Nói xấu sau lưng, 'dìm hàng' bạn bè cũng là bạo lực học đường

(PLO)- Chuyên gia phân tích bạo lực học đường có thể là tác động về mặt thể xác hoặc tinh thần. Không cần phải đánh nhau, các hành vi như chê, “dìm hàng”, nói xấu sau lưng cũng vô tình là một dạng bạo lực tinh thần.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-11, trường THCS Xuân Trường, Thủ Đức tổ chức buổi giao lưu đầu tuần với về chủ đề “Xây dựng tình bạn đẹp – Nói không với bạo lực học đường”. Buổi sinh hoạt nhận được nhiều câu hỏi cũng như trăn trở của các em học sinh trước vấn đề này.

ThS Phạm Thị Thúy, chuyên viên tham vấn tâm lý giao lưu chia sẻ với học sinh trường THCS Xuân Trường. Ảnh: VÕ THƠ

ThS Phạm Thị Thúy, chuyên viên tham vấn tâm lý giao lưu chia sẻ với học sinh trường THCS Xuân Trường. Ảnh: VÕ THƠ

Trước thắc mắc của Yến Vy về cách xây dựng một tình bạn đẹp, ThS tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Phân viện TP.HCM, chia sẻ tình bạn đẹp như một cái cây cần có thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng. Bên cạnh sự chia sẻ, yêu thương, bạn bè cần phải góp ý, sửa sai để giúp nhau hoàn thiện.

Tình bạn đến từ sự trải nghiệm cùng học, cùng chơi, cùng trưởng thành. “Cuộc đời chúng ta như một đoàn tàu, mỗi giai đoạn như một ga tàu, sẽ có người bước lên rồi đến thời điểm nào đó đến trạm họ sẽ bước xuống” – ThS Phạm Thị Thúy lấy ví dụ và cho rằng một tình bạn đẹp là không ràng buộc phải mãi mãi bên cạnh, hãy đón nhận những khoảnh khắc vui vẻ và chấp nhận lúc bạn rời xa.

Học sinh Yến Vy đặt vấn đề về cách xây dựng một tình bạn đẹp. Ảnh VÕ THƠ

Học sinh Yến Vy đặt vấn đề về cách xây dựng một tình bạn đẹp. Ảnh VÕ THƠ

Tiếp đến, Lệ Quyên chia sẻ rất phân vân, không biết có nên tiếp tục chơi với bạn thân thường ganh tỵ mỗi khi em đạt điểm cao. Trước câu hỏi, ThS Phạm Thị Thúy cho rằng đây là điều bình thường. “Thành công của các em đôi khi khiến các bạn đồng trang lứa bị áp lực và xuất hiện lòng đố kỵ. Các em cần đồng cảm, đừng chấp nhặt, mở lòng công nhận những giá trị khác của bạn. Hãy lấy cái tốt để trị cái cái xấu, không cho hạt giống xấu có cơ hội nảy mầm cho mình và cho người. Nếu chúng ta trân quý thành công của người khác thì chính chúng ta đã là những người mạnh mẽ và tự tin” – ThS Phạm Thị Thúy khuyên.

Hiện đang nghiên cứu một đề tài liên quan đến bạo lực học đường, Quang Thiện mong muốn hiểu sâu hơn về vấn đề này và cách phòng tránh. Đáp lại câu hỏi, ThS Phạm Thị Thúy giải thích bạo lực học đường có thể là tác động về mặt thể xác hoặc tinh thần. Không cần phải đánh nhau, các hành vi như chê, “dìm hàng”, nói xấu sau lưng cũng vô tình là một dạng bạo lực tinh thần. Để hạn chế bạo lực học đường cần có sự chung tay từ cả ba phía gồm học sinh, nhà trường và gia đình.

Các em học sinh nên chấm dứt những việc mình nghĩ là vô hại như nói xấu bạn bè, cô lập bạn... Nếu xảy ra vấn đề, cách tốt nhất là hai bên ngồi lại giải quyết trực tiếp, nếu không giải quyết được thì nhờ thầy cô giáo giúp. “Chúng ta tuyệt đối không dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, không làm đau người khác cả thể xác lẫn tinh thần” – ThS Phạm Thị Thúy khuyên.

Về phía nhà trường, theo ThS Phạm Thị Thúy, việc đầu tiên nên hướng đến là xây dựng cách hiểu tình bạn đẹp. Trong lớp, giáo viên cần phải tạo không khí vui vẻ cho học sinh thông qua các trò chơi để gắn kết các em, giúp các em được hiểu nhau hơn. Cùng với đó là quan tâm, sâu sát đến các em để kịp thời nhận thấy dấu hiệu bạo lực và can thiệp. Trong các buổi họp phụ huynh, giáo viên cần phổ biến, tuyên truyền để phụ huynh hạn chế sử dụng bạo lực ở nhà. Đây là một trong những nguyên nhân hình thành nên thói quen gây bạo lực hoặc chịu đựng bạo lực của các em.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm