Tại buổi tọa đàm "Chống hàng nhái, ai bảo vệ doanh nghiệp" do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 27-4, ông Nguyễn Công Suất, Giám đốc Công ty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam, bức xúc nói: "Thương hiệu dầu Vinaga chỉ mới ra thị trường được khoảng bốn năm thì sản phẩm đã bị làm nhái ngay. Đến nay đã có hơn 30 loại sản phẩm thương hiệu na ná nhau vẫn tồn tại trên thị trường".
Cũng kêu trời vì bị nhái thương hiệu, đại diện Công ty TNHH Đầu tư, Thương mại Thu Hiên cho biết sản phẩm bột rau câu dẻo Konnyku Jelly của công ty bị làm nhái từ hình ảnh đến bố cục thiết kế bao bì rồi tung ra thị trường với giá rẻ.
"Dù cơ quan chức năng đã xử phạt nhưng với mức phạt hành chính khoảng 100 triệu đồng vẫn chưa đủ răn đe và ngăn chặn hành vi làm hàng nhái, giả" - đại diện công ty cho biết.
Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty Nón Sơn, mong muốn Nhà nước mạnh tay hơn để răn đe đối tượng làm hàng nhái, hàng giả như rút giấy phép kinh doanh. Bởi nếu chỉ phạt hành chính thì không ăn thua, phạt hành chính thì đối tượng làm giả, nhái sẽ tiếp tục tái phạm.
Dẫn chứng việc này, ông Tý kể Công ty Nón Sơn từng phối hợp lực lượng chức năng phát hiện hai cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm giả nhãn hiệu Nón Sơn. Sau khi phạt hành chính một thời gian sau, họ vẫn làm hàng giả với hình thức tinh vi hơn.
Nhiều sản phẩm tên "na ná" nhau khiến doanh nghiệp đau đầu.
Ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cho biết để xử lý tận gốc hàng giả, nhái thì trách nhiệm của địa phương là chính trong phát hiện, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật cần phải xem xét lại để đảm bảo cho công tác thực thi hiệu quả.
Từ đầu năm 2017 đến nay, quản lý thị trường TP.HCM đã xử phạt khoảng 1.400 vụ vi phạm hàng giả, hàng lậu, hàng nhái với tổng số tiền trên 55 tỉ đồng.