Những tượng đồng - những bài học đạo lý

Đây là hai nhân vật có công lớn trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và có ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều thế hệ thanh niên và trí thức Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua. Trong hơn 15 năm qua, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và tạp chí Xưa & Nayđã kiên trì với cuộc vận động “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân”, đã quyên góp và đúc hơn 300 pho tượng danh nhân trong cả nước, thể hiện đạo lý của người Việt Nam: Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây.

Những nhân vật nổi tiếng lúc sinh thời đã nhiệt tình ủng hộ cuộc vận động này là nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng GS Trần Văn Giàu - hai vị nguyên đồng Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Cả ba nhân vật nổi tiếng này nay đã thành người thiên cổ. Và đến lượt họ được đúc tượng đồng. Tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được trao tặng cho trường THPT mang tên ông ở Rạch Giá, Kiên Giang; tượng cố GS Trần Văn Giàu được trao tặng cho trường THPT mang tên ông tại Bình Thạnh, TP.HCM. Buổi lễ trao tặng tượng đơn giản nhưng rất trang trọng bằng lễ dâng hương với dàn nhạc của ban quý tế lăng Lê Văn Duyệt.

Lê Văn Duyệt cùng với Phan Than Giản và Trương Vĩnh Ký là ba nhân vật lịch sử cận đại ở Nam Bộ bị coi là “có vấn đề” trong suốt một thời gian dài, tên họ hầu như bị xóa khỏi các tên đường phố trong cả nước và trong sách lịch sử của học sinh. Nhưng từ năm 2000 đến nay, tạp chíXưa & Nay đã đứng ra tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm với mong muốn tìm sự đồng thuận nhằm trả lại sự công bằng cho họ. Cả ba nhân vật lịch sử nói trên đều đã được đúc tượng đồng. Đặc biệt tượng Tả quân Lê Văn Duyệt được đúc bằng đồng nguyên chất cao 2,7 m, nặng ba tấn, theo mẫu của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, đã được làm lễ an vị tại Lăng Ông sáng 4-2-2008. Chính cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những người đầu tiên đóng góp vào Quỹ Mỗi người một giọt đồng.

Tại cuộc tọa đàm về Lê Văn Duyệt tổ chức ở UBND quận Bình Thạnh năm 2000, ông Võ Văn Kiệt - bấy giờ là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng là người đến sớm nhất. Phát biểu tổng kết buổi tọa đàm, ông Kiệt đã nói, đại ý: “Từ sáng giờ tôi nghe các học giả, nhà sử học đều nói Lê Văn Duyệt rất thương dân. Mà thương dân tức là yêu nước. Vậy tôi xin nói Lê Văn Duyệt là người yêu nước”. Ông cũng đồng ý quan điểm ghi nhận công lao to lớn đối với sự phát triển Nam Bộ của Lê Văn Duyệt. Ông Kiệt cũng nhận khuyết điểm là trong thời gian làm lãnh đạo TP những ngày đầu mới giải phóng, do công việc quá bề bộn nên đã thiếu quan tâm tới những vấn đề tế nhị của văn hóa-lịch sử TP mới tiếp quản, trong đó có việc xóa tên đường Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký. Trong cuộc hội thảo về Phan Thanh Giản tổ chức tại Vĩnh Long, ông Võ Văn Kiệt cũng về tham dự. Trong khi trò chuyện với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, ông nói ông biết tỉnh có dự kiến sau khi ông mất sẽ đặt tên ông cho một con đường lớn ở Vĩnh Long nhưng ông đề nghị thay vì đặt tên ông, hãy đặt tên Phan Thanh Giản. Một lần đến thăm Văn Thánh miếu ở Vĩnh Long, ông Kiệt được biết trước kia ở đây có tượng Phan Thanh Giản nhưng sau giải phóng tượng đã di dời đi đâu mất. Sau đó ông đã bỏ tiền túi, nhờ tạp chíXưa & Nayđúc giúp tượng Phan Thanh Giản để ông gửi tặng lại cho Văn Thánh miếu Vĩnh Long. Thời gian tượng đang đúc thì ông Kiệt đi họp ở Hà Nội và rồi bị mất đột ngột. Tạp chíXưa & Nay đã nhờ con ông mang về Vĩnh Long tặng Văn Thánh miếu… Hội thảo về Trương Vĩnh Ký, ông Võ Văn Kiệt vì bận không tham dự được nhưng đã gửi bài tham luận tới đọc tại hội thảo…

Tôi viết lại những chuyện trên để ghi nhận tấm lòng của một nhân vật lịch sử lỗi lạc đối với các bậc tiền hiền. Đó là những bài học quý giá về đạo lý cho những người trẻ và cho các nhà lãnh đạo hôm nay.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm