Tính đến hết ngày 30-5, đợt dịch thứ tư đã ghi nhận hơn 3.900 ca mắc COVID-19, số ca mắc đợt này đã gần gấp đôi số ca mắc ba đợt dịch trước cộng lại cho thấy tốc độ lây lan của chủng biến thể mới ngày một nguy hiểm.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Tỉ lệ tiêm chủng quá thấp, chỉ mới đạt 1%
Mặc dù Việt Nam được các nước trên thế giới đánh giá cao trong chiến lược phòng chống dịch, tuy nhiên việc đóng cửa, chạy theo khoanh vùng, cách ly chưa phải là giải pháp lâu dài, vaccine mới được xem là biện pháp bền vững, khả quan nhất, thế nhưng đến nay Việt nam mới đạt tỉ lệ tiêm chủng hơn 1% dân số, ở mức khá thấp.
Thời gian qua, Bộ Y tế cùng lãnh đạo Chính phủ, các ban, bộ, ngành đã liên lạc nhiều đơn vị để sớm tiếp cận được nguồn vaccine trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định hiện nay, vaccine phòng COVID-19 được xem là giải pháp hiệu quả, là trọng tâm ưu tiên trong công tác phòng chống dịch. Quan điểm của Việt Nam là làm thế nào để có thể tiếp cận được vaccine phòng COVID-19 nhanh nhất và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng vaccine rộng nhất.
Mục tiêu của Việt Nam là tiếp cận sớm, tăng độ bao phủ vaccine, đạt được miễn dịch cộng đồng phòng chống dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, phát triển kinh tế - xã hội.
Qua nhiều đợt đàm phán, hiện Việt Nam đã có hơn 2,9 triệu liều vaccine của AstraZeneca, tiêm cho lực lượng ưu tiên. Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả nguồn vaccine phòng COVID-19.
Về phía COVAX Facility, tổ chức này hứa hẹn sẽ hỗ trợ 38,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Bộ Y tế cũng đàm phán, ký thỏa thuận với Pfrizer để mua 30 triệu liều vaccine.
Để tạo điều kiện cho việc tiếp cận vaccine dễ dàng hơn, Bộ Y tế cùng các bên đã thảo luận về các cơ chế tiếp cận vaccine phòng COVID-19 như đề nghị các nước gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vaccine; khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu trực tiếp vaccine để tiêm chủng cho người lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; cơ chế chia sẻ chi phí liên quan đến việc tiếp cận vaccine…
Việt Nam đang thương thảo với các đối tác nước ngoài để nhập khẩu và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19. Polyvac cho biết đang làm việc với Nga để chuyển giao công nghệ sản xuất và nhập vaccine Sputnik V thành phẩm về Việt Nam, dự kiến sản xuất được vaccine trong năm nay. |
Vaccine “made in Vietnam” có hiệu quả cao
Song song với việc tích cực tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới, Việt Nam cũng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Hiện có bốn loại vaccine đang trong quá trình nghiên cứu, có tiến độ nhanh nhất đó là vaccine Nanocovax của Nanogen đã sẵn sàng cho giai đoạn 3 vào tuần tới, vaccine Covivac của Ivac chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 2.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Công ty Nanogen cho biết việc tiêm thử nghiệm lâm sàng Nanocovax giai đoạn 3 sẽ được tiến hành vào tuần tới, dự kiến cần 13.000 tình nguyện viên. Nếu thuận lợi, thử nghiệm giai đoạn 3 có thể hoàn tất vào cuối tháng 9. Lúc này, Việt Nam có thể tự sản xuất vaccine COVID-19 đầu tiên.
Qua nghiên cứu, cả ba nhóm liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg đều sinh miễn dịch tương đương, do hiệu quả ngang nhau nên Hội đồng đạo đức chọn liều thấp nhất để sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết qua hai mũi thử nghiệm vaccine Nanocovax sinh miễn dịch ở 100% người tình nguyện, tác dụng với biến thể nCoV nguồn gốc Anh và Nam Phi. Tác dụng với biến thể Ấn Độ sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong giai đoạn 3.
Sau tiêm mũi đầu tiên 35 ngày, lượng kháng thể trên một số tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm tăng lên đến hơn 60 lần, sau ba tháng vẫn còn 34 lần. Đây là con số rất ấn tượng, được các chuyên gia đánh giá rất cao.
Được biết dự án Nanocovax nhận được tài trợ lớn từ một tập đoàn tư nhân trong nước. Khoản tài trợ này nhằm thúc đẩy quá trình thử nghiệm vaccine nội giai đoạn cuối cùng để phê duyệt sử dụng cho toàn dân.
Mục đích lớn của chương trình tài trợ vaccine nội này là hoàn thành chương trình tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 cho người dân Việt Nam ngay trong năm 2021. Điều này góp phần cho Việt Nam mở cửa kinh tế, đời sống người dân bình thường trở lại, Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng về phòng chống dịch COVID-19 trên bản đồ thế giới.
Lập quỹ vaccine phòng COVID-19: Thần tốc vì dân
Có thể nói, chưa khi nào một quỹ lại được thành lập nhanh như vậy. Ngoài tính bức thiết về nhu cầu bảo đảm sức khỏe nhân dân, thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế, sự vững mạnh của quốc gia thì thủ tục thành lập quỹ cũng rất thần tốc. Quá trình thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 ngoài tính thần tốc thì còn đạt được sự đồng thuận rất cao. Ngày 19-5, theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trước đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ thành lập Quỹ Vaccine phòng COVID-19. Ngày 20-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo các cơ quan liên quan tham gia ý kiến. Hai ngày sau, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và sau đó là Bộ Y tế đã lập tức có văn bản phản hồi. Tất cả cơ quan đều đồng thuận và mong muốn phát huy vai trò của mình, đặc biệt là vai trò của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong việc phát động nhân dân ủng hộ quỹ. Ngày 24-5, Bộ Tài chính trình Chính phủ và giải trình các ý kiến của các cơ quan liên quan. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sau đó chủ trì cuộc họp về việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19. Không có các ý kiến phản đối hay khác biệt, Bộ Tài chính đã nhanh chóng tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ về việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ này còn được yêu cầu hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định ngay trong ngày 26-5. Rất nhanh, đúng ngày 26-5, Thủ tướng đã ký ban hành nghị quyết và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký thay Thủ tướng thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19. Ngày 27-5, Ban quản lý quỹ được Bộ Tài chính thành lập. Ngày 28-5, Bộ Tài chính công bố tài khoản để tiếp nhận các khoản đóng góp từ mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19. Đương nhiên, ngay từ đầu năm 2020, Bộ Chính trị, Ban bí thư đã kết luận phải mua vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân, kinh phí phải lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác. Và như Bộ Y tế tính toán, cần phải có 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người. Kinh phí ước khoảng 25.200 tỉ đồng. Tuy vậy, ngân sách trung ương dự kiến chỉ bố trí được 16.000 tỉ đồng, còn lại phải huy động từ ngân sách địa phương và đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp... khoảng 9.200 tỉ đồng nữa để đạt được mục tiêu phòng dịch cho toàn dân. Vì vậy, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn vốn hợp pháp khác mua vaccine phòng COVID-19, thì việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 là cần thiết. Đồng thời, quỹ còn đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vaccineđể triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân. Việc thành lập quỹ như vậy còn nhằm bảo đảm được sự công khai, minh bạch để tạo niềm tin cho nhân dân, cho những người luôn sẵn sàng đóng góp một phần với Đảng, Nhà nước trong công cuộc bảo đảm an toàn cho quốc gia. Và dĩ nhiên, tính thần tốc trong việc thành lập một quỹ nhân văn, vì dân như vậy thể hiện tinh thần “chủ động tiến công” COVID-19 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra. CHÂN LUẬN |