Nga tiến sâu vào trung tâm TP Severodonetsk
Tỉnh trưởng tỉnh Luhansk - ông Serhii Haidai nói rằng các lực lượng Nga đang đang di chuyển vào phía trung tâm TP Severodonetsk của tỉnh Luhansk từ vùng ngoại ô, hãng Ukrinform đưa tin.
Ông Haidai cho biết rằng các cuộc giao tranh khốc liệt đang diễn ra ở hai TP Sievierodonetsk và Lysychansk khiến 2 dân thường thiệt mạng và 5 người bị thương.
“Thật không may, chúng tôi có một tin gây thất vọng, quân Nga đang di chuyển vào bên trong thành phố…. Họ nã pháo trong 3, 4, 5 giờ đồng hồ rồi tiến công… Sau đó họ lại tiếp tục nã pháo rồi tiến công lần nữa. Điều này xảy ra cho đến khi họ có thể phá hủy một nơi nào đó” - ông Haidai nói.
|
Cột khói xuất hiện sau trận pháo kích tại TP Severodonetsk của tỉnh Luhansk, miền đông Ukraine hôm 21-5. Ảnh: AFP |
“Quân Nga đã triển khai tất cả các loại vũ khí và đang tấn công từ trên không. Quân đội Ukraine đang kiên quyết trấn giữ để ngăn chặn quân Moscow tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine. 2 người thiệt mạng và 5 người bị thương vì đạn pháo của Nga. Tất cả những người bị thương đã được sơ cứu và được đưa đến bệnh viện” - ông cho biết thêm.
Ông nhấn mạnh rằng quân đội Nga đang chuyển đạn dược và thiết bị quân sự với số lượng lớn về hướng TP Sievierodonetsk.
Nga nói đã từng thuyết phục Donetsk và Luhansk từ bỏ chủ quyền
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình TF1 của Pháp, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết tại một số thời điểm, Nga đã thuyết phục các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk (DPR và LPR) từ bỏ chủ quyền của họ nếu chính quyền Kiev thực hiện thỏa thuận Minsk.
Theo ông Lavrov, khi Donetsk và Luhansk tuyên bố độc lập và trở thành hai nước cộng hòa tự xưng hồi năm 2014, chính quyền Kiev đã gửi quân đội và máy bay ném bom hai tỉnh này.
“Trong nhiều tháng dài, chúng tôi đã cố gắng ngăn chặn xung đột. Chúng tôi đã thuyết phục Donetsk và Luhansk từ bỏ chủ quyền của họ nếu các thỏa thuận Minsk được thực hiện. Tất cả những gì chính quyền Kiev cần làm là cấp trạng thái đặc biệt cho những lãnh thổ đó" - ông nói.
Ông Lavrov cho biết Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc công nhận sự độc lập của Donetsk và Luhansk.
"Đối với chúng tôi, đây là một hoạt động quân sự theo yêu cầu chính thức từ các quốc gia có chủ quyền DPR và LPR, phù hợp với Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó có quyền phòng vệ cá nhân và tập thể. Chúng tôi đang bảo vệ những khu vực đó và giúp họ khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ” - ông nói thêm.
Trong buổi phỏng vấn, ông cũng nói về các lệnh trừng phạt gần đây của phương Tây đối với Moscow. Ông nhận định phương Tây đã lên kế hoạch trừng phạt Nga từ lâu và khó có thể dỡ bỏ chúng.
“Tốc độ và phạm vi của của các lệnh trừng phạt từ phương Tây chứng minh rằng chúng không được lập ra chỉ sau một đêm. Chúng đã được lên kế hoạch từ khá lâu trước đây” - ông nói.
Ngoại trưởng Nga lưu ý rằng Mỹ, dù không công khai, đang nói với đồng minh của họ rằng “khi mọi thứ kết thúc, các lệnh trừng phạt sẽ được giữ nguyên", đồng thời nhấn mạnh rằng phương Tây đang dùng Ukraine như một “con bài mặc cả" để kìm chế Nga, hãng thông tấn TASS đưa tin.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không để "những kẻ ủng hộ khủng bố" gia nhập NATO
Theo đài RT, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Recep Tayyip Erdogan cho biết sẽ không chấp thuận đề nghị gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Phần Lan và Thụy Điển cho đến khi hai nước này giải quyết đúng đắn những lo ngại của Ankara về cáo buộc ủng hộ các tổ chức khủng bố và cam kết không lặp lại “những sai lầm trong quá khứ”.
“Miễn Tayyip Erdogan còn là người đứng đầu Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi chắc chắn không thể nói 'đồng ý' cho các quốc gia ủng hộ chủ nghĩa khủng bố gia nhập NATO” - nhà lãnh đạo tuyên bố.
Tuần trước, các phái đoàn từ Thụy Điển và Phần Lan đã gặp những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) để thảo luận về việc gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu. Việc gia nhập của họ đòi hỏi sự đồng thuận nhất trí của tất cả 30 quốc gia thành viên và Thổ Nhĩ Kỳ đã đe dọa sẽ ngăn chặn quá trình này trừ khi hai nước hành động rắn các nhóm mà Ankara coi là khủng bố.
Sau buổi thảo luận, ông Erdogan cho biết hai nước Bắc Âu “không trung thực và cũng không chân thành”.
“Họ không thực hiện các bước cần thiết. Họ vẫn cho phép những kẻ khủng bố tự do đi lại trên đường phố Stockholm và đảm bảo an ninh cho chúng. Chúng ta không thể lặp lại sai lầm trong quá khứ đối với những quốc gia là hang ổ và nuôi dưỡng những kẻ khủng bố này” - ông nói.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước đó cũng thừa nhận rằng Phần Lan và Thụy Điển khó có thể trở thành thành viên NATO nếu họ đáp ứng các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sự đoàn kết của EU dần sụp đổ, Serbia đạt thỏa thuận khí đốt với Moscow
Ngày 29-5, Bộ trưởng Kinh tế Đức - ông Robert Habeck nói rằng sự đoàn kết mà Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đang bắt đầu sụp đổ, RT đưa tin.
Các thành viên EU có nhiều bất đồng về việc áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga. Nhiều nước thành viên bày tỏ lo ngại rằng động thái này sẽ trở nên nguy hiểm đối với nền kinh tế của họ. Hungary, quốc gia nhập khẩu phần lớn dầu từ Nga và phản đối lệnh cấm vận, so sánh tác động tiềm tàng của lệnh cấm với “một quả bom nguyên tử”.
Cùng ngày, Tổng thống Serbia - ông Aleksandar Vucic cho biết ông vừa đạt được một thỏa thuận khí đốt mới có thời hạn 3 năm với Moscow trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Ông Vicic cho biết rằng ngoài hợp đồng khí đốt, hai tổng thống cũng thảo luận về triển vọng mở rộng các cơ sở lưu trữ khí đốt ở Serbia.
Phía Moscow cũng xác nhận rằng hoạt động cung cấp khí đốt đã được thảo luận trong cuộc hội đàm giữa ông Putin và ông Vucic, nhưng không cung cấp bất kỳ chi tiết cụ thể nào.
“Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận sâu về chương trình nghị sự song phương, bao gồm các bước mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại cùng có lợi, đồng thời đạt được thỏa thuận, đặc biệt là về việc Nga tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên cho Serbia” - trích thông báo của Điện Kremlin.