Nối metro 1 và 2 bằng đường hầm ở trung tâm TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa có văn bản gửi Sở GTVT TP.HCM sớm nghiên cứu và ban hành quy chuẩn kỹ thuật dùng chung, làm cơ sở triển khai việc tích hợp và kết nối giữa các tuyến đường sắt đô thị trong tương lai.

Trong đó, để kết nối metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), MAUR kiến nghị làm công trình đi ngầm dưới lòng đất với chiều dài 1,2 km.

Công trình ngầm 1,2 km để kết nối

Dựa trên kiến nghị của MAUR, Sở GTVT TP.HCM cũng vừa báo cáo UBND TP về đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình kết nối đồng bộ tuyến metro số 1 và metro số 2.

“Sở GTVT TP đã tiếp nhận hồ sơ từ MAUR và nghiên cứu để hoàn thiện lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định” - ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, nêu trong báo cáo gửi UBND TP.

Theo Sở GTVT, qua xem xét hồ sơ tiếp nhận, sở đánh giá dự án xây dựng kết nối đồng bộ tuyến metro số 1 và metro số 2 tại khu vực nhà ga Bến Thành là dự án có quy mô đầu tư lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, còn nhiều vấn đề cần thiết phải được nghiên cứu làm rõ.

Dự án cũng chưa có đơn vị tư vấn thực hiện công tác nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư để đảm bảo chất lượng hồ sơ theo quy định.

TP.HCM đang tính tới việc kết nối metro số 1 và metro số 2 bằng
công trình ngầm. Ảnh: ĐÀO TRANG

Nói thêm về dự án trên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Sở GTVT cho biết hiện sở chỉ mới báo cáo về việc đề xuất chủ trương dự án. Còn việc khi nào triển khai, nguồn vốn ra sao, phải cân đối kỹ càng và tùy tình hình thực tế (nhất là trong khi TP.HCM dồn lực chống dịch bệnh COVID-19) như hiện nay.

Theo Sở GTVT TP.HCM, tuyến metro số 1 có điểm cuối là ga ngầm Bến Thành (khu vực chợ Bến Thành), còn tuyến metro số 2 có ga đến ở Công viên Tao Đàn (quận 1) nên cần kết nối để tăng tính đồng bộ giữa hai ga này. Đoạn kết nối giữa hai ga này khoảng 1,2 km và sẽ đi ngầm.

Trình đề xuất chủ trương đầu tư quý II-2022

Sở GTVT TP cho biết theo báo cáo của MAUR, hiện nay căn cứ pháp lý dự án metro số 2 thì dự án này đã được phê duyệt điều chỉnh. Phía Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang trong giai đoạn thực hiện hoàn tất các báo cáo, đánh giá kết thúc khoản vay đã ký và tiến hành thủ tục xúc tiến khoản vay mới cho dự án (với tổng giá trị khoảng 1 tỉ USD).

ADB tiếp tục quan tâm và đề nghị cung cấp thông tin, kế hoạch thực hiện dự án kết nối đồng bộ metro số 1 và metro số 2 tại khu vực nhà ga Bến Thành. Điều này cho thấy việc đảm bảo mục tiêu kết nối đồng bộ khi tuyến metro số 2 đưa vào vận hành khai thác là rất cấp bách. Trong khi đó, tuyến metro số 2 dự kiến sẽ khởi công vào năm 2023 và hoàn thành năm 2026.

Với tính chất quan trọng, cấp thiết của việc kết nối đồng bộ giữa metro số 1 với metro số 2 và để phát huy hiệu quả đầu tư, Sở GTVT kiến nghị UBND TP chấp thuận hai nội dung.

Thứ nhất, Sở GTVT kiến nghị TP chỉ đạo Sở KH&ĐT TP tham mưu, giao nhiệm vụ cho Sở GTVT thực hiện lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng kết nối đồng bộ metro số 1 và metro số 2 tại khu vực nhà ga Bến Thành. Sau đó trình cấp có thẩm quyền thẩm định hồ sơ, đề xuất chủ trương đầu tư dự án trong quý II-2022.

Thứ hai, Sở GTVT kiến nghị UBND TP giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND TP bố trí kinh phí chuẩn bị đầu tư (khoảng 900 triệu đồng) cho Sở GTVT TP trong quý III-2021 để tổ chức thực hiện công tác lập hồ sơ, đề xuất chủ trương đầu tư dự án.

Theo MAUR, hiện các dự án metro ở TP.HCM có tính chất kỹ thuật phức tạp và đang được tài trợ từ các quốc gia có công nghệ khác nhau (Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha…) nên khó đảm bảo việc kết nối giữa các tuyến để phát huy hiệu quả của hệ thống.

Theo đó, MAUR cũng đã kiến nghị Bộ GTVT về việc sớm nghiên cứu và ban hành quy chuẩn kỹ thuật dùng chung, làm cơ sở triển khai việc tích hợp và kết nối giữa các tuyến đường sắt đô thị.

 

Không dùng chung cơ sở với đường sắt quốc gia

UBND TP.HCM cho biết các cơ sở công nghiệp đường sắt quốc gia hiện có ở TP.HCM gồm Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn, Xí nghiệp toa xe Sài Gòn. Các xí nghiệp này tiếp giáp và nối với ga Sài Gòn, đang phục vụ cho nhu cầu của đường sắt quốc gia.

Giữa metro và đường sắt quốc gia có sự khác biệt nhất định về yêu cầu vận hành, khai thác (ví dụ, metro có tần suất chuyến cao hay thời gian giãn cách ngắn); kỹ thuật, công nghệ (metro sử dụng loại động cơ điện, hệ thống thông tin tín hiệu tiên tiến…).

Vì vậy, việc metro sử dụng chung các cơ sở công nghiệp đường sắt quốc gia hiện có là chưa phù hợp. Ngoài ra, dự án metro số 1 còn bao gồm việc cung cấp các đoàn tàu và đầu tư depot với nhà xưởng (workshop) và các trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra, bảo dưỡng cho tuyến đường sắt đô thị.

Do vậy, metro của TP không xét đến khả năng dùng chung với các cơ sở công nghiệp đường sắt quốc gia hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm