Hôm qua (13-1), phiên tòa thứ 14 “kỳ án” trộm dê được TAND huyện Bắc Bình (Bình Thuận) tiếp tục đưa ra xét xử. Cả ngày hôm qua, phiên tòa liên tục bị gián đoạn bởi bị cáo Trần Thị Kim Nguyệt ban đầu có dấu hiệu hoảng loạn khi liên tục la khóc, đập đầu vào vành móng ngựa, cắn lưỡi vào buổi sáng và tỏ ra suy kiệt sức khỏe vào buổi chiều.
La khóc và… cắn lưỡi
Trước đó, tại phiên xử ngày 10-1, bị cáo Nguyệt (đang được tại ngoại) đã bị tòa quyết định tạm giam. Sáng 13-1, xe công an đưa bị cáo đến tòa vào lúc 8 giờ 30. Bị cáo không đi được nên được công an cõng vào. Đến phòng xử, bị cáo liên tục la khóc kêu mình bị oan, “đàn dê là của bị cáo”. Trong khi đó, người bị hại Lê Thị Kim Y và người nhà của bị cáo xảy ra cãi vã, làm phòng xử hỗn loạn.
Đến 9 giờ 30 thì phiên tòa bắt đầu. Bị cáo nằm trên giường xếp sau vành móng ngựa liên tục kêu khóc khiến cán bộ bảo vệ tòa án phải khống chế. Phiên tòa nhiều lần gián đoạn để HĐXX nhắc nhở bị cáo bình tĩnh.
Bất ngờ, lúc 9 giờ 45, lực lượng công an canh giữ bị cáo phát hiện bị cáo có biểu hiện cắn lưỡi. Nhiều người phải giữ chặt bị cáo, dùng tay và muỗng chèn vào miệng để ngăn bị cáo cắn lưỡi tự tử.
Bị cáo được bác sĩ kiểm tra sức khỏe. Ảnh: HỒNG TÚ
Năm phút sau, chủ tọa quyết định đưa bị cáo cách ly khỏi phòng xử vì quá mất trật tự. Sau khi tinh thần bị cáo ổn định, HĐXX cho phép khiêng bị cáo vào phòng xử với kết luận của bác sĩ: “Sức khỏe bị cáo ổn định, bị cáo có thể tham gia phiên tòa”.
Tuy nhiên, các luật sư đề nghị HĐXX cần xem xét cẩn trọng, nếu cần thiết thì lập hội đồng chuyên môn để giám định tâm thần và sức khỏe cho bị cáo. Yêu cầu này không được HĐXX chấp nhận. Trong lúc đó, bị cáo tiếp tục la hét, tỏ ra hoảng loạn. HĐXX phải vào thảo luận và quyết định đưa bị cáo về nhà tạm giữ và xử vắng mặt bị cáo. Các luật sư phản ứng vì cho rằng việc làm này không đúng quy định pháp luật, bởi nhiều tình tiết trong vụ án cần được bị cáo trả lời để làm rõ.
Bất động và không trả lời
11 giờ 15, bị cáo được đưa ra xe công an chở về nhà tạm giữ. Phiên tòa vẫn tiếp tục với phần xét hỏi. Tất nhiên, các luật sư bào chữa chỉ xét hỏi đối với người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và nhân chứng.
Phiên tòa buổi chiều bắt đầu lúc 15 giờ. Bị cáo được đưa ra phòng xử và tiếp tục nằm trên giường xếp. Khác với buổi sáng, bị cáo chỉ khóc và kêu tên đứa con trai của mình. Nhận thấy sức khỏe bị cáo không tốt, các luật sư đề nghị HĐXX cho bác sĩ kiểm tra và được chấp nhận. Qua kiểm tra, bác sĩ kết luận sức khỏe của bị cáo không tốt nên đề nghị tạm dừng phiên tòa để chăm sóc bị cáo. 15 giờ 20, phiên tòa tạm dừng để bác sĩ làm việc.
16 giờ 5, phiên tòa tiếp tục, bác sĩ kết luận bị cáo bị hội chứng dạ dày do căng thẳng và do không ăn uống từ sáng giờ. Sau khi sơ cứu, bị cáo có thể tiếp tục tham gia phiên tòa và bị cáo lại được khiêng vào sau đó.
Luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) cho rằng cần làm rõ vấn đề sức khỏe của bị cáo. Nếu bị cáo tham gia phiên tòa được thì buộc bị cáo ngồi dậy trả lời, còn không thì phải cho giám định chứ không nên để bị cáo nằm như vậy, vừa phản cảm, vừa không thể thực hiện việc xét hỏi. Tương tự, luật sư Lê Quang Y (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) nói bác sĩ đã kết luận bị cáo bị căng thẳng và thực sự bị cáo đang bị hội chứng dạ dày, “tình trạng như vậy liệu có cần phải tiếp tục xét xử hay không?”.
Cuối cùng, chủ tọa phiên tòa yêu cầu đỡ bị cáo ngồi lên xe lăn với hai cán bộ công an ngồi đỡ hai bên. Tuy nhiên, sau đó luật sư vẫn không thể thực hiện việc xét hỏi vì bị cáo cứ “án binh bất động”. Chủ tọa tuyên bố chuyển sang phần tranh luận. Đại diện VKS đọc bản luận tội và đề nghị phạt bị cáo 30-36 tháng tù.
Hôm nay phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.
HỒNG TÚ
Gần 10 năm và 14 phiên tòa Theo hồ sơ vụ án, đêm 28-5-2005, bà Nguyệt thuê người đến chuồng dê của bà Y lùa trộm 52 con dê (trị giá gần 120 triệu đồng) lên xe ô tô chở đi. Sau đó, bà Nguyệt bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản. Trong các phiên tòa trước, bà Nguyệt lý giải năm 2004, bà mua miếng đất của bà Lâm (người đứng tên trên giấy đỏ) làm trại nuôi dê rồi gầy dựng được đàn dê trên 50 con. Hai bên chỉ mua bán bằng giấy tay, bà Lâm giao giấy đỏ cho bà Nguyệt giữ, cả hai chưa làm thủ tục sang tên. Năm 2005, bà đưa cha dượng và mẹ về sống chung. Do mâu thuẫn gia đình, cha dượng và mẹ bà làm giấy tay bán cho bà Y đàn dê và mảnh đất nói trên nhưng bà Nguyệt không hề hay biết. Lúc mâu thuẫn gia đình lên cao, bà Nguyệt đã chở đàn dê của mình đi “để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra chứ không hề bắt trộm dê của ai”. Đến nay, sau 14 phiên tòa (mà phiên tòa nào mở ra tòa cũng không xử được, không ra bản án), bà Nguyệt vẫn không thừa nhận hành vi phạm tội. Tạm giam để bảo đảm xét xử Ngày 9-1, tại phiên xử lần thứ 13, do có sự kiện thay đổi thư ký phiên tòa nên HĐXX quyết định hoãn xử và sẽ mở phiên xử lần thứ 14 vào sáng 10-1. Tuy nhiên, sáng 10-1, bị cáo Nguyệt (đang được tại ngoại) không đến tòa. Khi biết bị cáo đang điều trị tại trạm xá, tòa lập tổ công tác đến nơi này để xác minh. Theo người nhà bị cáo, do áp lực từ những ngày trước và đêm qua bị cáo đi tìm thêm nhân chứng đến gần sáng mới về nên bị cáo kiệt sức. Cán bộ y tế trạm xá cho biết bị cáo đến trạm xá trong tình trạng sức khỏe yếu, đường huyết xuống thấp nên trạm xá đã truyền dịch. Buổi chiều, tổ công tác áp giải bị cáo Nguyệt đến tòa bằng xe công an và khiêng bị cáo ra công đường, cho nằm trên giường xếp trước vành móng ngựa. Luật sư và người nhà bị cáo yêu cầu hoãn xử vì sức khỏe bị cáo yếu nhưng tòa không chấp nhận. Do khi xét hỏi, bị cáo không trả lời nên HĐXX yêu cầu cảnh sát hỗ trợ tư pháp cùng nhân viên y tế dìu bị cáo ngồi dậy. Tuy nhiên, bị cáo vẫn không trả lời. Cuối giờ chiều, sau nhiều lần yêu cầu nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe và được báo cáo là “bình thường”, HĐXX quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc xét xử. |