Nỗi lo rắn cắn

Ngày 3-9, ông Trần Tấn Lợi (ở tổ 8, khu vực 3, P.An Khánh) bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào chân. Dù được người dân sơ cứu, đưa đi cấp cứu nhưng ông Út vẫn sốt cao, chân tê cứng và không đi lại được. Gần đó, bà Đỗ Thị Trâm nói rắn độc còn chui vào mùng cắn đứa cháu là sinh viên đang ngủ.

Gia đình đập chết con rắn, đem xác nó đến bệnh viện và được bác sĩ xác định đó là rắn tre, cho thuốc giải độc, cứu sống cháu bà.Ông Phan Văn Út - cán bộ về hưu, có nhà nằm cách phòng thí nghiệm của khoa dược trường này khoảng 400m - nói trong tháng qua ông đã đập chết ba con rắn lục đuôi đỏ bò vào nhà ông.

Người hàng xóm của ông cũng đập chết hai con rắn có thân dài 0,8m, đầu to như ngón chân cái và đuôi có màu đỏ. Người dân nói nơi rắn ở nhiều nhất là các khu đất trống cỏ cây um tùm thuộc dự án “treo” rộng trên 10ha của Trường ĐH Y dược và các dự án “treo” ở khu vực lân cận khác.

Đến đêm, rắn bò vào nhà cắn người và chó nuôi. Theo bà Lê Ngọc Thanh (ở khu vực 3), bà đã đập chết hàng chục con rắn lục đuôi đỏ.Dù nhiều người dân bức xúc cho rằng hàng trăm con rắn độc đã bò ra từ phòng thí nghiệm khoa dược của Trường ĐH Y dược nhưng trường đã bác bỏ tin này.

Ông Phan Văn Kim, bảo vệ phòng thí nghiệm khoa dược, đưa chúng tôi đến từng bộ phận của phòng và khẳng định không có con rắn nào trong phòng. Nhóm sinh viên năm cuối khoa dược đang thực hành tại phòng thí nghiệm cũng cho biết năm năm học tại trường chưa lần nào làm thí nghiệm trên rắn.

Ông Lê Hồng Phước, phó phòng quản trị thiết bị Trường ĐH Y dược Cần Thơ, nói: “Nhà trường chỉ mua cóc, chuột, thỏ làm thí nghiệm, chưa bao giờ làm thí nghiệm trên loài rắn”.

Theo ông Lê Hoàng Vũ - phó chủ tịch UBND P.An Khánh, phường đang đề nghị các chủ đầu tư có dự án “treo” chưa thực hiện phải  phát quang làm sạch các khu đất trống để trừ diệt rắn. Trước mắt, trạm y tế phường sẽ thông tin tuyên truyền cách phòng trừ sơ cứu khi bị rắn độc cắn.

Theo QUANG VINH (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm