Tình hình chiến sự
. Theo hãng tin Ukrinform, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết ngày 19-1, không quân Ukraine đã 21 lần tấn công vào các cụm nhân lực Nga, cũng như 6 lần tấn công vào các hệ thống tên lửa phòng không của Moscow. Ngoài ra, lực lượng tên lửa và pháo binh Kiev đã tấn công 6 sở chỉ huy, 7 cụm quân và một kho đạn của quân đối phương.
Bộ này nhấn mạnh các mối đe dọa về các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa của Moscow trên khắp Ukraine vẫn còn hiện hữu. Theo Ukrinform, quân đội Nga tiếp tục chịu tổn thất nhân lực đáng kể. Đặc biệt, tại bệnh viện ở Novosvitlivka (tỉnh Luhansk), quân Nga tổn thất hơn 200 binh sĩ.
Quân Ukraine khai hoả hệ thống pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad về phía các vị trí của Nga tại TP Bakhmut (tỉnh Donetsk) ngày 15-1. Ảnh: REUTERS |
. Theo hãng thông tấn TASS, quan chức chính quyền Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng cho biết đợt pháo kích của Ukraine vào TP Volnovakha (DPR) tối 19-1 đã khiến 2 dân thường thiệt mạng. Quan chức TP Volnovakha cũng cho biết phía Kiev liên tục nã pháo TP này và phá huỷ nhiều nhà dân.
Chia sẻ với kênh truyền hình Rossiya-1, ông Apty Alaudinov - Phó chỉ huy quân đoàn 2 của Dân quân Nhân dân Cộng hoà Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng cho biết quân Ukraine đang dần rút lui khỏi hướng tiền tuyến Donetsk, đồng thời nhấn mạnh đây là một bước ngoặt đối với Nga. Ông cũng nói rằng số lượng quân nhân Ukraine trải qua khóa huấn luyện kéo dài một tháng ở châu Âu là quá ít để có thể thay đổi mạnh mẽ tình hình ở tiền tuyến.
Mỹ viện trợ thêm cho Ukraine
Ngày 19-1, Mỹ công bố gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá lên tới 2,5 tỉ USD, bao gồm hàng trăm xe bọc thép và các hỗ trợ cho lực lượng phòng không Kiev, hãng Reuters đưa tin.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết khoản viện trợ này bao gồm 59 xe chiến đấu Bradley và 90 xe bọc thép chở quân Stryker. Tổng cộng, Mỹ đã cam kết viện trợ an ninh hơn 27,4 tỉ USD cho Ukraine kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu.
Các nguồn tin chính phủ Đức cho biết Berlin sẽ giải quyết vấn đề xe tăng Leopard nếu Washington đồng ý gửi xe tăng Abrams tới Ukraine. Tuy nhiên, thông báo trên của phía Mỹ không bao gồm xe tăng Abrams.
Trước đó, tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức - ông Vladimir Pistorius cũng đã nói rằng ông không biết bất kỳ yêu cầu nào về việc Ukraine phải đồng thời nhận xe tăng của Mỹ và Đức.
“Tôi không biết về bất kỳ quy định nào như vậy” - ông Pistorius trả lời khi được hỏi Abram và Leopard có cần phải được giao cho Ukraine cùng lúc hay không. Phát biểu của ông đã để ngỏ khả năng đạt được thoả thuận trong cuộc họp của các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm nay (20-1) tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở bang Rhineland-Palatinate (Đức).
Tổng thống Pháp nói về tương lai châu Âu
Ngày 19-1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng châu Âu đang ở trong một "cuộc khủng hoảng chưa từng có" về cuộc xung đột ở Ukraine. Ông nói thêm rằng lục địa này phải lựa chọn muốn được tự do hay trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ hoặc Trung Quốc (TQ), đài RT đưa tin.
Trả lời phỏng vấn tờ El Pais của Tây Ban Nha, nhà lãnh đạo Pháp lưu ý rằng mô hình kinh tế của châu Âu đang "bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những hậu quả trực tiếp và gián tiếp của cuộc xung đột này".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: THE WARSAW INSTITUTE REVIEW |
Về kinh tế, thế giới được định hình bởi "sự phân cực" giữa Mỹ và TQ, và châu Âu vẫn chưa quyết định muốn "trở thành chư hầu của một trong hai bên" hay theo đuổi con đường tự do và đoàn kết, ông Macron nói.
Tổng thống Pháp từ lâu đã ủng hộ việc thành lập một cộng đồng chính trị châu Âu chặt chẽ hơn, chia sẻ các giá trị dân chủ và hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và an ninh. Nhà lãnh đạo Pháp cũng nhấn mạnh rằng châu Âu nên bớt phụ thuộc vào NATO và theo đuổi "quyền tự chủ chiến lược" của riêng lục địa.
Đề cập Nga, Tổng thống Macron nói rằng Moscow là một “cường quốc" đang tích cực tìm kiếm một "vận mệnh" mới. Nhà lãnh đạo Pháp tin rằng xung đột giữa Moscow và Kiev là một phần của cuộc tìm kiếm đó, đồng thời nói thêm rằng phương Tây sẽ chỉ thấy được một nền hòa bình lâu dài nếu họ đóng góp vào quá trình này thông qua đối thoại với Nga.
Theo ông, địa lý là không thể thay đổi và châu Âu sẽ vẫn là láng giềng của Nga trong tương lai bất kể mối quan hệ giữa họ như thế nào. "Về lâu dài cần phải biết tìm phương thức và công cụ để xây dựng hòa bình. Chúng ta phải luôn duy trì khả năng đối thoại" - ông nhấn mạnh.