Cuối năm 2014, TAND huyện Hàm Tân (Bình Thuận) đã xử vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ do bị cáo Nguyễn Thanh Sơn thực hiện. Trực tiếp xét xử vụ án, Thẩm phán Lê Văn Xô (Phó Chánh án TAND huyện Hàm Tân) cứ mãi đắn đo, cân nhắc. Xử nặng cho bị cáo thì lương tâm người thẩm phán ray rứt, thương cho hoàn cảnh của bị cáo. Bởi phía sau bị cáo còn có người vợ đang bị thương tật vì tai nạn giao thông, đứa con hơn hai tuổi của bị cáo sẽ ra sao khi không có cha bên cạnh. Nhưng nếu xử nhẹ cho bị cáo thì lại không đúng pháp luật, rất dễ bị kháng nghị.
Con chết, cha đi tù
Theo hồ sơ, Sơn và chị NTTT là vợ chồng nhưng do mâu thuẫn nên chị T. bỏ về nhà mẹ ruột ở. Để vợ về đoàn tụ gia đình, ngày 30-4-2014, Sơn rủ chị T. đi chơi lễ, luôn tiện đi thăm người thân. Được vợ đồng ý, Sơn lái xe chạy từ Đồng Nai ra Bình Thuận chở vợ con đi chơi. Ngày 3-5-2014, Sơn điều khiển xe chở vợ và hai con về nhà. Khi đến đoạn đường đang thi công ở thị trấn Tân Minh (Hàm Tân), Sơn bị lạng tay lái khiến xe ngã xuống đường. Vụ tai nạn khiến đứa con nhỏ của bị cáo (sinh năm 2013) rơi xuống đường tử vong, Sơn và vợ bị thương nặng phải đi cấp cứu.
Đau thương tràn ngập lên gia đình bị cáo trước thảm cảnh tai nạn giao thông khiến con chết, cha bị bắt tạm giam.
“Tiếp nhận hồ sơ vụ án, tôi thấy thật đau lòng. Lúc đó, hễ cầm bộ hồ sơ ghi rõ những vết thương của nạn nhân rồi tội danh của bị cáo là tôi không đọc nổi nữa. Cứ lấy ra rồi mang cất. Và cái câu hỏi phải xử như thế nào cứ bủa vây lấy tôi” - Thẩm phán Lê Văn Xô chia sẻ.
Sơn được chị vợ viết đơn bãi nại, không yêu cầu bồi thường và tha thiết xin tòa giảm án cho bị cáo. “Từ lúc còn nằm trong bệnh viện, biết tin chồng sẽ bị bắt, chị T. cứ khóc nức nở. Chị ấy còn xin cho mình được chịu tội thay chồng. Đến tòa, chị ấy bần thần, nói những câu làm tôi xót xa lắm” - ông Xô kể.
Tại tòa, vợ bị cáo khóc mà rằng: “Cả nhà tôi cùng đi trên một cái xe lưu thông trên đường và bị tai nạn. Anh ấy là người chở, tôi và hai đứa con ngồi phía sau. Khi xảy ra tai nạn, thằng bé bị rơi xuống đường chứ anh ấy đâu có giết con… Mất con, giờ anh ấy tù tội sao tôi có thể sống nổi đây?”.
Mong cấp phúc thẩm giảm án cho bị cáo
Ông Xô nói hành vi của Sơn chỉ là ngoài ý muốn. Bị cáo ăn năn, hối cải, thành khẩn khai báo. Đó là những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. “Nhưng tôi tiếc quá, cứ nhắc đi nhắc lại hai từ “giá như”. Giá như Sơn có bằng lái khi tham gia giao thông, giá như trước đây Sơn không từng có một tiền án thì đâu đến nỗi phải chịu án tù giam. Phải tuyên Sơn ba năm tù mà tôi buồn lắm” - ông Xô áy náy.
Xử xong vụ án, ông Xô cứ mong bị cáo và gia đình sẽ kháng cáo, VKS sẽ kháng nghị xin giảm nhẹ hình phạt cho Sơn. Khi biết tin TAND tỉnh Bình Thuận đã thụ lý đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Sơn và gia đình, ông mừng lắm. Từ đó ông chỉ mong ở phiên tòa phúc thẩm sẽ xuất hiện thêm tình tiết mới có lợi cho bị cáo. “Thẩm phán là người cầm cân nảy mực khi xử vụ án và quyết định mức hình phạt cho bị cáo. Nhưng tôi không thể làm gì khi mà pháp luật thì cứng nhắc mà tình cảm, lương tâm của mình có lúc phải mềm yếu. Suốt thời gian chờ tòa phúc thẩm xử Sơn, tôi chỉ biết cầu mong hội đồng xử án sẽ nương tay. Nhưng tiếc cho Sơn quá. Giá như…” - giọng ông Xô buồn bã khi cho biết Sơn vẫn phải chịu mức án ba năm tù giam.
Chở người yêu, bà nội đi chơi cũng phải tù
Ông Xô kể trước đây ông cũng từng xử nhiều vụ án khác liên quan đến tai nạn giao thông. Điển hình như vụ xảy ra vào năm 2010. Sau một thời gian giận nhau, hẹn được người yêu đi chơi cùng, N. mừng khôn xiết. 7 giờ tối, N. ăn mặc chỉnh tề đến chở bạn gái đi chơi. Vừa đi xe cả hai vừa vui vẻ đùa nghịch. Rồi trong lúc cười nói với người yêu, gặp chướng ngại vật, N. không làm chủ tay lái nên xe bị té. Cô người yêu thì bị thương tật 40%, còn N. thì phải lãnh án tù. Tuy nhiên, N. là bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, gia đình bị hại viết đơn bãi nại và N. mới phạm tội lần đầu nên được tuyên tù treo.
Ở một vụ án khác, H. chở bà nội đã 80 tuổi đến nhà bà con chơi. Lúc xe H. đang lưu thông trên đường thì có một đàn bò đi qua chắn hết lối đi. Tình huống đột ngột khiến H. quýnh quáng, không làm chủ được tay lái. H. tông vào một con bò làm xe bị té. Bà nội của H. ngồi sau qua đời trên đường đi cấp cứu. Vậy là cuối cùng tòa xử H. 12 tháng tù treo.
“Mỗi lần nhận những vụ án như thế này, nhìn cả bị cáo và bị hại đều đau khổ tột cùng, tôi thấy mình thật nhẫn tâm. Nếu bị cáo xuống tay hại người thân thì mình phải xử nghiêm là đúng. Đằng này người thân của các bị cáo chết chính bị cáo cũng đâu có muốn. Thế mà họ vừa phải bị tù tội, vừa đối diện với nỗi đau mất người thân với biết bao đau khổ, ray rứt” - ông Xô trải lòng.
“Thông qua báo chí, tôi chỉ mong người tham gia giao thông hãy biết làm chủ tay lái của mình, đừng để xảy ra tai nạn giao thông gây mất mát, đau thương cho chính bản thân và gia đình mình” - Thẩm phán Xô nói.