Niger: Ngoại trưởng Mỹ liên lạc Tổng thống bị lật đổ; ông Bazoum lên tiếng; xuất hiện phong trào chống đảo chính

(PLO)- Sau hai tuần kể từ khi quân đội Niger đảo chính, phong trào chống chính quyền quân sự đầu tiên hình thành nhằm khôi phục trật tự hiến pháp tại quốc gia châu Phi này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình hình ở Niger ngày 9-8 trở nên phức tạp hơn sau khi một cựu thủ lĩnh nổi dậy tuyên bố phát động phong trào chống chính quyền quân sự được thành lập sau cuộc đảo chính ngày 26-7, theo hãng tin Reuters.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với Tổng thống bị lật đổ của Niger - ông Mohamed Bazoum.

Tướng Abdourahamane Tiani - lãnh đạo chính quyền quân sự Niger sau đảo chính giữa những người ủng hộ tại thủ đô Niamey hôm 6-8. Ảnh: Mahamadou Hamidou/REUTERS

Tướng Abdourahamane Tiani - lãnh đạo chính quyền quân sự Niger sau đảo chính giữa những người ủng hộ tại thủ đô Niamey hôm 6-8. Ảnh: Mahamadou Hamidou/REUTERS

Xuất hiện phong trào chống đảo chính

Trong tuyên bố ngày 9-8, ông Rhissa Ag Boula - cựu thủ lĩnh nổi dậy và chính trị gia người Niger - thông báo thành lập Hội đồng Kháng chiến vì Cộng hòa (CRR) nhằm khôi phục lại quyền lực cho ông Mohamed Bazoum - Tổng thống Niger bị chính quyền quân sự lật đổ ngày 26-7.

“Niger là nạn nhân của một thảm kịch mà những người chịu trách nhiệm bảo vệ nó dàn dựng nên” - tuyên bố nhấn mạnh, đồng thời khẳng định CRR sẽ sử dụng "bất kỳ biện pháp cần thiết” để ngăn quân đội phủ nhận sự lựa chọn của người dân Niger.

Tuyên bố cũng bày tỏ ủng hộ Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và bất kỳ chủ thể quốc tế nào đang tìm cách khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger.

Ông Ag Boula là lãnh đạo phong trào nổi dậy của người Tuaregs - một nhóm dân tộc du mục ở phía bắc Niger - vào những năm 1900 và 2000. Sau đó, ông Ag Boula tham gia phục vụ trong chính quyền của ông Bazoum cũng như người tiền nhiệm Mahamadou Issoufou.

Tuyên bố trên của ông Ag Boula khiến giới lãnh đạo quân sự Niger lo lắng vì tầm ảnh hưởng của cựu thủ lĩnh đối với tộc người Tuaregs - những người nắm quyền hành chính trị và thương mại ở phía bắc rộng lớn của Niger. Sự ủng hộ của người Tuaregs được cho là chìa khóa để chính quyền quân sự mở rộng phạm vi kiểm soát bên ngoài thủ đô Niamey.

Ngoại trưởng Mỹ điện đàm ông Bazoum

Trong một diễn biến liên quan, đài CNN ngày 9-8 dẫn tin nhắn của ông Bazoum gửi một người bạn nói rằng ông "bị cắt đứt mọi liên lạc” kể từ hôm 4-8 và không nhận được thức ăn hay thuốc men.

Ông Bazoum cũng chia sẻ ông sống không có điện trong một tuần qua và phải ăn tạm gạo sống và mì khô.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Tổng thống Niger - ông Mohamed Bazoum tại cuộc gặp vào tháng 3. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Tổng thống Niger - ông Mohamed Bazoum tại cuộc gặp vào tháng 3. Ảnh: AP

Dù vậy, Tổng thống bị lật đổ của Niger vẫn liên lạc với thế giới bên ngoài. Trong thông báo hôm 9-8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken đã điện đàm với ông Bazoum.

“Hai bên thảo luận về chuyến thăm mới đây của Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland và ông Blinken bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với giải pháp khôi phục chế độ dân sự và trật tự hiến pháp ở Niger” - theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong cuộc điện đàm, ông Blinken nhấn mạnh rằng “sự an toàn và an ninh của Tổng thống Bazoum và gia đình ông là điều tối quan trọng".

Hôm 5-8, bà Nuland có chuyến thăm bất ngờ tới Niger và có cuộc trao đổi “thẳng thắn và khó nhằn” với một số quan chức cấp cao của chính quyền quân sự Niger.

Mali và Burkina Faso gửi công hàm lên LHQ phản đối can thiệp quân sự vào Niger

Cũng trong ngày 9-8, Mali và Burkina Faso - hai nước láng giềng của Niger - gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc (LHQ) kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ ngăn bất kỳ hành động quân sự nào chống lại Niger, vì sẽ gây ra những hậu quả khó lường như ECOWAS sẽ tan rã, thảm họa nhân đạo và an ninh tồi tệ hơn.

Hai quốc gia trên cũng cam kết tìm kiếm biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Niger qua ngoại giao và đàm phán.

Trước đó, Mali và Burkina Faso - hai nước thành viên của ECOWAS - lên tiếng phản đối kế hoạch can thiệp quân sự của tổ chức này vào Niger, nhấn mạnh hành động này sẽ được coi là lời tuyên bố chiến tranh vào hai quốc gia này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm