Đó là thực tế được bà Đỗ Thị Lan Nhi, Trưởng phòng Kiểm soát chất lượng Công ty Vineco, chia sẻ tại phiên thảo luận "Xây dựng và tối ưu hóa chuỗi giá trị nông nghiệp" trong khuôn khổ diễn đàn Mekong Connect CEO Forum 2016 tại TP Cần Thơ ngày 26-10.
Các chuyên gia, diễn giả tại phiên thảo luận "Xây dựng và tối ưu hóa chuỗi giá trị nông nghiệp" ngày 26-10. Ảnh: N.NAM
Theo bà Nhi, một trong những tiêu chí của sản xuất nông sản sạch là minh bạch trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc. Theo đó, người nông dân tham gia ký kết với công ty để sản xuất rau sạch phải ghi nhật ký sản xuất (là một quy trình bắt buộc trong việc đảm bảo minh bạch sản xuất). Nhưng thực tế bà con thường ghi “hồi ký” chứ không phải “nhật ký”. Mà "hồi ký" là khi rảnh ngồi nhớ lại rồi ghi ra nên có khi không chính xác.
“Đây thực tế là một cái vướng đang trong quá trình thay đổi. Chúng tôi có đội kiểm soát viên khoảng 300 người chuyên đi kiểm soát, hướng dẫn sự tuân thủ quy trình sản xuất sạch của nông dân, trong đó có việc phải ghi nhật ký sản xuất” - bà Nhi cho hay.
Cũng theo bà Nhi, hợp tác xã chưa phát huy vai trò hoàn chỉnh, mới chỉ là điểm tập hợp bà con nông dân lại chứ chưa kiểm soát được sản xuất. Hầu hết, để đảm bảo chất lượng thì các công ty phải có đội hướng dẫn sản xuất trực tiếp ra đồng hướng dẫn cho nông dân.
Chia sẻ ý kiến tại phiên thảo luận, ông Julien Brun, Tổng Giám đốc CEL Consulting kiêm Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Pháp tại Việt Nam, cho rằng người tiêu dùng là động lực thúc đẩy chuỗi cung ứng phát triển. Và người tiêu dùng Việt Nam ngày càng thông minh và thận trọng hơn, lựa chọn kỹ hơn do họ mất niềm tin với nhiều sản phẩm. Đây là thách thức với các nhà sản xuất. Xây dựng lòng tin của người dân vào một loại sản phẩm là một việc làm khó nhưng để sản phẩm đó trụ được trong lòng người tiêu dùng thì nhà sản xuất phải chú ý xây dựng lòng tin vững chắc...