ra trong gần hai năm.

Những trang tự truyện đầy tính nhân văn ảnh 1

Tôi quý nhà văn Nguyễn Khoa Đăng vì một lẽ hơn 300 trang viết không có sự hằn học, gây thù chuốc oán với quá khứ mà mở rộng tầm nhân văn hiện tại. Tôi lại hơn một lần cùng nhà văn Phan Đức Nam đến nhà ông, được ông đem bản thảo “Nước mắt một thời” trên bàn thờ xuống với một sự trân trọng: “Đây là cuốn sách tâm huyết của cả cuộc đời tôi nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa được in (năm 2002-N.T), nếu được in ra tôi nhắm mắt cũng vừa lòng”. Ông dặn vợ con, rằng: “Khi nào tôi chết đi, năm nay tôi cũng suýt soát bảy mươi rồi, thì sẽ photocopy để khi đưa đám tôi sẽ tặng mỗi người một cuốn”.

Quý tấm lòng của một nhà văn, luật sư không chuyên từng 216 lần ra tòa để bênh vực những người nông dân qua cuốn “Khóc cười trước vành móng ngựa” lại có một quá khứ quá đau thương như vậy. Một cậu bé mười lăm tuổi từng được gọi bằng “cậu” chỉ một đêm ngay cả bố, mẹ lại bị kêu bằng thằng này, mụ kia, con nọ. Có cái gì lạ chăng khi xã hội quay ngoắt 180 độ, lịch sử sang trang để con người với mơ ước lạ lùng nhằm thoát khỏi cái lý lịch địa chủ, phú nông trở thành bần cố nông: “ngày nào cũng mơ, đêm nào cũng ước, ôi… giá có một phép thần nào làm cho gia đình mình sau một đêm thức dậy bỗng trở thành một người nghèo, nghèo lắm, nghèo rớt mùng tơi... Có thế con cháu mới được học hành. Thế mới là hạnh phúc” (tr.120). Vâng chỉ có ở cải cách ruộng đất ở miền Bắc sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954.

Cảnh gia đình bị tố điêu là địa chủ để mẹ bị bắt, bị xử án “3 năm tù nhưng cho hưởng án treo và bị tịch thu toàn bộ tài sản” (tr. 239), rồi đến em gái Thân chết vì đói… Đau đớn hơn nữa lại chứng kiến cảnh bố là ông cụ Cả Lân phải bỏ trốn, sau bị xử bắn mà chính Túy - đứa cháu gọi bằng chú phải tố khổ, tố điêu chú ruột của mình mà tôi (nhân vật chính trong truyện-NT) nghe bố bị tuyên án tử hình “tôi kinh hoàng như vừa nghe thấy phát đạn vừa bắn trúng vào đầu mình”(tr.276). Chi tiết cuối cùng về người bố“những người chứng kiến cứ nghĩ”, đó là “một tập tài liệu phản động? Một mớ truyền đơn phản đối cuộc xử tử bất công, vô lý mà ông dự định sẽ tung ra trước khi bị hành hình. Hay là… vàng. Nói đến địa chủ là người ta thường nói đến vàng mà. Cái vật cồm cộm giấu trong túi áo bố tôi được lôi ra. Mọi người chưng hửng. Ôi, hoá ra đó lại là nắm cơm bọc lá chuối” (tr.277) - chi tiết đắt nhất của toàn tập sách.

Nhưng động lực nào để cậu bé bước sang tuổi 16 yêu quý từ con bò, chó Đốm nhưng lại đánh, quăng chúng vì con người đối xử với nhau tàn bạo kể cả dì ruột… lại có nghị lực vượt qua số phận tưởng chừng đã an bài, người thanh niên này hoàn thiện nhân cách của mình.

Đó là hình ảnh: “thật bất ngờ, tim tôi đã run lên khi mắt tôi chạm vào một bức ảnh. Bức ảnh thật to, thật đẹp, in trên giấy cứng, treo trang trọng ở chính giữa bức tường, đối diện với chỗ tôi ngồi. Bức ảnh này lần đầu tiên tôi được nhìn thấy. Mãi mãi sau này tôi không sao quên được cảm giác phấn khích khác thường vào cái giây phút đặc biệt ấy. Bức ảnh chụp Bác Hồ với vẻ mặt hiền từ như một người ông trong gia đình, âu yếm đặt hai tay lên vai hai đứa trẻ, một trai, một gái, lúc đó xem ra cũng chỉ ở tuổi tôi. Hai cô cậu này đã không thể giấu được niềm hạnh phúc chứa chan đang trào lên trong khóe mắt, nụ cười, trào lên cả trên mặt giấy ảnh. Cùng với hình ảnh đầy ấn tượng ấy là câu chú thích phơi phới một niềm tin mà mới đọc qua một lần, tôi đã nhớ đến tận bây giờ: “Có Bác dẫn đường, chúng cháu tin tưởng ở tương lai tươi sáng”. Ôi, Bác ơi, bao giờ thì cháu có được một sự hồn nhiên phơi phới như hai đứa trẻ cùng tuổi với cháu kia? Bao giờ thì cháu được trở thành một đứa trẻ có số phận bình thường như bao đứa trẻ khác? Từ linh cảm và cũng từ trực giác của tuổi thơ, tôi đinh ninh rằng những điều đang xảy ra một cách vô lý ở quê tôi rồi chỉ ngày một ngày hai sẽ được Bác Hồ biết đến. Tôi tin như thế.

Với một đứa trẻ từ nhỏ đến giờ phải sống trong vùng nông thôn hẻo lánh, không có sách báo để đọc, không có loa đài để nghe, không có cán bộ am hiểu để hỏi, lại bị cô độc giữa mọi người như tôi, thì niềm tin đem đến từ bức ảnh này với câu chú thích kia, quả thật là một cánh tay vịn đỡ tôi đứng dậy, một tấm biển chỉ đường cho tôi đi … trong thời điểm ấy cũng như tất cả những năm tháng về sau. Đến nay, tôi có thể khẳng định rằng, tất cả những gì tôi có được hôm nay, dù chẳng ra gì, dù không bằng ai, thành thật mà nói, đều do từ bức ảnh đẹp nhất kia và lời chú thích như một câu thần chú kia đem lại” (tr.197, 198, 199), để rồi sau đó trở thành nhà giáo, nhà văn, nhà báo, đảng viên.

Những trang tự truyện đầy tính nhân văn ảnh 2

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng từng là thầy cãi đã ra tòa 216 lần - Ảnh Nguyễn Tý

Nhưng nếu chỉ có chuyện bi thương bằng nước mắt, thì tiểu thuyết sẽ không hấp dẫn, lôi cuốn. Bởi, nếu không lồng vào câu chuyện tình yêu của hơn 40 năm về trước của nhân vật tôi và Én thì tiểu thuyết kém tính lãng mạn bằng thủ pháp độc thoại, đồng hiện. Từ cuốn băng ghi âm, máy cát-sét và cuốn sổ tay, tác giả đã tái hiện những tâm tư dằn vặt của Én, người con gái trước năm 1954 nhà nghèo đến nỗi: “Manh áo rách chẳng sao che đủ tấm thân con gái đang ở tuổi dậy thì” (tr.5).

Vậy đó, Én nhận từ tình cảm chân thật, một tình yêu tuổi mới lớn của “tôi” khi tặng chiếc áo gụ cho Én. Để rồi chính giai đoạn khắc nghiệt của cuộc Cải cách ruộng đất mà tình yêu của họ ngăn cách. Én từ tầng lớp nông dân nghèo trở thành đại diện cho đoàn thanh niên cứu quốc, “tôi” bị xa lánh vì lý lịch. Nàng đã cùng ông Khán Vĩnh, cha mình chống đối lại Kền người anh vì tội ác của Kền gây ra. Én chung thủy nhiều lần bênh vực cho “tôi”, mặc dầu bị Đội Khoảnh theo đuổi dụ dỗ thậm chí định cưỡng bức, ngay cả Phổng theo hỏi cưới, nàng khéo từ chối tất cả. Én đã ngụy trang tự tử để rồi “kháng chiến chống Mỹ xảy ra, em xin gia nhập lực lượng thanh niên xung phong” (tr.293).

Nhưng những ân oán đã được hóa giải khi nửa thế kỷ sau, Én trở thành sư cô Diệu Hằng đến khi trở về thế giới bên kia mới trao lại bí mật mà bà mang theo suốt cuộc đời. Vì sao ông Cả Lân không bị bắn chết mà bị chính Kền người anh của Én bổ cuốc vào đầu. Kền, Đội Khoảnh những kẻ đại diện cho cách mạng trong công cuộc cải cách ruộng đất đã gây nên những ân oán, tai nạn cho nhiều gia đình, đẩy họ vào chỗ không lối thoát. Tội ác của chúng nếu Đảng và Bác Hồ không nhìn nhận ra thì còn tệ hại cho biết bao cái chết oan nghiệt, cho những vụ thảm án “long trời lở đất” của cơn bão năm Mùi.

Qua Én người đọc biết thêm nhân vật “tôi” chính là tác giả: “Em được biết, sau biến cố long trời lở đất ấy, anh vẫn đứng vững, mấy năm sau anh lại đi học lại, anh ăn đói mặc rét, ngày hai lần đi bộ lên thị xã để học cấp ba nhưng sau đó anh lại không được vào đại học, do hồi đó hai chữ địa chủ còn là ấn tượng xấu đối với mọi người. Nhưng anh không nản chí, anh đi công trường gang thép, anh tự học, anh viết văn viết báo để thành nhà báo nhà văn như hiện nay, em đều biết. Em còn được đọc những bài viết của anh nữa kia. Anh có biết vì sao em biết đó là những tác phẩm của anh không. Đó là do cái bút danh đấy. Cái bút danh mà chỉ có em mới biết được nguồn gốc, bởi khi chúng ta còn trẻ và còn yêu nhau đã nhiều lần anh nói anh mơ ước sau này trở thành nhà văn với cái bút danh ấy. Đọc bài viết của anh,  em sáng ra một điều là anh không hề có ấn tượng nặng nề, không hề hằn học,cay cú với cái biến cố làm gia đình anh tan nát ấy. Trái lại, anh còn tỏ ra thông cảm, độ lượng khi gọi đó “Nước mắt một thời”, “Cơn sốt vỡ da” hoặc nữa “Bão năm Mùi”. Cơ thể con người nào lớn lên, trưởng thành mà chẳng qua một lần sốt gọi là sốt vỡ da anh nhỉ. Còn chữ “Nước mắt một thời”, em đoán hình như anh muốn trân trọng nhắc tới một kỷ niệm đau buồn của dân tộc, khi Đảng và Bác Hồ phát hiện ra sai lầm nghiêm trọng mà những người thực hiện cuộc Cải cách Ruộng đất đã gây ra cho đất nước mình. Trong một hội nghị bàn về công tác sửa chữa những sai lầm ấy, Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta đã khóc. Có phải ý anh định nói thế không!” (tr.289,290).

Đọc xong 300 trang sách, khép lại rồi tôi vẫn thấy sởn da gà nhưng lại hy vọng, lại vui vì từng trang viết lấp lánh đầy tính nhân văn.

***

Sau khi cuốn sách được xuất bản, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng cho biết: “Vừa qua, cuốn tiểu thuyết “Nước mắt một thời”, một- đời- mong- đợi của tôi may mắn được ra mắt bạn đọc qua NXB Hội Nhà văn.  Càng vui hơn là cuốn sách sau đó đã có được tiếng vàng nhất định trong lòng bạn đọc gần xa. Trong số này có ông Nguyễn Quốc Mại, một dịch giả, nguyên là chuyên viên của Bộ Văn hóa thông tin, hiện đang nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh. Do đồng cảm với tác giả, am hiểu quê hương và những biến động trong cuốn sách, ông Mại đã dành hẳn thời gian chắc không phải là ít để dịch cuốn sách trên ra tiếng Pháp.

Nay bản dịch đã hoàn thành. Để thẩm định chất  lượng bản dịch, vừa qua tôi có đưa một chương lên trang web “Bình chọn thơ hay.com” của ông Trần Đình Thu để lắng nghe ý kiến đánh giá của những bạn đọc am hiểu tiếng Pháp. Kết quả thật đáng khích lệ. Một bạn đọc, vốn là nữ cựu tù chính trị Côn Đảo, có phu quân là người Pháp, đã cho hay “bản dịch rất “siêu”(chữ dùng của bà)” rồi kết luận: “Có được một dịch giả như thế này thật là may mắn hiếm hoi cho tác giả”.

Lại một lần nữa, tôi rất vui. Nhưng rồi lại thêm nỗi băn khoăn. Bản dịch thì như thế rồi nhưng còn đầu ra cho tác phẩm biết tìm đâu? Xưa nay cả hai chúng tôi, tác giả và dịch giả đều chưa quen với cách gõ vào cánh cửa của những nơi này, mặc dù chúng tôi được biết hiện nay Nhà nước ta đang rất quan tâm đến việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài. (Thông tin cho biết Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức một hội nghị với nội dung như trên tại Hà Nội vào tháng 1 năm 2010).

Vì những lẽ trên tôi viết những dòng này để cầu mong quý bạn đọc nào đó am hiểu, thông thạo việc xuất bản sách văn học Việt Nam ra nước ngoài, tình cờ đọc được, hãy giúp chúng tôi để cuốn sách có được một nơi xuất bản bằng tiếng Pháp. Nàng Lọ Lem này đang mỏi mắt trông chờ sự đoái hoài của các chàng hoàng tử”.

Sáng nay (23-12), ông gọi tôi sớm, bản dịch tiếng Pháp đã được nhà thơ Hữu Thỉnh báo Hội Nhà văn sẽ nhận in. Xin chúc mừng ông.

NGUYỄN TÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm