Ngày 19-1, chính phủ Mỹ chạm mức trần nợ công 31.400 tỉ USD trong bối cảnh chính phủ Dân chủ của Tổng thống Joe Biden và Hạ viện phe Cộng hòa đối đầu về việc nâng mức trần nợ, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng tài chính trong vài tháng tới, theo hãng tin Reuters.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết từ ngày 19-1 Bộ Tài chính bắt đầu sử dụng “các biện pháp quản lý tiền đặc biệt” để có thể ngăn tình trạng vỡ nợ cho đến ngày 5-6, nhưng bà không chắc các biện pháp sẽ đạt hiệu quả.
“Tôi trân trọng kêu gọi quốc hội hành động kịp thời để bảo vệ niềm tin và uy tín của nước Mỹ” - bà Yellen cho biết trong một bức thư gửi tới Quốc hội Mỹ ngày 19-1.
Quang cảnh bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington D.C. Ảnh: REUTERS |
Các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện tuyên bố sẽ không nâng trần nợ trừ khi chính phủ của ông Biden đồng ý cắt giảm mạnh chi tiêu. Nhà Trắng từ chối ý tưởng này, yêu cầu quốc hội phải nâng trần nợ vô điều kiện.
“Sẽ không có cuộc đàm phán nào về trần nợ. Quốc hội phải giải quyết vấn đề này vô điều kiện như họ đã làm 3 lần dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump” - phó thư ký báo chí Nhà Trắng Olivia Dalton nói ngày 19-1.
Theo Reuters, không có dấu hiệu nào cho thấy 2 bên sẽ nhượng bộ.
Chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp cảnh báo nếu vấn đề trần nợ nếu không được giải quyết sớm sẽ làm bất ổn thị trường, nguy cơ Mỹ vỡ nợ và làm lung lay hơn nữa nền kinh tế toàn cầu.
Mức trần nợ là giới hạn về tổng số tiền mà chính phủ có thể vay để thực hiện các nghĩa vụ tài chính của mình. Quốc hội Mỹ đã thiết lập trần nợ vào năm 1917 để kiềm chế việc các cơ quan chính phủ chi tiêu thiếu kiểm soát.
Việc nâng trần nợ là vấn đề chính trị cố hữu, nhất là khi đảng Dân chủ và Cộng hòa chia nhau nắm quyền. Khi đó, một bên cố gắng sử dụng mối đe dọa vỡ nợ để buộc bên kia chấp nhận cắt giảm ngân sách.