Giá USD ở thị trường tự do và giá vàng trong ngày 9-11 biến động dữ dội. Trong ngày, đồng USD bán ra tăng vút lên 21.400 đồng/USD, còn giá vàng thì tăng đụng nóc lên 38,2 triệu đồng/lượng vào buổi sáng và chốt ở mức 37,2 triệu đồng/lượng vào cuối giờ chiều.
Giá vàng, USD tăng đột biến
Diễn biến thị trường ở Hà Nội trong ngày 9-11 khá nóng khi trong ngày nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bạc của tư nhân đóng cửa sớm hoặc treo bảng ngừng giao dịch, giá vàng buổi sáng so với buổi chiều chênh nhau hơn 1 triệu đồng/lượng, USD thì vượt tỉ giá niêm yết khá xa… Ở TP.HCM, lúc 10 giờ sáng, tại quanh các chợ Bến Thành, Tân Định (quận 1), An Đông (quận 5), Thị Nghè (Bình Thạnh)…, giá vàng tăng vọt, có lúc lên 38,6 triệu đồng/lượng. Sau đó, đầu giờ chiều, giá vàng rớt về mức 37,2 triệu đồng/lượng, USD trụ mốc 21.200 đồng/USD. Điều đáng nói là khi vàng biến động mạnh thì giá thu mua vào chênh với giá bán ra khá lớn, có lúc hơn 750.000 đồng/lượng.
Giá vàng ở một tiệm vàng tại TP.HCM trưa 9-11. Ảnh: HTD
Trao đổi với phóng viên cuối giờ chiều qua, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc kinh doanh Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), xác nhận trong ngày 9-11, PNJ đã bán ra 2.500 lượng vàng và mua vào chỉ 500 lượng.
Giải thích việc người dân đổ xô đi mua vàng, ông Trọng cho rằng ngoài nguyên nhân giá vàng thế giới tăng có tác động của tâm lý thị trường. “Người dân nghĩ giá vàng còn tăng lên nữa nên nhiều người đổ xô đi mua dù biết giá vàng bán ra đang ở mức đỉnh” - ông Trọng nói.
Tuy nhiên, đầu giờ chiều, khi NHNN công bố chính thức cho DN nhập vàng thì giá vàng trong nước giảm mạnh về ngưỡng 37,2 triệu đồng/lượng. “Đây là rủi ro cho những ai chạy theo thị trường vì một khi tăng nhanh thì giá vàng cũng sẽ giảm nhanh. Trong ngắn hạn, giá vàng có thể giảm vì hiện đồng USD thế giới đang có chiều hướng tăng dù trước đó bị ảnh hưởng nặng bởi gói cứu trợ nền kinh tế 600 tỉ USD của Mỹ và các quỹ đầu cơ mua gom vàng” - ông Trọng phân tích.
Giải mã để có giải pháp phù hợp
Các chuyên gia thống nhất ở chỗ thị trường vàng, USD hiện bị chi phối bởi yếu tố cung cầu và cả tâm lý.
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Trường Chinh thì cho rằng tình hình vừa qua có nguyên nhân do cầu USD tăng. Theo thông lệ và tập quán kinh doanh, cuối năm là thời điểm DN mua vào USD để thanh toán công nợ và chuẩn bị cho các đơn hàng mới. “Vì thế nhu cầu cần USD là có thực và khá lớn. Đó là một nhu cầu thiết yếu về USD của DN và cần được NHNN giải quyết” - ông Chinh nói.
Mổ xẻ tâm lý gom vàng, USD, TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán tài chính, ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM, lý giải là do người dân ít nhiều đoán ra kịch bản vận hành của thị trường hai tháng cuối năm. Thường cuối năm giá cả hàng hóa tăng dẫn đến chỉ số tiêu dùng tăng, khả năng lạm phát lởn vởn đâu đó nên người dân có xu hướng thủ vàng, gom USD. “Đây là tâm lý thị trường bình thường và chỉ bất thường khi có yếu tố đầu cơ tác động” - ông Thuận phân tích.
Các chuyên gia kinh tế thống nhất rằng giải pháp trước mắt là cần trấn an ngay tâm lý người dân, DN bằng các hành động thật mạnh mẽ thông qua các thông điệp điều hành cụ thể, tránh tình trạng nhiễu thông tin.
Doanh nghiệp nhận được quota nhập vàng Hầu hết những đơn vị được cấp quota đều là ngân hàng, trong đó ACB, Eximbank, Sacombank, Ngân hàng Việt Á. Bên cạnh đó, một số đơn vị kinh doanh vàng cũng được cấp phép. Một đại diện của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết đơn vị này đã nhận được giấy phép nhưng không tiết lộ cụ thể khối lượng được nhập. Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng nằm trong danh sách này. Kể từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ ba NHNN cấp quota cho doanh nghiệp nhập vàng. Lần gần nhất vào ngày 7-10, tổng lượng quota được cấp vào khoảng 3 tấn nhưng thời hạn của giấy phép chỉ vỏn vẹn 3-4 ngày. Lần này NHNN cho phép quota kéo dài 14 ngày để các đơn vị có thể chủ động nhập khẩu khi cần. |
MAI THẢO