Nhớ lại thời khắc thống nhất đất nước 43 năm trước, ngày 30-4-1975, GS-TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, nói: “Giống như mọi người Việt Nam khác, tôi vỡ òa niềm vui. Khi nghe xướng ngôn viên Đài Tiếng nói Việt Nam nghẹn lời thông tin về thời khắc lịch sử, chúng tôi cũng hòa chung cảm xúc ấy”.
Niềm tin từ lòng dân là vấn đề căn cốt
. Phóng viên: Cảm xúc ấy kéo dài trong ông lâu không, thưa ông?
+ GS-TSKH Vũ Minh Giang: Từng ở trong quân ngũ, ở chiến trường, sau niềm vui vỡ òa là nghẹn lại. Rồi tôi tưởng tượng đến một tương lai xán lạn của dân tộc Việt Nam: Trong một thời gian rất ngắn đất nước sẽ phát triển, không thế lực nào đụng đến Việt Nam được nữa, cuộc sống đổi thay hằng ngày…
Nhưng sau này tôi mới hiểu lịch sử không đơn giản như vậy khi chúng ta bước vào hai cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, rồi sau đó là lâm vào khủng hoảng.
. Nhưng ông cũng từng coi ngày 30-4-1975 là dấu mốc quan trọng và mở ra cơ hội hàn gắn những đau thương, mất mát, chia rẽ… Dấu mốc ấy đã cách hiện tại 43 năm…
+ Khi dấu ấn quan trọng này càng lùi sâu vào quá khứ, tôi thấy có chút day dứt và có thể niềm vui chưa trọn vẹn. Chúng ta vẫn phải nói về hòa hợp, hòa giải trong khi ai cũng hiểu rằng đại đoàn kết dân tộc chính là một sức mạnh vô địch. Hơn nữa hòa hợp, hòa giải cũng là tiền đề để có một niềm tin to lớn cho toàn dân tộc đi đến những thắng lợi khác.
. Vì sao ông lại nhấn mạnh đến niềm tin?
+ Bởi niềm tin là cội nguồn của ý chí sắt đá, là cội nguồn của sức mạnh. Khi có niềm tin thì người ta còn có thể huy động được sức mạnh tổng lực, vượt xa cả khả năng con người.
Mỗi cuộc chiến, trận chiến trong lịch sử dân tộc là một thí dụ điển hình. Ta thử hình dung nếu một dân tộc mất niềm tin thì có khôi phục được độc lập sau 1.000 năm Bắc thuộc hay không? Câu trả lời là không. Vì vậy, niềm tin có một sức mạnh ghê gớm lắm mới đưa một dân tộc từ mất chủ quyền, rơi vào tay đế chế hùng mạnh bậc nhất thời đó, bị đồng hóa liên tục, ráo riết bởi nền văn minh Trung Hoa rồi cuối cùng vẫn độc lập.
. Nhưng có cả sự đấu tranh kiên cường của nhân dân trong suốt 1.000 năm đó, thưa ông?
+ Tất nhiên là đấu tranh kiên cường nhưng vượt trên tất cả là niềm tin vào khả năng tự giành được quyền sống riêng của mình thì mới có kết quả đó. Nếu không có niềm tin sắt đá ấy thì Việt Nam đã không thể làm được như thế. Sức mạnh của lòng tin là như vậy.
Đồng bào trong ấp chiến lược ra tiếp tế lương thực cho bộ đội Tiểu đoàn Quyết Thắng bám trận địa năm 1967. Ảnh: TƯ LIỆU
Rồi thế kỷ 13, chúng ta phải đối mặt với kẻ thù hung hãn là đế chế Nguyên Mông. Nếu dân Đại Việt không tin vào sức mạnh dân tộc, tin vào sự lãnh đạo của triều Trần thì làm sao thắng được ba lần một đế chế hùng mạnh như vậy.
Trước Cách mạng tháng 8 (CMT8), chúng ta mất nước gần 100 năm, chìm trong phận mất nước. Đảng có trong tay cái gì ngoài lòng tin của nhân dân đối với tiền đồ dân tộc? Hàng triệu người không sợ gian khổ hy sinh để làm tất cả cho CMT8. Không tin vào Đảng thì làm sao họ bỏ ra hàng ngàn cây vàng để ủng hộ cách mạng?
Rồi với cuộc kháng chiến chống Mỹ, nếu không có lòng tin thì không ai có thể đeo ba lô đi dọc Trường Sơn, rồi hy sinh để dân tộc vẫn đi tới chiến thắng cuối cùng, thống nhất đất nước. Động lực dĩ nhiên là có nhiều nhưng niềm tin mới là vấn đề căn cốt.
Biết nhận ra sai lầm và quyết liệt sửa sai
. Niềm tin thì rõ ràng là một sức mạnh nhưng duy trì niềm tin ấy có lẽ là một việc rất khó, thưa ông?
+ Dĩ nhiên, niềm tin không phải lúc nào cũng bất biến mà luôn đổi thay. Và ta thấy Đảng có lòng tin như một vũ khí vô địch như tôi đề cập trên đây khi nói về CMT8.
Khi bước vào thời kỳ xây dựng đất nước thì Đảng có sai lầm, chẳng hạn như cải cách ruộng đất. Tuy vậy, lúc đó lòng tin của dân vào Đảng còn rất lớn nên khi Đảng nhận lỗi, xin lỗi thì dân tin trở lại.
Khi đất nước lâm vào khủng hoảng, gặp khó khăn, các cửa hàng trống trơn không có gì đảm bảo cuộc sống. Niềm tin của nhân dân có bị sứt mẻ không? Có! Lỗi ở đâu? Lỗi nằm “ở duy ý chí, chủ quan” trong đường lối xây dựng đất nước. Tuy vậy, sau khi sự nghiệp đổi mới, hành động sửa sai cụ thể của Đảng thì niềm tin của nhân dân vào Đảng lại được phục hồi.
. Đổi mới đã diễn ra hơn 30 năm nay. Ông nghĩ niềm tin ấy có tiếp tục được duy trì và hiện nay niềm tin ấy như thế nào?
+ Trong thời gian gần đây, đáng tiếc khi kinh tế tương đối phát triển thì một bộ phận cán bộ tha hóa. Hiện tượng tham nhũng tràn lan, công quỹ, tài sản quốc gia, của nhân dân thất thoát vào tay các cá nhân. Lòng tin đã bị giảm đi rất nhanh. Đây là một chỉ báo về một nguy cơ nếu không quyết liệt khắc phục, sửa chữa thì thậm chí có thể dẫn tới sụp đổ.
Bởi lòng tin của nhân dân đối với một thể chế quan trọng lắm. Một chính thể không thể dựa vào bất kỳ điều gì khác ngoài sự ủng hộ của nhân dân. Khi nhân dân không tin, không ủng hộ nữa thì không có gì ngăn cản được sự sụp đổ. Lịch sử thế giới đã chỉ ra rồi. Lịch sử Việt Nam cũng đã có rồi. Bao nhiêu chính thể hùng mạnh nhưng khi nhân dân không tin nữa thì sụp đổ là lẽ đương nhiên.
Đảng cần đi đến cùng trong cuộc chiến chống tham nhũng
. Nhưng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng đang diễn ra cho thấy nhân dân đang rất phấn khởi và tin tưởng, thưa ông?
+ Đây là điều may mắn cho Đảng và cho dân tộc. Trong tình thế hiểm nghèo của sự tồn vong, nếu tiếp tục đà này mà không được sửa chữa, khắc phục thì có nguy cơ sụp đổ. Nhưng công cuộc chống tham nhũng được triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả đang dần lấy lại niềm tin của nhân dân với lãnh đạo. Điều này cực kỳ quan trọng.
Bởi trước đây, khi nói tới tham nhũng là đụng đến lãnh đạo, đụng đến vấn đề nhạy cảm. Mà nhạy cảm thì ít được nói đến và có phần né tránh. Điều đó giờ đã khác - “không có vùng cấm” trong chống tham nhũng đang được hiện thực hóa bằng hành động, nhân dân có cảm giác là họ được tin và lòng tin trở lại. Khi lòng tin trở lại thì Đảng có sức mạnh.
. Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở việc xử lý các cá nhân tham nhũng thôi, ông nghĩ sao?
+ Đây là điều cần phải nói. Đã bắt đầu xuất hiện cách nghĩ: Lòng tin được hồi phục nhưng cái nhân dân trông chờ là diệt tận gốc nạn tham nhũng chứ không phải chỉ là xử những người tham nhũng. Kinh nghiệm cho thấy việc trừng trị kẻ có lỗi là một giải pháp thôi. Ngăn chặn nguồn gốc dẫn đến tham nhũng mới là quan trọng nhất.
Tổng Bí thư từng nói để làm như vậy thì phải tránh tình trạng tha hóa quyền lực. Làm sao phải để quyền lực được kiểm soát trong lồng luật pháp. Không thể để người có quyền muốn làm gì thì làm. Rồi bị tội thì xử. Như thế người ta sẽ khôn khéo tránh bị lộ thôi.
Nhân dân mong muốn, trông chờ, cùng quyết liệt chống tham nhũng, trừng trị thì phải có giải pháp chặn từ gốc tình trạng tham nhũng. Đó là tha hóa quyền lực, lạm dụng quyền lực. Nhân dân đang vào cuộc, là tai mắt của Đảng, nhân dân biết hết. Có thể các cơ quan điều tra thì gặp khó khăn nhưng phải hết sức chú ý đến những chỉ báo của nhân dân.
Cụ Hồ từng nhắc đi nhắc lại rằng: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Nhân dân có vai trò như vậy. Công cuộc chống tham nhũng phải dựa vào dân để đạt được toàn thắng và lấy lại niềm tin trong nhân dân.
Có niềm tin, dân sẽ tận hiến cho đất nước Ông TRẦN THIỆN TỨ Nếu củng cố được niềm tin từ lòng dân thì tôi tin rằng sẽ tạo được sức bật rất mạnh từ nhân dân như đã từng thu hút được sức mạnh của đồng bào ta trong bao kháng chiến của dân tộc để giành lại độc lập, tự do cho mình. Trong kháng chiến, người dân đã đặt niềm tin vào cách mạng cho nên bà con sẵn sàng cống hiến cả tiền bạc, tương lai, xương máu, chấp nhận mọi hy sinh để đi đến thắng lợi của ngày hôm nay. Những câu chuyện tôi biết cho thấy một khi đã có lòng tin thì dân sẽ đi đến cùng. Thời kỳ kháng chiến, dân dám cho cán bộ làm cách mạng vào nhà, dám đào hầm chứa vũ khí, dù biết nếu lộ ra thì chỉ có đường chết. Có người bị giặc đuổi phải chạy vào nhà dân. Để cứu cán bộ, dân còn bắc thang cho cán bộ leo lên trốn ở bàn thờ ông bà cao nhất trong nhà rồi đem đồ ăn thức uống đưa lên trên đó cho cán bộ được no dạ, thậm chí để họ đi vệ sinh trên đó luôn. Lính vào lùng sục, khám xét mọi nơi nhưng đâu có nghĩ ra được dân thương cán bộ cách mạng đến độ đó, nhờ thế mà mới thoát thân được… Ngày nay cũng vậy, xây dựng đất nước trong hòa bình mà tập hợp được lòng dân thì mới bứt phá đi lên được. Muốn thu hút lòng dân, tôi nghĩ cần phải thành khẩn nhìn lại những gì gây ra nỗi khổ, bức xúc cho dân bấy lâu nay. Có lẽ đầu tiên phải quyết liệt cải cách nền thủ tục hành chính hiện nay để dân bớt khổ, bớt kêu la mỗi khi làm giấy tờ, hồ sơ bởi sự nhũng nhiễu của cán bộ, vì sự rối rắm của thủ tục. Tiếp đó, phải dẹp bỏ cơ chế xin-cho đi, giờ đất nước hội nhập mà không đổi mới cơ chế xin-cho thì người dân rất khổ, trong khi nguồn lực đất nước thì rơi vào những nhóm lợi ích nào đó. Rất đau lòng! Phải làm sao để người dân được sống đúng theo tinh thần pháp quyền “miễn tôi không vi phạm luật thì tôi làm gì cũng được, không cần phải xin xỏ của ai hết”. Lớn hơn là phải trị được tham nhũng đến cùng vì mấy mươi năm đổi mới đến nay mà tham nhũng vẫn hoành hành, làm lòng dân ray rứt lắm! Bài học từ kháng chiến là Đảng phải tin dân, Đảng phải phục vụ tất cả cho nhân dân thì nhân dân sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp chung của đất nước. Ông TRẦN THIỆN TỨ, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trị tham nhũng, làm trong sạch bộ máy để dân tin Ông ĐỒNG VĂN KHIÊM Chúng ta thắng được Pháp, Mỹ và mọi thế lực là nhờ có Đảng trong lòng dân. Đảng trong lòng dân là tôn chỉ, mục đích của đất nước. Đất nước thống nhất nhưng lại để cho quan lại tham nhũng tràn lan. Lòng dân không yên! Tất nhiên đảng viên không phải ai cũng tham nhũng nhưng hầu hết thảy những người tham nhũng lại đều là cán bộ, đảng viên. Điều này đòi hỏi Đảng phải quyết tâm làm trong sạch bộ máy của mình. Gần đây trung ương đã dám nhìn thẳng vào sự thật, nói ra sự thật; mới chịu thừa nhận rằng một bộ phận không nhỏ đảng viên tham nhũng và quyết tâm trị. Có thể nói Nghị quyết 4 (khóa XI, XII) là sợi dây nối giữa chính quyền với nhân dân, nếu sợi dây này không chắc thì không thể kéo dân về với Đảng như ngày trước. Với các hành động mạnh mẽ trong dẹp tham nhũng như việc đánh mạnh các nhóm lợi ích, thậm chí có cả các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang và hàng loạt cán bộ cấp cao, điều này đã phần nào lấy lại được niềm tin của nhân dân với Đảng. Và dân đang chờ những cơn quét tham nhũng tiếp theo để làm trong sạch bộ máy. Ông ĐỒNG VĂN KHIÊM, thành viên Hội đồng Tư vấn phản biện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Lòng dân chưa yên trước sự tha hóa, suy thoái Bà HUỲNH THIỆN KIM TUYẾN Đất nước đã hòa bình, thống nhất như mong ước của dân tộc. 43 năm xây dựng, đất nước đã có nhiều đổi thay, phát triển. Nhưng là những người đã từng đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc làm sao yên lòng, làm sao không khỏi trăn trở, xót xa trước những hiện tượng tiêu cực đang bào mòn nguồn lực phát triển của đất nước. Những người nắm trong tay quyền lực nhưng thiếu tu dưỡng đạo đức bắt đầu tha hóa; tệ nạn con ông cháu cha, đặc quyền, đặc lợi… Tất nhiên vấn đề quan trọng hiện nay là Đảng phải mở các “cuộc tấn công” lớn để trừng trị đến cùng các quan tham nhũng nhưng bên cạnh đó chúng ta phải tổ chức lực lượng để giám sát, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm để chấn chỉnh chính lực lượng cán bộ của mình. Chẳng hạn về quy định Đảng đã phân công các đoàn thể kiểm tra, giám sát chính quyền và đội ngũ cán bộ. Nhưng hiện nay, các đoàn thể gần như rất ít thực thi chức năng này phần vì nể nang, e sợ cấp trên. Thiết nghĩ nếu mạnh dạn phê bình thì cái ghế quyền lực sẽ không còn. Một khi chức quyền không bị ai kiểm tra, giám sát thì tự nhiên sẽ nảy sinh tham nhũng. Nếu xung quanh có đoàn thể làm trăm ngàn con mắt nhìn vào, giám sát, phản biện “tiền đâu anh xây biệt phủ”, “tiền đâu anh mua xe sang”… thì đó là một lực cản để quan lại rụt rè trước tham nhũng. Vì vậy, việc cấp thiết bây giờ là tạo đội ngũ kiểm tra, giám sát cán bộ, ngăn chặn tham nhũng. Bằng cách đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức, đoàn thể, biến tổ chức này thành “một lực lượng giám sát” với nạn tham nhũng cũng là một giải pháp cần nghĩ tới. Bà HUỲNH THIỆN KIM TUYẾN, Bí thư đoàn đầu tiên của Đh Văn khoa Sài Gòn Lê Thoa ghi |