XỬ “KỲ ÁN TRỘM DÊ” Ở BÌNH THUẬN

Nói “bị cáo lười lao động”, KSV bị phản ứng

Ngày 14-1, TAND huyện Bắc Bình (Bình Thuận) tiếp tục phiên tòa lần thứ 14 xử vụ trộm dê chuyển sang phần tranh luận. Bị cáo Trần Thị Kim Nguyệt được đưa ra nằm trước vành móng ngựa như các ngày trước đó. Bác sĩ kết luận sức khỏe của bị cáo Nguyệt đủ điều kiện để tham gia phiên tòa, còn bị cáo thì có những hành vi rất không bình thường, lúc khóc gọi tên con, lúc vừa hát vừa múa và không chịu nhận bà Văn Thị Ỏn (mẹ ruột) là mẹ của mình. Trong khi tuần trước, đầu phiên tòa lần thứ 13, bị cáo Nguyệt không có biểu hiện nào cho thấy bà bất bình thường. Cùng với luật sư, chính bà đã đề nghị HĐXX thay thư ký phiên tòa vì cho rằng người này không khách quan, từng tiếp tay tuồn hồ sơ chứng cứ ra ngoài. Đề nghị này đã được tòa chấp thuận.

Đàn dê của ai vẫn chưa được rõ

Phát biểu bào chữa, luật sư cho rằng mấu chốt của vụ án này là việc xác định ai là người sở hữu đàn dê. Nếu bà Nguyệt là người sở hữu thì đương nhiên việc khởi tố, truy tố bà là sai. Theo lời khai, tài liệu, chứng cứ trong vụ án, đàn dê ban đầu là do bà Nguyệt gầy dựng nên. Sau đó cha dượng bị cáo có hùn 14 con để nuôi chung. Thế nhưng ông này lại bán cả đàn dê 54 con cho người bị hại (bà Y) là đã tự ý bán luôn cả dê của bị cáo.

Bị cáo Nguyệt (ngồi trên giường xếp) trước công đường. Ảnh: HỒNG TÚ

Luật sư nói nếu cho rằng bà Y là người sở hữu đàn dê thì cơ quan tố tụng phải đưa ra được các chứng cứ có giá trị pháp lý để chứng minh. Hiện các văn bản được cho là vật chứng chứng minh quyền sở hữu đàn dê của bà Y đều là các bản giấy phôtô, không có giá trị, các bản chính đều đã bị thất lạc. Việc thư ký tòa đưa hồ sơ cho người bị hại cần làm rõ trách nhiệm.

“Kỳ án này có quá nhiều cái kỳ: Việc giải quyết vụ án rất kỳ lạ, thủ tục tố tụng rất kỳ khôi, cáo trạng kỳ cục, cách buộc tội rất kỳ quặc và nếu HĐXX chấp nhận lời buộc tội của kiểm sát viên (KSV) thì đó là một… “kỳ tích”- một luật sư nhận xét.

Luận tội xúc phạm bị cáo?

Trong phần luận tội, KSV cho rằng: “Vụ án này được đưa ra xét xử kịp thời”, “bị cáo là người trẻ, khỏe nhưng do tham lam và lười lao động nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người khác”, “hành vi của bị cáo gây hoang mang dư luận địa phương”…

Khi tranh luận, luật sư đã yêu cầu KSV phải rút lại những lời xúc phạm bị cáo như trên. “Vụ án nảy sinh từ việc tranh chấp quyền sở hữu đàn dê mà đỉnh điểm của nó là việc bị cáo lùa đàn dê đi nơi khác. Bị cáo là người phụ nữ làm nhiều công việc khác nhau, trong đó có việc chăn nuôi dê, chỉ vì tranh chấp đàn dê mà bị KSV quy buộc là “lười lao động”, “tham lam”. Việc luận tội không đúng thực tế như vậy chẳng những xúc phạm bị cáo mà còn làm xấu đi tình trạng nhân thân của bị cáo” - luật sư nói.

Ngoài ra, luật sư cho rằng phiên tòa trước đây chính KSV xin đọc lại “bản cáo trạng cách đây tám năm” và vụ án xảy ra đã gần 10 năm, trải qua 14 phiên tòa mà giờ lại nói “vụ án được đưa ra xét xử kịp thời” thì thật không thể hiểu nổi. Ngoài ra, cơ quan tố tụng lập hai quyết định vào năm 2013 nhưng ghi lùi lại trước đó nhiều năm để “hợp thức hóa hồ sơ” là điều vi phạm tố tụng, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Đối đáp, KSV cho rằng việc “hợp thức hóa” này là để cho đủ hồ sơ, không làm ảnh hưởng đến nội dung vụ án. Luật sư cho rằng quy định phải làm mà không làm là vi phạm, giờ làm giả bỏ vào hồ sơ lại nói là “hợp thức hóa” thì nghe không chấp nhận được. “KSV nói không ảnh hưởng gì đến vụ án là không đúng. Giả sử năm 2005 có quyết định giải quyết vật chứng thì đàn dê không được tính thêm do dê sinh sản nhưng nếu chỉ có quyết định tạm giao nuôi đàn dê thì đàn dê phải sinh sôi nảy nở chứ” - luật sư nói.

Hôm nay HĐXX sẽ nghị án và tuyên án vào lúc 15 giờ 30.

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới