Bộ Ngoại giao Nga đêm 10-3 đã đưa ra thông báo: “Liên bang Nga đã quyết định dừng tham dự các phiên thảo luận (của CFE – NV) từ ngày 11-3-2015. Vì vậy, nước Nga cũng chấm dứt mọi hoạt động theo Hiệp ước Các Lực lượng Vũ trang Thông thường ở châu Âu (CFE)”. Nga cũng đồng thời giao Belarus đại diện cho các lợi ích của Nga trong các phiên thảo luận nhóm.
Xe tăng Nga duyệt binh tại Quảng trường Đỏ (Ảnh: Reuters)
Theo Bộ Ngoại giao Nga, động thái này không đồng nghĩa rằng Moscow chấm dứt mọi đối thoại xung quanh việc kiểm soát lực lượng vũ trang thông thường tại châu Âu. Tuy nhiên, các kênh đối thoại chỉ được nối lại một khi hiệp định này đáp ứng được cả lợi ích của châu Âu và nước Nga.
Hiệp ước CFE ban đầu được ký kết bởi 16 quốc gia thành viên liên minh quân sự NATO và 6 thành viên của liên minh quân sự Khối Warsaw vào năm 1990. Hiệp ước này đặt ra “mức trần” số lượng vũ khí thông thường, xe tăng, xe thiết giáp, pháo, trực thăng và máy bay chiến đấu mà mỗi quốc gia được phép có. Chẳng hạn, theo các thỏa thuận của Hiệp ước, một quốc gia không được vượt quá 16.500 xe tăng hay 27.300 xe thiết giáp đang hoạt động.
Nga đã nhiều lần cáo buộc Hiệp ước này "không bình đẳng", vì trong khi phương Tây buộc Nga phải kiểm soát gắt gao hoạt động quân sự của mình, thì NATO lại không ngừng tăng cường mở rộng về phía Đông, áp sát lãnh thổ Nga. Đến năm 2007, Nga đã từng tuyên bố dừng đối thoại trong khuôn khổ CFE.