Nới quyền mua nhà của người nước ngoài: Cẩn trọng!

Tại phiên thảo luận tổ về Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (KDBĐS) sửa đổi vào sáng 27-5, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỏ ra lo ngại trước dự kiến mở rộng điều kiện để người nước ngoài được mua, bán nhà tại Việt Nam. Các ĐB còn đề nghị cần có thêm nhiều chế định, chế tài để làm lành mạnh hóa thị trường BĐS.

Lo ngại xáo trộn thị trường

Cả hai dự luật trên đều “mở rộng cửa” cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở và được KDBĐS tại Việt Nam. ĐB Võ Thị Dung cho rằng với điều kiện chỉ cần được nhập cảnh là được sở hữu nhà ở như nội dung nêu trong dự Luật Nhà ở sửa đổi là “quá đơn giản”. “Trong khi pháp luật về nhập cảnh của chúng ta đang rất thông thoáng thì người nước ngoài rất dễ dàng nhập cảnh vào Việt Nam. Có nên lấy đó làm điều kiện để người nước ngoài được sở hữu nhà ở? Tôi đề nghị xem lại quy định này” - bà Dung nhấn mạnh.

Tuy ủng hộ về mặt nguyên tắc mở rộng cho người nước ngoài được mua bán nhà tại Việt Nam để thu hút đầu tư, tạo thị trường kinh doanh bình đẳng nhưng ĐB Đỗ Văn Đương cũng lưu ý: “Nếu chúng ta “mở cửa” thế này thì Trung Quốc (TQ) có thể ồ ạt đưa con cháu sang Việt Nam. Phải có cách nào đó hạn chế được tình trạng này, nhất là trong tình hình mới phải đặt nặng việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.

ĐB Võ Thị Dung: “Người nước ngoài chỉ cần được nhập cảnh là được mua nhà tại Việt Nam là quá thoáng!”. Ảnh: T.HẰNG

ĐB Nguyễn Văn Hưng lên tiếng: “Cho người nước ngoài mua mà không có điều kiện hạn chế sẽ dễ dẫn đến lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, nhất là những khu vực nhạy cảm như các vùng giáp biên giới. Vì vậy cần quy định chặt chẽ hơn việc người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua bán nhà tại Việt Nam”.

ĐB Trần Du Lịch đề nghị vấn đề người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài được KDBĐS đến mức nào cần phải thảo luận nhiều hơn. Phải đặt ra mọi điều kiện để thấy được như vậy đã công bằng chưa, phù hợp WTO chưa.

“Trứng vàng không vô ngân sách”

Bàn về dự luật KDBĐS, ĐB Đương cho rằng cần ghi rõ trong luật này những chế định về KDBĐS. “Thời gian qua có rất nhiều chủ đầu tư lấy tiền của khách hàng rồi mà năm, sáu năm trôi qua người dân vẫn dài cổ trông đợi. Cái gọi là dự án vẫn là bãi đất hoang, không thấy nhà đâu. Có nơi xây nhà xong rồi không có đường vào thì đi kiểu nào. Đối với nhà chung cư cũng phải quy định sở hữu chung, riêng như thế nào, cách tính diện tích ra sao chứ hiện nay có rất nhiều vấn đề mà người dân cho rằng quyền lợi của khách hàng bị xâm hại” - ông Đương nói.

Theo ĐB Lịch, không thể hình thành thị trường theo kiểu nhà đầu tư tư nhân lấy đất nông nghiệp làm hạ tầng, sau đó chờ Nhà nước làm đường để nâng giá bán. “Điều này xảy ra khá phổ biến, gây thất thoát lớn. Đất đô thị là con gà đẻ trứng vàng nhưng trứng này không vô ngân sách. Vì vậy, tôi đề nghị về điều kiện đầu tư sơ cấp ai được quyền đầu tư làm việc gì, đến thị trường thứ cấp xây nhà để bán hay cho thuê, chức năng là gì thì phải quy định rõ” - ông Lịch lưu ý.

Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank Phạm Huy Hùng (Đoàn Hà Nội) cảnh báo: “Có những trường hợp tay không bắt giặc, nhiều chủ đầu tư ăn mặc đẹp, đi xe xịn, xách cặp rất oai nhưng nợ như chúa chổm. họ chỉ ép mấy cái cọc là bán, thu tiền nhiều lắm mà tiền đi đâu không biết. Cho nên chỗ này cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát để hạn chế rủi ro”.

Để khắc phục tình trạng này, ông Lịch đề nghị Nhà nước quy định tiền nhà đầu tư nhận của khách hàng để mua nhà hình thành trong tương lai phải gửi vào một ngân hàng và quy định rõ ngân hàng đó chỉ được phép chuyển tiền thanh toán cho chính công trình đó. Nếu chuyển chỗ khác là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân, tức là vi phạm hình sự.

“Có doanh nghiệp KDBĐS than với tôi: “Giá như luật cũ quy định chặt chẽ thì em đã đỡ khổ. Trước đây em lấy tiền đó đi mua đất nên giờ em mới chết, chứ nếu em lấy tiền đó xây nhà thì giờ em đã bán xong, giao xong rồi”. Lỗ hổng luật làm lòng tham người kinh doanh thành họa” - ông Lịch nêu thực tiễn.

THU HẰNG

 

Nên mở rộng các trường hợp được phép mang thai hộ

Chiều 27-5, thảo luận tại hội trường QH về Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, các ĐB đều đồng tình với quy định cho phép mang thai hộ vì đây là mong muốn, nhu cầu chính đáng của những gia đình không thể sinh con.

Theo ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu), thống kê gần đây cho thấy tỉ lệ vô sinh chiếm đến 8% nên việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là hoàn toàn phù hợp. Dẫn lại câu chuyện xảy ra với hai người quen của mình, trong đó một người nhờ “đường dây ngầm” mang thai hộ nên có con, còn người thứ hai vì không dám nhờ nên đến giờ vẫn không có, ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng: “Việc cho phép mang thai hộ rất nhân văn để những người gặp khó khăn về con cái có quyền có đứa con của mình”.

Tuy nhiên, theo bà Chi nếu luật chỉ cho phép người thân thích ruột thịt mới được mang thai hộ thì sẽ gây khó khăn cho không ít các gia đình. “Tôi cho rằng nếu không có người thân thích thì có thể nhờ người khác như bạn bè chẳng hạn, miễn sao không mang tính thương mại. Với những cặp vợ chồng có con nhưng con lại bị dị tật thì cũng nên cho phép họ mang thai hộ” - bà Chi đề xuất.

Cùng ngày, trình bày báo cáo thẩm tra đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi cho hay việc quy định đấu thầu, đặt hàng dạy nghề trong dự thảo luật là hết sức cần thiết. Bởi đây là một cơ chế hiệu quả nhằm bảo đảm công bằng, bình đẳng thông qua cạnh tranh trong tiếp nhận nhiệm vụ và hỗ trợ tài chính của Nhà nước theo hướng bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị cần quy định rõ phương thức và quy trình đấu thầu, đặt hàng đào tạo nghề. Ngoài ra cần quy định phạm vi đấu thầu, đặt hàng cũng chỉ nên tập trung vào những nghề đặc thù, mũi nhọn mà Nhà nước và xã hội cần nhưng khó huy động nguồn lực xã hội hóa nên Nhà nước phải hỗ trợ.

THÀNH VĂN

 

Tạo quỹ nhà cho thuê giá rẻ

Theo ĐB Trần Du Lịch, hiến pháp quy định mọi người có quyền có nhà ở, đó là tiến bộ nhưng trong điều kiện Việt Nam như hiện nay thì bao nhiêu năm nữa mọi người có sở hữu nhà ở? Vậy Nhà nước có nên tập trung làm cho mọi người có chỗ ở chứ không phải có sở hữu nhà ở? Với quan điểm này thì nhà ở xã hội sẽ được tính khác. Không thể người lương không đủ sống mà lại đi mua nhà, tổ chức tín dụng huy động vốn ngắn hạn ba tháng, sáu tháng mà bảo cho vay 15 năm thì sao cho vay?

Ông Lịch nêu quan điểm: “Trong chính sách nhà ở xã hội, Nhà nước phải tạo điều kiện có quỹ nhà ở cho thuê giá rẻ. Trách nhiệm phát triển nhà ở là của địa phương. Chúng ta có thể mạnh dạn làm như chính quyền Sài Gòn xưa dùng tiền kiến thiết để xây dựng nhà ở”.

T.HẰNG

Tránh để nhà công vụ thành nhà cá nhân

ĐB Cao Sỹ Kiêm phản ánh: “Nhà công vụ đang bị biến tướng thành nhà cá nhân. Ở một số nơi, khi chuyển công tác khác thì cán bộ vẫn giữ khư khư, giữ chặt không chịu trả. Có người bây giờ đã chuyển công tác rồi nhưng vẫn giữ cho con cháu ở trong những căn nhà giá cả chục tỉ đồng. Bao nhiêu nhà công vụ hứa trả nhưng không chịu trả. Nhiều người được cấp đất làm nhà ra ngoài ở rồi nhưng vẫn không trả, gây phản cảm, bức xúc trong dư luận vì toàn là những người có địa vị xã hội”.

ĐB Nguyễn Minh Quang đề nghị trong điều kiện khó khăn không nên phát triển nhà công vụ tràn lan mà có thể tính vào lương. ĐB Phạm Huy Hùng thì cho rằng luật phải thể hiện rõ nhà công vụ thuộc sở hữu nhà nước, nếu không trả lại là xâm chiếm tài sản, vi phạm pháp luật.

T.VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm