Sau khi báo Pháp Luật TP.HCMđăng bài “Giá xăng còn rẻ nên phải tăng thuế lên 8.000 đồng/lít?” vào ngày 11-4, nêu quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng giá xăng Việt Nam thấp so với các nước. Và đây là một trong lý do chính để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu lên mức tối đa 8.000 đồng/lít.
Nhiều bạn đọc cho rằng lập luận của Bộ Tài chính là thiếu thuyết phục. Chúng tôi xin trích đăng lý kiến của một số bạn đọc.
Xin hãy nghĩ đến dân
Bạn đọc Trần Văn Chiến nói: “Bộ Tài chính nói xăng còn rẻ nhưng người dân thu nhập còn “rẻ" hơn. Xăng tăng mọi mặt hàng thực phẩm, dịch vụ đều tăng. Như vậy với thu nhập người dân có đủ đảm bảo sinh hoạt hằng ngày không. Xin hãy nghĩ về người dân... !”.
Tương tự, bạn đọc Phạm Thị Hương đặt vấn đề: “Đúng rồi ạ, giá xăng rẻ nhưng thu nhập của người dân cũng rất rẻ. Hơn nữa đi so sanh với các nước khác có thấy khập khiễng không khi GDP của mình có bằng họ? Tỉ giá tiền của mình với nước họ không? Sao phát biểu mà không suy nghĩ tới người dân”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Thế Quân cho rằng đừng so sánh kiểu khập khiễng như vậy khi mà chưa đưa ra những chỉ số về mức sống, thu nhập/đầu người và các chính sách an sinh xã hội khác nữa.
Bạn Thoai Ha phân tích: Xăng tăng giá thì mọi mặt hàng, giá cả đều tăng theo. Xăng VN rẻ hơn là hợp lý chứ vì nước ta có khai thác dầu thô và sản xuất xăng dầu thành phẩm mà chứ mấy nước bộ kể ở trên đâu có mỏ dầu khí nào như VN để phát triển mà nhập khẩu hoàn toàn.
Còn nhớ năm ngoái có bài báo viết báo cáo là lọc dầu Dung Quất thua lỗ nhưng ngay trong cuộc họp đại diện của Ngân hàng Thế giới tại VN đã chỉ ra những cái không thể lỗ của khu lọc dầu này... Thế mới thấy...
VN là nước xuất khẩu dầu thô. Trong khi giá xăng chính là dầu và chi phí chế biến, kinh doanh. Như vậy, giá xăng Việt Nam sẽ được trừ đi dầu thô và phải rẻ hơn nước không xuất khẩu dầu.
Bộ Tài chính nói xăng còn rẻ nhưng người dân thu nhập còn “rẻ" hơn.
Đừng tạo thêm gánh nặng cho dân
Bạn Võ Long mong ước lương người lao động tăng lên để được so sánh với các nước trong khu vực thì hay quá. “Tối ngày cứ lấy giá xăng trong nước mà đem so sánh với giá xăng các nước trong khu vực” - bạn Long bức xúc.
Còn theo bạn Minh Bạch, ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, việc bảo đảm cho phát triển toàn diện của đất nước đều phụ thuộc rất lớn đến nguồn ngân khố quốc gia. Nguồn này chỉ có được trên cơ sở thu thuế, thông qua các hoạt động quản lý và điều hành hoạt động của xã hội.
Ở các nước phát triển, do có nền kinh tế phát triển ở mức độ cao, nên đời sống xã hội cũng phát triển ở mức cao, các tác động tiêu cực đến đời sống xã hội phần lớn đều được giải quyết tốt. Các hoạt động, các cơ chế chính sách đều mang tính ổn định cao và lâu dài.
Kết quả này một phần thể hiện tính hiệu quả tốt của chính phủ trong công tác quản lý và điều hành đất nước (là ưu điểm của chính phủ). Nhưng tại sao ở Việt Nam, việc giá xăng thấp hơn các nước thì lại không được coi là ưu điểm cần phát huy, mà lại coi đây là cơ hội để tăng thuế để cho giá thành “Bằng anh, bằng em”, trong khi nguồn lực người dân ngày càng yếu đi.
Từ phân tích bên, bạn Minh Bạch nêu nguyện vọng: “Rất mong các nhà quản lý vĩ mô cẩn trọng xem xét, đừng vì khó khăn trước mắt mà để lại gánh nặng cho xã hội, cho người dân gánh chịu”.
Trong khi đó bạn Phạm Nho đặt câu hỏi thẳng: Mấy ông đâu có biết người dân sống cơ cực như thế nào? Họ rất mừng khi nghe tin giá xăng dầu xuống vì đời sống của họ lệ thuộc vào kinh tế hằng ngày có khi phải "tay làm, hàm nhai". Thời kinh tế thị trường đâu phải dễ kiếm sống, lao động 12 giờ được bao nhiêu tiền, sinh hoạt cho gia đình nào đủ thứ phải chi trả "cung thì ít, cầu thì nhiều".
“Tiền lương hà, thôi đừng có suy nghĩ đến, không đủ đâu, miễn sao đừng có "bần cùng, sinh đạo tặc" là tốt rồi! Dân còn khó khăn nhiều chỉ trông cậy vào chính sách, chế độ và các quy định Nhà nước mà thực hiện lo cho dân được có cơm ăn, áo mặc, giảm nghèo thật bền vững là đất nước ta dần dần phồn vinh. Chứ đừng, các ngồi đó mà cứ suy nghĩ ra cách để “móc túi” của dân qua nhiều hình thức?” - bạn Phạm Nho nói.
Tại sao ở Việt Nam, việc giá xăng thấp hơn các nước thì lại không được coi là ưu điểm cần phát huy, mà lại coi đây là cơ hội để tăng thuế để cho giá thành “bằng anh, bằng em”?
Có bao giờ được hưởng đâu Cho rằng thuế môi trường được dùng để bảo vệ môi trường, một bạn đọc đề nghị thuế này không nên để tăng thu cho ngân sách, để chi vào mục đích khác. “Cho dù giá xăng dầu thế giới giảm sâu, từ lúc hơn 100 USD/ thùng xuống còn khoảng 40 USD/thùng nhưng người dân Việt có khi nào được hưởng lợi đâu. Chẳng lẽ người dân Việt có cái “số nghèo” nên chẳng bao giờ khá nổi vì những việc như thế này? Giá dầu giảm thì tăng thuế để tận thu, quản lý nhà nước là như vậy sao? Chỉ số CPI tăng thấp là cơ hội tăng giá điện, xăng dầu. Ôi, độc quyền. |