Ngày 6-7, Bộ Tư lệnh TP.HCM cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức hội thảo và khảo sát thực địa khu vực được cho là có thể có mộ tập thể các chiến sĩ hy sinh trong trận đánh vào phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất, Tết Mậu Thân năm 1968.
Thành phần tham gia khảo sát, ngoài các thành viên trong Ban chỉ đạo 1237 TP.HCM (Ban chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ), Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Sư đoàn Không quân 370 còn có KTS Nguyễn Xuân Thắng - người trực tiếp thu thập và giải mật các tài liệu của phía Mỹ; ông Nguyễn Văn Hòa, Phó ban Quản lý sân bay Tân Sơn Nhất (năm 1990-2003); ông Lê Công Hoàng, cựu trung sĩ truyền tin thuộc Sư đoàn 3 Không quân Việt Nam Cộng hòa.
Khoanh vùng vị trí mộ tập thể
Vị trí thực địa nằm cách hàng rào sân bay góc đường Trường Chinh-Cộng Hòa (phường 15, quận Tân Bình) khoảng 80 m. Vị trí này, theo các nhân chứng và tài liệu thu thập, được xác định là lô cốt quân ta đánh chiếm khi tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất nhưng sau đó bị phản công và hy sinh hàng trăm người tại đây. Nơi này diện tích khá rộng và hiện có công trình thi công.
Có mặt tại hiện trường khảo sát, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Tài, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 và các thành viên Ban chỉ đạo 1237 cùng thắp nén hương trước vong linh các liệt sĩ đã nằm xuống tại đây gần 50 năm trước.
Cùng lúc, các chiến sĩ công binh đã được huy động để rà soát và tìm kiếm nơi các anh nằm xuống theo tín hiệu các máy thăm dò từ vị trí và đối chiếu với các nhân chứng cũng như tư liệu liên quan.
Suốt buổi khảo sát, các nhân chứng đã tập trung định vị nơi được cho là có thể có mộ chôn tập thể của các chiến sĩ. Tuy nhiên, do địa hình, địa vật biến đổi khá nhiều so với trước đây nên các nhân chứng chưa thể xác định chính xác.
Trước mắt, thông tin từ các nhân chứng, kết hợp nguồn tư liệu không ảnh từ các cựu binh Mỹ cung cấp, Bộ Tư lệnh đã khoanh vùng vị trí được cho là có thể có mộ tập thể. Cụ thể đó là khu liền kề khu mộ tập thể chôn 182 liệt sĩ đã được Ban chỉ đạo 1237 TP.HCM quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ TP năm 1995.
Ông Lê Công Hoàng - cựu binh truyền tin quân đội Sài Gòn (áo trắng) và ông Nguyễn Văn Hòa (đội mũ bảo hiểm) - nguyên Phó ban Quản lý sân bay Tân Sơn Nhất, hai nhân chứng đang thảo luận việc xác định vị trí mộ tập thể. Ảnh: P.ĐIỀN
Thiếu tướng Trần Hữu Tài, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ trước khi tiến hành khảo sát. Ảnh: P.ĐIỀN
Vẫn còn nhiều hài cốt chưa tìm thấy
Tham gia cùng lực lượng khảo sát, ông Nguyễn Văn Hòa, nguyên Phó ban Quản lý sân bay Tân Sơn Nhất, cho hay năm 1995, ông tham gia quy tập hài cốt mộ tập thể các liệt sĩ ngay cạnh vị trí đang tìm kiếm.
Ông Hòa cho rằng trong sân bay Tân Sơn Nhất hiện vẫn còn nhiều người ngã xuống mà chưa được quy tập hài cốt. Nhưng ông cũng lo lắng, thời gian đã khá lâu, các thi thể chôn lấp sơ sài trong đất sẽ bị tiêu hủy, thất lạc.
Ông Lê Công Hoàng cho hay tối 30-12-1968 ông về nhà đón giao thừa thì xảy ra vụ tấn công vào sân bay, hai ngày sau chiến sự lắng xuống ông mới đánh liều quay lại đơn vị thì bị bắt đi thu gom thi thể bộ đội giải phóng. Ông Hoàng tâm niệm: “Giờ đã gần đất xa trời, giúp được gì thì mình làm hết lòng...” - ông nói.
KTS Nguyễn Xuân Thắng, người đã dày công thu thập nhiều thông tin và giải mật các tài liệu từ phía Mỹ, thông tin: Tại thời điểm đó có bảy đơn vị của ta (Sư đoàn 5, Tiểu đoàn 10 đặc công, Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 6 địa phương, Tiểu đoàn 267, Tiểu đoàn 269 và Tiểu đoàn 16 quân chủ lực...) tham gia tấn công sân bay Tân Sơn Nhất với khoảng 2.400 quân. Ngoài mộ tập thể hơn 100 hài cốt đã được quy tập, vẫn còn 600-700 liệt sĩ đang nằm lại ở hố chôn thứ hai.
Còn ông Vũ Chí Thành, nguyên là Trung đội phó trung đội đại liên, Tiểu đoàn 16 (một trong các đơn vị tham gia tấn công đợt 1 vào sân bay Tân Sơn Nhất), cho biết tiểu đoàn này khi đó có 550 quân tham gia trận đánh vào Tân Sơn Nhất và chỉ có 100 người trở về. Còn hơn 300 đồng đội của ông chưa tìm được hài cốt trong trận đánh này.
Ông Thành thông tin thêm, ngoài Tiểu đoàn 16 còn có hai tiểu đoàn khác là 267, 269 từ Long An cùng các lực lượng khác như biệt động, quân số khoảng gần 2.000 người. Cuộc chiến rất ác liệt, mức hy sinh chẳng thua kém Tiểu đoàn 16.
Khẩn trương lập phương án tìm kiếm Cơn mưa chiều khiến công tác khảo sát thực địa bị gián đoạn. Ban chỉ đạo 1237 TP.HCM, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và các nhân chứng thống nhất tạm ngưng tìm kiếm và thống nhất lập kế hoạch tìm kiếm chi tiết sâu rộng hơn. Thiếu tướng Trần Hữu Tài, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh TP.HCM sau khi khảo sát thực địa xong khẩn trương lập phương án tìm kiếm và đặt ra các tình huống khó khăn để tháo gỡ. Trong đó, lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cùng lực lượng Bộ Tư lệnh TP.HCM sẽ tiến hành cào, bóc tách từng lớp đất mặt đến khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn thì làm chậm lại để phân tích độ mịn, chất đất (vì sự việc đã xảy ra gần 50 năm trong khi việc chôn cất rất đơn giản, sợ không tìm thấy xương cốt). Ông Tài cho rằng khu vực khảo sát rất rộng, địa vật có nhiều thay đổi, vì vậy phải tiến hành thăm dò, khảo sát tiếp theo mới xác định đúng vị trí mộ tập thể như nguồn tư liệu và các nhân chứng cung cấp. Dù thời gian đã khá lâu nhưng với tinh thần khẩn trương, các lực lượng sẽ tiến hành khai quật cơ giới, khi phát hiện đất lạ thì dừng lại để làm cẩn thận hơn. “Tại vị trí này đang có công trình thi công, tuy nhiên với tinh thần mong muốn tìm được các anh, các chú thì dù khó khăn đến đâu cũng có kế hoạch tháo gỡ tới đó” - Thiếu tướng Tài nhấn mạnh. |