Cuối năm 2009, chúng tôi đã phản ánh thực trạng không đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y tại 10 cơ sở chế biến phụ phẩm trâu, bò nằm dọc Bến Ba Đình (phường 8, quận 8, TP.HCM). Sau đó, quận chỉ đạo UBND phường 8 làm việc với 10 cơ sở nói trên, đồng thời tạm ngưng kinh doanh đối với cơ sở không giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường…
Sau hai năm tiếp nhận chỉ đạo của quận, từ 10 cơ sở, nay tăng lên 18 cơ sở và các cơ sở chế biến phụ phẩm trâu, bò này mỗi ngày chế biến gần ba tấn thịt, năm tấn lòng và 0,2 kg xương.
Trong 18 cơ sở, chỉ có hai cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Số còn lại gần như làm chui.
Mới đây, Chi cục Thú y TP.HCM họp với các cơ quan chức năng. Tại cuộc họp này, đại diện Phòng TN&MT quận 8 cho biết hầu hết các cơ sở thải nước bẩn trực tiếp vào môi trường. Đại diện Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49) - Công an TP.HCM cho rằng các ban ngành chưa thực hiện rốt ráo chỉ đạo của quận. Cuộc họp thống nhất đến ngày 30-11-2012, các cơ sở phải hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh và đảm bảo điều kiện môi trường, vệ sinh thú y, VSATTP.
Hiện trường một cơ sở chế biến phụ phẩm trâu, bò ở Bến Ba Đình thuộc phường 8, quận 8, TP.HCM. Ảnh: TN
Thống nhất như thế nhưng trong ngày 30-11, chúng tôi thấy tất cả cơ sở chế biến vẫn hoạt động nhưng chưa được cấp phép. Vẫn còn tình trạng thải nước bẩn trong quá trình chế biến trực tiếp xuống cống, đổ ra kênh; dụng cụ chế biến cáu bẩn; người tham gia chế biến ở trần, ngồi xổm dưới đất pha lóc chân bò.
Tìm hiểu tại một cơ sở chế biến phụ phẩm trâu, bò chui ở đây, chủ cơ sở nói: Đây là nghề truyền thống gia đình, nếu bị dẹp thì làm… chui.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Ngọc Nghĩa, Chủ tịch UBND phường 8 (quận 8), cho biết nếu cơ sở chế biến phụ phẩm trâu, bò không đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y, VSATTP thì quận không thể cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. “Phường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát lại hoạt động của 18 cơ sở. Nếu họ đủ điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y… sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn không thì yêu cầu ngưng hoạt động.
Nhận định việc trên, bà Trương Thị Kim Châu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, nói: Dù là ngành nghề truyền thống cũng phải đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường… Lãnh đạo địa phương cần kiên quyết ngưng hoạt động đối với cơ sở không đảm bảo các điều kiện theo quy định. Vụ việc này đã kéo dài nhiều năm, cần chấm dứt sớm.
Biên Hòa: Thu giữ hàng trăm ký thịt bẩn Rạng sáng 29-11, đoàn liên ngành của TP Biên Hòa đã phối hợp với phường Long Bình thu giữ hàng trăm ký thịt bẩn tại các lò mổ lậu mang đi thiêu hủy. Tại nhà của ông Lê Cường Toàn ở KP 3, phường Long Bình, lực lượng chức năng phát hiện chủ nhà đang sơ chế thịt heo trong môi trường bẩn thỉu. Một cán bộ phường Long Bình cho biết hộ dân này đã nhiều lần bị lập biên bản xử phạt hành chính về hành vi giết mổ không phép nhưng dường như chế tài chưa đủ sức răn đe nên cố tình tái phạm. Trong số phụ phẩm thịt heo này, có cái đang phân hủy làm một dân quân nôn thốc tháo. Ảnh: DĐ Biện hộ với đoàn kiểm tra, chủ nhà cho rằng họ chỉ mổ heo do nhà nuôi. Tuy nhiên, thực tế tại đây lại chỉ có đầu heo, chân heo, nội tạng heo đang bốc mùi, thậm chí có những đầu heo đang trong quá trình phân hủy. Một dân quân đã nôn thốc tháo khi chuyển số thịt trên đi thiêu hủy. Một cán bộ thú y cho biết càng gần đến thời điểm cuối năm thì nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân càng tăng cao. Tuy nhiên, kéo theo đó, các lò giết mổ gia súc, gia cầm không phép cũng lén lút hoạt động khá phức tạp. DĐ |
TRẦN NGỌC