Nông dân Cơ Tu kéo khách du lịch lũ lượt về làng

(PLO)- Cách làm du lịch cộng đồng của chị Trâm và người dân Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) không chỉ tạo sinh kế mà còn giữ rừng, bảo tồn văn hóa của đồng bào Cơ Tu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

72 tuổi, già làng Bùi Văn Siêng (thôn Giàn Bí) không nghĩ một ngày sẽ đứng trước những ông Tây, bà Tây để giới thiệu về văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Từ ngày du lịch cộng đồng xuất hiện ở vùng quê thanh bình này, già đã dần quen với công việc của một hướng dẫn viên.

“Một số hộ mở “hôm-tây” (homestay - PV) nên bà con địa phương có thêm thu nhập từ việc múa hát, đan lát, nấu nướng… phục vụ khách. Làm du lịch khỏe hơn vì không phải dang nắng dầm mưa như đi rừng, làm nông. Mức thù lao thì tùy theo, khoảng 100.000-200.000 đồng/đoàn. Khách du lịch rất ưng nghe kể chuyện xưa và ăn uống không cầu kỳ đâu, mình nấu rau rừng họ cũng khen ngon” - ông Siêng cười.

Du khách trong và ngoài nước trải nghiệm các sản phẩm du lịch cộng đồng tại xã Hòa Bắc. Ảnh: NY

Du khách trong và ngoài nước trải nghiệm các sản phẩm du lịch cộng đồng tại xã Hòa Bắc. Ảnh: NY

“Tập dượt” đón khách

Già làng Bùi Văn Siêng là một trong những hộ trong mô hình du lịch cộng đồng của chị Đỗ Thị Huyền Trâm (chủ homestay Nam Yên). Vốn là phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Bắc, tháng 9-2021, chị nghỉ việc và dự định mở siêu thị mini để mang nông sản quê hương xuống phố. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng của Hòa Bắc và sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè, chị đã bắt tay làm du lịch cộng đồng. Mục tiêu là hình thành chuỗi kết nối để vừa tạo sinh kế cho người dân địa phương, vừa giữ được rừng, bảo vệ môi trường và bầu không khí yên bình nơi đây.

Sau gần một năm, mạng lưới của chị Trâm có khoảng 30-35 đầu mối chính với các dịch vụ như ăn uống, lưu trú, làm đẹp, đạp xe, trải nghiệm văn hóa Cơ Tu… Các hộ tham gia phải thực hiện phân loại rác, bảo đảm an toàn, yên tĩnh cho du khách, không rượu bia, không karaoke, loa kẹo kéo, có nhà vệ sinh sạch sẽ, gia đình hiền hòa, văn hóa.

Mô hình lấy người nông dân làm trung tâm, tận dụng tất cả thế mạnh sẵn có của địa phương, có gì phục vụ nấy. Bà con có thể tiếp khách bằng chính mớ rau, quả bưởi, quả mít trong vườn. Ngày thường, họ đầu tắt mặt tối làm nông nhưng khi có khách tới nhà, họ có thể tự tin “đứng lớp” nói về kinh nghiệm tỉa lúa, tỉa bắp, nấu mì Quảng hay những điệu múa truyền thống của người Cơ Tu. Ở đây mỗi người dân là một người chủ, còn homestay của chị Trâm là trung tâm kết nối các đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm, học tập. Khi có nhu cầu, khách sẽ trao đổi trước về mong muốn của họ khi đến với Hòa Bắc. Từ đó, chị và bà con địa phương sẽ cùng bàn bạc, lên chương trình tour phù hợp với năng lực phục vụ.

Ngày thường, họ đầu tắt mặt tối làm nông nhưng khi có khách tới nhà, họ có thể tự tin “đứng lớp” nói về kinh nghiệm tỉa lúa, tỉa bắp, nấu mì Quảng...

“Khi có khách về thì bà con sẽ đến chỗ mình để thống nhất lại chương trình, sau đó đến nội dung của ai thì người đó phục vụ. Ví như khách về nhà bác Hồng thì trong mấy tiếng đó, bác sẽ “đứng lớp”, muốn khách trải nghiệm gì, chia sẻ những gì thì tự quyết định chứ mình không can thiệp. Chi phí khách sẽ trả trực tiếp cho người dân” - chị cho hay.

Đón khách bằng tình cảm chân thành

Hiện nay, ngoài khách vào cuối tuần, nhiều đoàn khách trong và ngoài nước cũng liên hệ đến học tập, tham quan, trải nghiệm, trong đó có đoàn mong muốn đến học tập mô hình du lịch cộng đồng của chị Trâm.

Theo chị Trâm, nhiều du khách lựa chọn về với nông thôn để được đạp xe quanh cánh đồng lúa xanh rì, đến dòng sông Cu Đê hít một hơi thật sâu để cảm nhận những thanh âm trong trẻo của núi rừng mỗi sớm mai. Có người thì thích bữa cơm dân giã của bác nông dân, được tự nhóm bếp củi nấu nước tắm rồi cười khà khi mặt mũi ai nấy lem nhem nhọ nồi. Người lại thích thú đi dạo quanh làng, trò chuyện với những em nhỏ hay ăn một cốc chè và nghe câu chuyện thú vị về đồng bào Cơ Tu. Cũng có người do cuộc sống phố thị bận rộn, gia đình không có thời gian bên nhau nên họ về đây chỉ đơn giản để cùng nhau nấu một bữa cơm, cùng tưới cây, trò chuyện gắn kết các thành viên.

“Người nông dân bữa nay tự tin như vậy luôn”

Có bác cả đời sống với rừng nhưng khi học sinh, sinh viên, thậm chí giảng viên các trường ĐH, viện nghiên cứu, khách nước ngoài đến thì vẫn đứng giảng bình thường. Người nông dân bữa nay tự tin như vậy luôn, ai cũng có thể phụ trách một khâu phục vụ khách.

Ông ĐỖ THANH TÂN,

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang

“Du lịch cộng đồng hướng du khách tới những trải nghiệm chân thật nhất, người dân không “diễn” mà có cái gì thì phục vụ cái đó nên chắc chắn không thể chuyên nghiệp như doanh nghiệp du lịch. Vì vậy, trước khi khách xuống với bà con, mình thường dành 10-15 phút để chia sẻ điều này với họ, đừng quá cầu kỳ mà hãy cố gắng lắng nghe, bà con mở lòng thì họ nói cả ngày không hết chuyện” - chị Trâm cho hay.

Chị cho rằng tiềm năng của Hòa Bắc là rất lớn nhưng người dân còn chưa hiểu hết thế nào là du lịch cộng đồng. Nhiều người cứ nghĩ mở quán nhậu, cho thuê loa kẹo kéo mới là du lịch nhưng thực sự khách học tập chi phí rất nhiều. Họ sẵn sàng chi vài trăm đến tiền triệu để trải nghiệm dù chỉ trong thời gian ngắn.•

Sẽ có năm điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn tại Hòa Vang

Theo đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của UBND TP Đà Nẵng, địa phương sẽ hình thành năm cụm, điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn kết hợp với sinh thái có khả năng cạnh tranh với các tỉnh, thành trong nước. Nơi có khả năng cung cấp dịch vụ du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng thuần chất văn hóa địa phương, kết nối hài hòa với thiên nhiên, làng quê.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm