Những vấn đề nóng trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Trung

Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình vào tối 15-11 (giờ Washington, tức sáng 16-11 theo giờ Bắc Kinh). Đây là lần thứ ba lãnh đạo Mỹ và TQ trao đổi trong năm 2021, sau hai cuộc điện đàm hồi tháng 9 và tháng 10. Giới chuyên gia dự đoán hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ đề cập nhiều vấn đề nóng trong quan hệ Mỹ - Trung thời gian qua, song không kỳ vọng ông Biden và ông Tập sẽ thống nhất được hướng giải quyết ngay lập tức.

Ông Biden, ông Tập kỳ vọng gì?

Theo Thư ký báo chí Psaki, tại thượng đỉnh, ông Biden sẽ tập trung vào chuyện cạnh tranh giữa Mỹ và TQ, cũng như tìm hiểu khả năng cùng hợp tác. Ông Biden chắc chắn sẽ nêu rõ các ý định và ưu tiên của Mỹ, thẳng thắn bày tỏ quan điểm về quan ngại của Mỹ đối với TQ.

Ông Joe Biden (phải, khi còn là phó tổng thống Mỹ) tiếp đón ông Tập Cận Bình (trái, khi còn là phó chủ tịch Trung Quốc) tại Nhà Trắng hồi tháng 2-2012. Ảnh: GETTY IMAGES

Trong khi đó, về phía ông Tập, một bức thư nhà lãnh đạo này gửi cho Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung (một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ) vừa được công bố hồi tuần trước cho thấy ông có vẻ muốn phát tín hiệu rằng Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Washington trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Trong thư, ông Tập còn nhấn mạnh rằng hai nước sẽ gánh chịu nhiều “mất mát” nếu cứ tiếp tục đối đầu và chỉ có hợp tác mới đem tới lợi ích.

Tuy nhiên, quan điểm được cho là ôn hòa này có phần bị lu mờ với các phát ngôn của ông Tập trong video gửi cho Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngay sau đó hôm 10-11. Ông Tập cảnh báo những hành động gây chia rẽ về tư tưởng và khu vực địa chính trị chắc chắn sẽ thất bại.

Đài Loan, cạnh tranh kinh tế có thể là trọng tâm

Theo hãng tin Bloomberg, có thể khoanh vùng một số chủ đề được bàn đến tại hội nghị, dựa trên các diễn biến trong quan hệ song phương gần đây. Ưu tiên lớn nhất của ông Biden và ông Tập có thể là đối thoại về mâu thuẫn kinh tế Mỹ - Trung vốn đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hồi tháng 10, quan chức Mỹ - Trung đã ngồi lại đánh giá tiến độ thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký hồi tháng 1 năm ngoái. Phía Mỹ kết luận rằng TQ vẫn chưa tuân thủ nghiêm túc các điều khoản trong văn kiện này. Số liệu của Bloomberg cho thấy tính đến nay, TQ chỉ mới đáp ứng được 53% cam kết nhập khẩu 200 tỉ USD trị giá hàng hóa và dịch vụ Mỹ. Trong khi đó, xuất khẩu TQ vào Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh, với thặng dư thương mại lên tới 325 tỉ USD tính từ đầu năm nay.

Một số chủ đề chính trị nhạy cảm nhiều khả năng cũng sẽ xuất hiện là các vấn đề về Đài Loan và Tân Cương. Tháng 10 vừa qua là giai đoạn chứng kiến đợt triển khai quân sự gây sức ép Đài Loan lớn nhất từ trước đến nay của Bắc Kinh, với hơn 200 máy bay chiến đấu các loại liên tục đi vào vùng nhận diện phòng không mà Đài Loan tự thiết lập. Mỹ cùng một số đồng minh như Nhật, Úc công khai lên tiếng sẵn sàng can thiệp trong trường hợp TQ dùng vũ lực với Đài Loan. Đối với TQ, những động thái như vậy vi phạm chính sách “một TQ” vốn là nền tảng của quan hệ Mỹ - Trung hàng chục năm qua. Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị cảnh báo trực tiếp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken rằng Washington không nên gửi tín hiệu sai lầm cho các lực lượng ủng hộ ở Đài Loan.

Về vấn đề Tân Cương, Bloomberg cho rằng có thể ông Tập sẽ muốn đàm phán để ông Biden gỡ bỏ trừng phạt với một số quan chức nước này xung quanh cáo buộc vi phạm quyền con người đối với người Duy Ngô Nhĩ. Dù vậy, giới chuyên gia rằng đây là chuyện rất khó bởi ông Biden đã nhấn mạnh quyền con người là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại.

Sẽ không nhiều đột phá

Nhìn chung, giới quan sát không kỳ vọng sẽ có thay đổi gì đáng kể trong chiều hướng phát triển quan hệ Mỹ - Trung sau hội nghị thượng đỉnh ngày 16-11 (theo giờ Bắc Kinh). Trả lời tờ South China Morning Post, GS David Lampton thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ) cho rằng lý do lớn nhất khiến cả ông Biden lẫn ông Tập quyết định tham gia hội nghị này là đều vì những mối bận tâm liên quan tới sự nghiệp chính trị của mình và rất cần thể hiện được hình ảnh mình là nhà lãnh đạo cứng rắn. Cụ thể, theo GS Lampton, với ông Biden là cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ năm 2022 và bầu cử tổng thống năm 2024, trong khi đó với ông Tập là Đại hội Đảng Cộng sản TQ lần thứ XX năm sau.

GS Lampton cho rằng chỉ nên xem hội nghị thượng đỉnh sắp tới như là một kênh liên lạc bổ sung ở cấp cao hơn để Washington và Bắc Kinh có thể kiềm chế khủng hoảng trong trường hợp các cấp thấp hơn phạm sai lầm và đẩy căng thẳng đi quá xa. Ngoài ra, có thể phòng trường hợp một cuộc khủng hoảng thực sự xuất hiện như tình hình Đài Loan diễn biến thành xung đột vũ trang toàn diện.

Chuyên gia Neil Thomas thuộc Công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group (Mỹ) thì nhận định dù không xảy ra đột phá, song việc duy trì liên lạc giữa lãnh đạo hai nước vẫn hết sức quan trọng. “Những cuộc gặp như hội nghị thượng đỉnh sắp tới là cơ hội để hai bên hiểu rõ hơn về những khả năng hợp tác song phương và lập trường của đối phương trong các vấn đề mấu chốt, từ đó giảm khả năng tính toán sai lầm, có thể làm khủng hoảng leo thang hoặc thậm chí nổ ra xung đột. Dĩ nhiên, nhiều vấn đề đang đẩy hai nước đi quá xa nhau như Đài Loan thì không thể giải quyết lập tức trong một buổi như vậy”, theo ông Thomas.•

Trước khi làm tổng thống Mỹ, ông Biden cũng từng có một số lần tiếp xúc trực tiếp với ông Tập. Năm 2013, hai ông gặp nhau ở Bắc Kinh khi ông Tập đảm nhiệm vị trí chủ tịch TQ và ông Biden giữ chức phó tổng thống Mỹ. Năm 2012, khi ông Tập là phó chủ tịch TQ, hai người cũng gặp nhau khi ông Tập đến thăm Mỹ.

Chuyên gia Trung Quốc nói gì

Chia sẻ với tờ The Straits Times, ông Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại ĐH Phục Đán (TQ), cho rằng “đôi khi gặp mặt trực tiếp có thể phản tác dụng” trong khi hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa ông Biden và ông Tập có thể tạo được khác biệt trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và TQ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo ông, “hai cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và Donald Trump từng gặp ông Tập nhiều lần” nhưng hầu như những lần gặp trực tiếp này không mang lại nhiều kết quả.

Ông Wu cũng lưu ý thêm rằng thành bại của hội nghị không chỉ phụ thuộc vào điều kiện chính trị mà còn nằm ở mức độ tin tưởng và sẵn sàng giải quyết quan ngại của hai lãnh đạo. Đơn cử, Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin dù đã gặp nhau trực tiếp hồi tháng 6, song quan hệ Mỹ - Nga đến nay không có cải thiện đáng kể nào. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới