Đảo chính Niger: Chính quyền quân sự từ chối tiếp phái đoàn quốc tế, ECOWAS ưu tiên ngoại giao

(PLO)- Chính quyền quân sự Niger vừa từ chối tiếp một phái đoàn quốc tế trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi ngoại giao là phương pháp tốt nhất để giải quyết tình hình ở Niger.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm 8-8, chính quyền quân sự Niger từ chối đón tiếp phái đoàn ngoại giao quốc tế gồm các đại diện của Liên minh châu Phi, Liên Hợp Quốc và Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), với lý do “không thể đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao trước sự giận dữ của người dân Niger”, theo hãng tin Reuters.

Phái đoàn trên là nỗ lực ngoại giao mới nhất của cộng đồng quốc tế nhằm mục đích có thể đàm phán với các lãnh đạo đảo chính ở Niger để tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia châu Phi này.

Các lãnh đạo của chính quyền quân sự Niger sau cuộc đảo chính hôm 26-7. Ảnh: Balima Boureima/REUTERS

Các lãnh đạo của chính quyền quân sự Niger sau cuộc đảo chính hôm 26-7. Ảnh: Balima Boureima/REUTERS

Phe đảo chính: Không thể đảm bảo an toàn phái đoàn quốc tế

Một phát ngôn viên của Liên minh châu Phi xác nhận hãng Reuters rằng chính quyền quân sự Niger không chấp nhận tiếp phái đoàn quốc tế trên.

ECOWAS cũng xác nhận điều này, song nhấn mạnh tổ chức sẽ "tiếp tục triển khai mọi biện pháp để khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger".

Trong khi đó, chính quyền quân sự của Niger giải thích họ “không thể đảm bảo an toàn cho phái đoàn quốc tế trên trước sự tức giận của người dân”, đồng thời cáo buộc “có thái độ gây hấn đang nhắm vào Niger".

Trước đó, Tướng Abdourahamane Tiani - lãnh đạo chính quyền quân sự Niger sau đảo chính 26-7 - đã từ chối gặp Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland hôm 7-8 và phái đoàn của ECOWAS tuần trước.

Tuy nhiên trong ngày 7-8, Tướng Tiani có tiếp phái đoàn chung của Mali và Burkina Faso (2 nước láng giềng Niger), theo tờ Al Jazeera.

Tại cuộc gặp, đại diện 2 nước bày tỏ ủng hộ chính quyền quân sự Niger. “Chúng tôi không chấp nhận sự can thiệp quân sự vào Niger. Sự tồn vong của chúng tôi phụ thuộc vào điều đó” - ông Abdoulaye Maiga - phát ngôn viên chính phủ Mali - cho hay.

Ngoại giao là cách tốt nhất

Trao đổi tờ Al Jazeera, ông Ajuri Ngelale - người phát ngôn của Tổng thống Nigeria - cho biết Tổng thống Nigeria - ông Bola Tinubu nhấn mạnh rằng ngoại giao là “con đường tốt nhất” để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Niger.

Tổng thống Tinubu hiện là chủ tịch luân phiên của ECOWAS.

“Ông Tinubu và các lãnh đạo Tây Phi ủng hộ một giải pháp đạt được thông qua con đường ngoại giao, biện pháp hòa bình hơn bất kỳ giải pháp nào khác” - ông Ngelale nói.

Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã có chuyến đi tới Niger hôm 7-8. Ảnh: Yiannis Kourtogglou/REUTERS

Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã có chuyến đi tới Niger hôm 7-8. Ảnh: Yiannis Kourtogglou/REUTERS

Theo ông Ngelale đó cũng là quan điểm hiện tại của ECOWAS cho đến khi tổ chức này đưa ra quyết định tại cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 10-8 tới. Tuy nhiên ông Ngelale nhấn mạnh biện pháp can thiệp quân sự sẽ “không bị loại khỏi bàn đàm phán” của ECOWAS.

Dự kiến vào ngày 10-8 tại thủ đô Abuja (Nigeria), lãnh đạo các nước ECOWAS sẽ họp về tình hình ở Niger sau khi thời hạn mà tổ chức này đưa ra để yêu cầu giới lãnh đạo đảo chính Niger phục chức cho Tổng thống Mohamed Bazoum và khôi phục chính quyền dân sự ở Niger đã qua (hôm 6-8).

Theo tờ Al Jazeera, cuộc họp trên có thể sẽ thảo luận về can thiệp quân sự vào Niger, song ECOWAS nhấn mạnh đây là biện pháp cuối cùng.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết ông ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực hòa giải của ECOWAS. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định “ngoại giao cách tốt nhất để giải quyết tình hình ở Niger".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm