Những vụ thảm sát gia đình

Hầu hết các vụ án này kết thúc với việc bắt được hung thủ, song đối với dư luận xã hội, nó không hề kết thúc. Bởi, tác động của nó đã vượt quá sức chịu đựng về tâm lý của người dân.

Đêm đẫm máu

Sáng 12-12-2009, tiếng súng liên tục vang lên trong thôn Âm Sơn Bài, xã Cao Minh, huyện An Hóa, Hồ Nam cùng với những ngôi nhà chìm trong lửa cháy ngút trời. 13 người chết vì trúng đạn, vì dao chém và lửa thiêu trong khi 1 người khác vẫn trong tình trạng nguy hiểm về tính mạng. Nghi phạm Lưu Ái Tân bị bắt sau đó 1 ngày.

Theo lời kể của các nhân chứng, ngày 11-12 Lưu Ái Tân đến nhà chú họ Lưu Thụ Thâm ăn tối, sau đó ở lại ngủ đêm. 4h sáng, Lưu Ái Tân lấy khẩu súng săn mang theo bên người bắn chết chú họ, sau đó tiếp tục sang nhà anh em ruột của Lưu Thụ Thâm bắn chết 3 người và châm lửa đốt nhà.

Những vụ thảm sát gia đình ảnh 1

Điều trị, định hướng tâm lý tốt sẽ góp phần ngăn ngừa tội phạm

Vì nhà trong thôn Âm Sơn Bài đều làm bằng gỗ, lại sát rừng cây nên ngọn lửa nhanh chóng lan rộng. “Khi đó Lưu Ái Tân mang theo 2 khẩu súng săn, 1 dao tông, nhìn thấy ai là bắn chết”, một người dân trong thôn kể lại, “khi hết đạn, hắn dùng đến dao”. Sau khi giết chết và làm bị thương 13 dân thôn, hắn quay lại nhà người chú, đốt căn nhà cùng người bố đẻ đang ở trong đó thành tro.

Lưu Ái Tân năm nay 34 tuổi, sau khi tốt nghiệp trung học đã cùng mẹ đi làm thuê xa nhà, rất ít khi về. Trước khi vụ thảm án xảy ra chừng 2 tháng chính là lúc hắn mới ở Quảng Đông về, “mang” theo một số biểu hiện bất thường về thần kinh.

Tuy vậy, nhiều gia đình ở Âm Sơn Bài khẳng định động cơ của Lưu Ái Tân là do những nghi kỵ về lợi ích kinh tế cũng như nhằm trả thù cá nhân. Dù nguyên nhân gây án là gì, vụ án cũng khiến dư luận Trung Quốc bàng hoàng, ghê sợ.

Tội ác có thể ngăn ngừa  

Trước đó không lâu, ngày 28-11-2009, Lý Lỗi, kẻ sát hại 6 người trong gia đình gồm bố mẹ, vợ, 2 con trai và em gái ở Đại Hưng, Bắc Kinh bị bắt ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam. Ngày 13-8, chỉ vì giận vợ con có thái độ không tốt với mình, Tống Mỹ Sinh, một người đàn ông ở Hoành Phụ, An Huy nhốt vợ cùng 2 đứa con là sinh viên trong nhà, sau đó chất củi xung quanh, đổ xăng thiêu chết. Xa hơn, tháng 12-2008, một phụ nữ người Đường Hà, Hà Nam vì mâu thuẫn gia đình đã giết chết bố mẹ chồng và 2 đứa con gái chưa đầy 10 tuổi, sau đó tự sát.

Khi phân tích, các chuyên gia đều thấy đằng sau các vụ án này là những mâu thuẫn không giải quyết nổi trong nội bộ gia đình. Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, động cơ những vụ án này không còn là những mâu thuẫn thông thường, mà phải gọi là thù hận gia đình. Thù hận xuất phát từ sự thiếu hụt nhân cách của đương sự. Những kẻ giết người với thủ đoạn tàn nhẫn nhìn chung đều sinh ra trong một gia đình kiện toàn về kết cấu nhưng không kiện toàn về chức năng.

Khác với những vụ án hình sự thông thường, ngoài trách nhiệm trước pháp luật, những vụ án giết người trong gia đình còn để lại sự suy ngẫm sâu sắc trong dư luận. Nó không chỉ phá hoại trật tự xã hội mà luân lý đạo đức cũng bị công kích nghiêm trọng. Để ngăn ngừa những trường hợp đáng tiếc tương tự, theo Giáo sư Lạc Đại Hoa, Học viện chính pháp Bắc Kinh, “chính phủ nên đầu tư xây dựng các cơ chế can dự tâm lý cho người dân, nhất là ở nông thôn”. Mặt khác, hoàn thiện cơ chế pháp luật cũng là điều rất cần thiết.

Được biết, hiện trên toàn thế giới đã có hơn 130 nước có “Luật y tế tâm thần” riêng và phát huy hiệu quả khá tốt. Trong khi đó, từ năm 1985, Bộ Y tế Trung Quốc đã chỉ định Sở Y tế Tứ Xuyên phối hợp với Sở Y tế Hồ Nam khởi thảo “Luật y tế tâm thần”, tuy vậy qua 24 năm với 10 lần sửa đổi vẫn chưa được ban hành. “Cần thấy được tầm quan trọng của nó và thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng cũng như hoàn thiện”, luật sư Lý Tầm Hoa, Trùng Khánh nói.

Bảo Trâm tổng hợp (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm