Tối 23-3, người hâm mộ chứng kiến một pha bóng hãi hùng từ cú vào bóng trực diện của Ngô Hoàng Thịnh (CLB TP.HCM) làm gãy chân tuyển thủ quốc gia Đỗ Hùng Dũng (CLB Hà Nội) trên sân Thống Nhất. Nhìn Hùng Dũng ôm mặt đau đớn và nét hãi hùng của các cầu thủ khi nhìn vào cái chân gãy của đồng nghiệp, có thể hiểu được họ sợ hãi như thế nào.
Đấy không phải là ca hiếm của bóng đá Việt Nam nhưng có những nỗi đau còn lớn hơn cả nỗi đau của Hùng Dũng trên sân cỏ. Vẻ mặt hãi hùng và lo lắng của ông thầy Park Hang-seo khi chạy từ khán đài xuống và đón học trò ngay tại cửa xe cấp cứu đã nói lên rất nhiều. Không hẳn ông lo cho đội tuyển Việt Nam sắp tới không có cầu thủ mà ông rất cần, nhưng ông lo cho những sang chấn của bóng đá Việt Nam mà ông còn đặt vào đấy nhiều mục tiêu.
Năm 2012, trước ngày báo Pháp Luật TP.HCMvà ban tổ chức giải Fair Play trao danh hiệu Vinh danh Fair Play cho danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, tôi hỏi ông: “Cuộc đời khi là cầu thủ ngang dọc khắp đất nước và cả những giải châu Á, điều gì khiến ông hối tiếc nhất?”. Trầm ngâm thật lâu, ông Tam Lang nhỏ nhẹ: “Tôi vào bóng lỡ đà làm hư gối Trần Tiết Anh…”.
Sau này, cứ mỗi năm, vào ngày giỗ ông Tam Lang, có dịp gặp các học trò của ông nay đã thành danh trên mọi miền đất nước lại nghe họ kể về người thầy đáng kính của mình rất nghiêm khắc với các cầu thủ. Họ nói ông luôn dạy dỗ các thế hệ cầu thủ phải biết quý và giữ gìn đôi chân của nhau.
Cũng trong dịp giải Fair Play, năm 2017, báo Pháp Luật TP.HCM mời cho bằng được cựu cầu thủ Trần Anh Khoa đến tham dự để chia sẻ với mọi người về cuộc sống sau bóng đá của một cầu thủ miễn cưỡng phải giải nghệ vì tác hại của một cú vào bóng kinh hoàng. Anh Khoa đã khóc ngay khi chia sẻ. Dưới hội trường, nhiều người cũng không cầm được nước mắt khi nghe một cầu thủ mới 24 tuổi đã phải rời xa sân cỏ và bỏ dở những giấc mơ của một cầu thủ.
Tiễn Anh Khoa ra sân bay về lại Đà Nẵng, tôi hỏi thẳng cầu thủ này: “Tha thứ cho một cầu thủ làm mình giã từ nghiệp bóng đá có dễ không?”. Khoa tâm sự rất thật: “Những tháng ngày phẫu thuật, chờ hồi phục rồi tập luyện mà chân bước không vững được rồi quyết định giã từ sân cỏ thì hận lắm. Cũng hay là sau này thì tụi em là bạn. Em ra Hà Nội vẫn cà phê với bạn ấy và ngược lại bạn ấy vào Đà Nẵng thì có em. Mừng vì sau này bạn ấy thay đổi hẳn. Một tuyển thủ lại là đội trưởng mà có những chuyển biến tích cực như thế thì ảnh hưởng tốt đến nhiều thế hệ lắm…”.
Trước khi chia tay, Anh Khoa còn gửi đến tôi lời nhắn nhủ: “Em không dám xem lại pha vào bóng đấy và cũng không muốn mọi người xem. Em đang dạy, đang làm bóng đá trẻ nên hiểu được cảm giác của các phụ huynh cho con em mình theo nghiệp bóng đá mà cứ sợ cháu nó bị tàn phế hay chấn thương như thầy nó. Khổ lắm!”.
Bóng đá là môn đối kháng cao nên khó có thể tránh được những chấn thương. Tuy nhiên, ý thức được điều đấy mà giáo dục cầu thủ biết quý và biết giữ gìn đôi chân nhau lại là cả một vấn đề lớn.
Ở Việt Nam mà cụ thể là tại V-League, nhiều HLV hay lãnh đạo đội bóng vẫn trộn vào đầu cầu thủ mình thứ bóng đá quyết liệt, máu lửa pha lẫn triệt hạ. Vẫn có những ông thầy đặt cầu thủ mình vào thế phải đá dằn mặt để đối thủ không cầm bóng, không có đất diễn. Và tất nhiên có những cầu thủ ra sân phải chịu áp lực không phá được lối chơi của đối thủ thì phải làm cho đối thủ đau hay sợ mỗi khi có bóng.
Khoan hãy trách những bản án kỷ luật có đủ mức răn đe không mà hãy tự hỏi: “Có phải lâu nay ở nhiều đội bóng công tác giáo dục cầu thủ theo đúng chất chuyên nghiệp vẫn bị bỏ ngỏ?”.