Nội bộ NATO lủng củng chuyện hòa đàm Nga - Ukraine

(PLO)- Các nước NATO không thể thống nhất nên ủng hộ hay ngăn cản khả năng hòa đàm Nga - Ukraine ở thời điểm hiện tại, khiến kết cục xung đột càng trở nên khó đoán định.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Rạn nứt ngày càng rõ trong nội bộ NATO liên quan cách tiếp cận khả năng hòa đàm Nga - Ukraine nhằm chấm dứt xung đột. Trong khi một số nước như Anh không mặn mà với việc Ukraine đối thoại với Nga lúc này, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary tiếp tục thúc giục Moscow và Kiev đàm phán càng sớm càng tốt.

Người muốn hòa đàm, kẻ muốn đánh tiếp

Theo hãng tin Reuters, ngày 24-8, Thủ tướng Anh Boris Johnson - người sẽ phải rời nhiệm sở trong hai tuần nữa - bất ngờ sang Kiev nhân kỷ niệm Quốc khánh Ukraine.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, lãnh đạo Việt Nam ngày 24-8 đã gửi điện mừng Quốc khánh tới các lãnh đạo Ukraine. Năm 2022 cũng là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Johnson đề nghị giới chức Kiev đừng tính tới bất kỳ nỗ lực nào trong thời điểm này nhằm bình thường hóa quan hệ với Moscow, nhất là khi lợi thế chiến trường lúc này đang nghiêng về Ukraine theo ông. “Đây không phải là lúc để lên kế hoạch đàm phán vội vã với một nước không có ý định đối thoại. Bạn không thể đàm phán với một con gấu khi nó đang ăn chân của bạn” - ông Johnson tuyên bố rắn.

Thay vào đó, nhà lãnh đạo Anh cho rằng điều quan trọng lúc này là phương Tây phải duy trì hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine, vì “nếu Moscow chiến thắng thì không có quốc gia nào ngoài Nga ở châu Âu được an toàn”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) gặp một số lãnh đạo châu Âu ở điện Mariinsky thuộc thủ đô Kiev hồi tháng 6. Ảnh: AFP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) gặp một số lãnh đạo châu Âu ở điện Mariinsky thuộc thủ đô Kiev hồi tháng 6. Ảnh: AFP

Phần mình, ông Zelensky cám ơn ủng hộ “không khoan nhượng” của ông Johnson từ ngày đầu xung đột nổ ra. Giới chuyên gia đến nay cũng đồng ý rằng ông Johnson đến lúc này là một trong những lãnh đạo phương Tây ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất.

Trong khi đó, ngày 22-8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định mục tiêu của Ankara trong thời gian tới là vẫn sẽ giữ vai trò trung gian, hỗ trợ tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tiếp tục kêu gọi hai nước cân nhắc giải pháp ngoại giao.

Đầu tháng 8 này, Tổng thống Erdogan gặp Tổng thống Putin ở Sochi (Nga). Đến giữa tháng, Tổng thống Erdogan tiếp tục hội đàm với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres và Tổng thống Zelensky ở TP Lviv (Ukraine). Trong cả hai chuyến thăm Lviv và Sochi, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đề cập với cả hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine về khả năng gặp nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, cả ông Putin và ông Zelensky đều yêu cầu bên còn lại đáp ứng các điều kiện trước khi gặp.

Tháng trước, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và người đồng cấp Hungary Viktor Orban ra thông cáo chung kêu gọi Ukraine - Nga xem xét thỏa thuận ngừng bắn trên nền tảng tốt đẹp là hai bên đã ký kết thành công thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc. Ông Orban cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cùng chung nỗ lực thuyết phục Moscow và Kiev đàm phán, thay vì tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine và quá tập trung vào kết cục của cuộc xung đột, trang tin Ahval cho biết.

Phương Tây sẽ ủng hộ Ukraine thế nào trong thời gian tới?

Việc lủng củng liên quan đến hòa đàm Nga - Ukraine nói trên dẫn tới một câu hỏi: Liệu phương Tây có thể giữ được sự đoàn kết và ủng hộ cho Ukraine trong kịch bản xung đột với Nga tiếp tục kéo dài hay không? Nếu xung đột đi theo kịch bản Nga sáp nhập Donbass như từng sáp nhập Crimea hồi năm 2014, phương Tây có sẵn sàng tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine không? Tờ Financial Times cho rằng việc phương Tây duy trì đoàn kết về dài hạn sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn, không chỉ bởi những vấn đề trong nước mà còn bởi bản chất của cuộc xung đột. Cuộc xung đột Nga - Ukraine càng kéo dài càng gây nhiều tranh cãi giữa các nước phương Tây về một kết cục có thể chấp nhận được. Đây không phải là câu hỏi về việc giành chiến thắng trong cuộc xung đột mà là một kết quả có thể đạt được về mặt quân sự và có thể chấp nhận được về mặt chính trị đối với Ukraine và phương Tây.

Giới chuyên gia phương Tây cho rằng Nga muốn kéo dài cuộc chiến này lâu nhất có thể để chia rẽ nội bộ phương Tây. Cuộc chiến càng kéo dài, thiệt hại kinh tế và chính trị càng lớn và châu Âu càng gặp vấn đề thì Nga càng có khả năng cao đạt được mục tiêu của mình.

Thực tế, Moscow đã bác khả năng thống nhất thỏa thuận hòa bình để chấm dứt chiến tranh. Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Gennady Gatilov cho rằng lúc này sẽ rất khó có cuộc trao đổi trực tiếp nào giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky. Ông cho biết Moscow và Kiev từng gần đạt được một thỏa thuận ngừng bắn trong các vòng đàm phán hồi tháng 4 nhưng rồi phương Tây đã gây sức ép khiến Ukraine rút khỏi các cuộc đàm phán. “Hiện tôi không nhận thấy bất kỳ khả năng nào cho các cuộc tiếp xúc ngoại giao giữa hai nước. Xung đột càng kéo dài, giải pháp ngoại giao càng khó khăn” - ông Gatilov nhận định.•

Một quan chức Nga bổ nhiệm ở Ukraine bị ám sát

Hãng tin Reuters ngày 25-8 cho hay lãnh đạo thị trấn Mykhailivka thuộc tỉnh Zaporizhia ở miền Nam Ukraine Ivan Sushko đã thiệt mạng trong một vụ gài bom xe mới đây. Ông là một quan chức được các lực lượng Nga bổ nhiệm sau khi chiếm được khu vực này.

Cái chết của ông Sushko là vụ tấn công mới nhất nhắm vào các quan chức do Nga bổ nhiệm tại các khu vực lực lượng Nga kiểm soát tại Ukraine. Tại tỉnh Kherson lân cận, phó lãnh đạo thị trấn Novaya Kakhovka bị bắn chết tại nhà riêng hôm 6-8.

Giữa tháng 6, lãnh đạo cơ quan quản lý trại giam tỉnh Kherson Yevgeny Sobolev bị thương khi một quả bom tự chế phát nổ gần xe của ông. Một quan chức khác của chính quyền tỉnh Kherson do Nga bổ nhiệm là ông Dmitry Savluchenko cũng thiệt mạng trong vụ gài bom xe.

Tại một số khu vực ở miền Nam Ukraine, nơi Nga kiểm soát gần như hoàn toàn, các chính quyền do Moscow bổ nhiệm đang thúc đẩy nỗ lực tiến hành trưng cầu dân ý để sáp nhập lãnh thổ vào Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm