Những vụ ‘con ông cháu cha’ thăng tiến thần tốc

Đầu tiên phải kể đến ông Vũ Quang Hải, con trai ông Vũ Huy Hoàng (đã bị cách chức nguyên bộ trưởng Bộ Công Thương). Đầu năm 2015, khi Hải mới 28 tuổi đã được điều động về Tổng Công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn Sabeco (một doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương) ở vị trí hàm phó vụ trưởng để đảm đương chức phó tổng giám đốc, thành viên HĐQT Sabeco. Vụ bổ nhiệm Hải sau đó đã được Ủy ban kiểm tra (UBKT) Trung ương vào cuộc kết luận và đầu năm 2017, Hải bị bãi miễn hết các chức danh.

Tại Hải Dương, nơi có Sở LĐ-TB&XH có tới 44 lãnh đạo, trong đó có ông Phạm Văn Kháng (37 tuổi), người được đích danh cha ruột là ông Phạm Văn Tỏ, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương, ký quyết định bổ nhiệm làm phó trưởng phòng khi chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn ngạch công chức hành chính. Vụ việc này sau đó đã bị UBKT Tỉnh ủy Hải Dương vào cuộc xử lý…

Gần đây nhất là vụ cha con nguyên bí thư tỉnh Quảng Nam cũng được UBKT Trung ương kết luận. Cụ thể ông Lê Phước Hoài Bảo (con ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) được bổ nhiệm làm giám đốc Sở KH&ĐT khi mới 30 tuổi. Việc bổ nhiệm này được UBKT Trung ương kết luận là “không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục”. Liên quan đến việc này, cả hai cha con ông Bảo đều bị đề nghị xử lý trách nhiệm.

Cũng ở tỉnh này, đương kim chủ tịch UBND tỉnh là ông Đinh Văn Thu cũng bị UBKT Trung ương chỉ rõ đã ký văn bản đề nghị bổ nhiệm con trai mình khi chưa được phê duyệt quy hoạch; để tỉnh tuyển dụng công chức không qua thi tuyển, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo đối với con trai chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn…

Ngoài ra, trong năm qua báo chí cũng nêu hàng loạt vụ việc bổ nhiệm người nhà, cả họ làm quan khiến người dân bức xúc ở các tỉnh như Hà Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Gia Lai…

Nhiều ràng buộc với người được bổ nhiệm

Ngày 19-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định 105-QĐ/TW của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Theo Quy định 105, những vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức, đình chỉ chức vụ, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật cán bộ phải do tập thể cấp ủy, tổ chức đảng thảo luận dân chủ, quyết định theo đa số. Trường hợp ý kiến của người đứng đầu và ý kiến của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị khác nhau thì phải báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về điều kiện bổ nhiệm, phải đảm bảo tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Đảng và cơ quan có thẩm quyền; không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm; có hồ sơ, lý lịch cá nhân, phiếu kê khai tài sản, thu nhập đầy đủ, rõ ràng và được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, xác minh.

Cán bộ sau khi được bổ nhiệm, vì lý do cụ thể như sức khỏe không đảm bảo, uy tín giảm sút, không phù hợp điều kiện sinh hoạt, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật nhà nước thì các cơ quan tham mưu phải đề xuất và cấp lãnh đạo có thẩm quyền cần xem xét, thay thế kịp thời, không chờ hết thời hạn được bổ nhiệm.

TTH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm