Nóng Nga-Ukraine sáng 30-5: Nguy cơ xuất hiện Mariupol thứ hai khi hỏa lực dồn vào Sievierodonetsk ở tỉnh Luhansk

(PLO)- Giao tranh ở TP Sievierodonetsk (tỉnh Luhansk) ngày càng dữ dội khi Nga dồn gần như toàn lực ở đây, Nga cáo buộc Ukraine tung tin giả ở Kherson; EU không thể thông qua lệnh cấm vận dầu Nga,...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình hình ở Sievierodonetsk

Theo hãng tin Reuters, ngày 29-5, các lực lượng Ukraine đã hứng chịu các cuộc tấn công bằng pháo hạng nặng trong bối cảnh Nga muốn giành quyền kiểm soát Sievierodonetsk - TP ở khu vực phía đông tỉnh Luhansk miền đông Ukraine.

Theo Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky, các cuộc pháo kích liên tục của Nga đã phá hủy tất cả các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Sievierodonetsk, thành phố lớn nhất mà Ukraine vẫn kiểm soát ở Luhansk.

"Khoảng 90% các tòa nhà bị hư hại. Hơn ⅔ các căn nhà trong TP đã bị phá hủy hoàn toàn. Không có hệ thống viễn thông" - ông nói trong một bài phát biểu trên truyền hình, hãng thông tấn Ukrinform đưa tin.

Các tòa nhà ở TP Sievierodonetsk bị hư hại nghiêm trọng. Ảnh: REUTERS

Các tòa nhà ở TP Sievierodonetsk bị hư hại nghiêm trọng. Ảnh: REUTERS

“Đánh chiếm Sievierodonetsk là nhiệm vụ chính của lực lượng Nga” - ông Zelensky nói và nói thêm rằng người Nga “không quan tâm đến thương vong”.

Trước đó, hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) ngày 29-5 đưa tin Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh "giải phóng" Donbass, bao gồm các khu vực Luhansk và Donetsk, là "ưu tiên vô điều kiện" của Nga. Ông cũng nói thêm rằng Nga coi đây là “các quốc gia độc lập”.

Tình trạng xấu đi làm dấy lên lo ngại rằng Sieverodonetsk có thể trở thành Mariupol thứ hai. TP Mariupol ven Biển Azov đã trải qua gần ba tháng dưới sự bao vây của Nga trước khi các chiến binh Ukraine cuối cùng buông súng.

Chuyên gia: Nga chậm mà chắc

Trận chiến giành Sievierodonetsk, nằm trên bờ phía đông của sông Siverskyi Donets (cách biên giới Nga 143 km về phía nam), đang được chú ý khi Nga giành được những lợi ích chậm nhưng chắc chắn ở phần đất nước sát biên giới với Nga, theo Reuters.

Binh sĩ Ukraine đang làm nhiệm vụ chiến đấu ở tỉnh Donetsk thuộc vùng Donbass. Ảnh: REUTERS

Binh sĩ Ukraine đang làm nhiệm vụ chiến đấu ở tỉnh Donetsk thuộc vùng Donbass. Ảnh: REUTERS

Nga đã tập trung hỏa lực khổng lồ vào một khu vực nhỏ - trái ngược với giai đoạn trước của cuộc xung đột khi lực lượng của Moscow thường bị dàn trải mỏng - bắn phá các thị trấn và thành phố bằng các cuộc không kích và pháo binh.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington cho biết quân Nga vẫn chưa bao vây được Sievierodonetsk và quân phòng thủ Ukraine đã gây ra "thương vong đáng sợ" cho họ.

Theo giới phân tích, việc Nga tập trung vào Sievierodonetsk đã thu hút nguồn lực từ các chiến trường khác và kết quả là họ đã đạt được rất ít tiến bộ ở những nơi khác.

Tình hình ở các khu vực khác

Hãng tin Sputnik ngày 29-5 dẫn lời ông Kirill Stremousov, phó cục trưởng cục quân sự-dân sự (do Nga hậu thuẫn) tỉnh Kherson (của Ukraine) cho biết quân Ukraine đã không thể xuyên thủng tuyến phòng thủ của Nga ở đây.

"Trong những ngày qua, quân Ukraine đã hai lần cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ ở gần làng Davydov Brod, tỉnh Kherson, nhưng đều bị đánh bại và chịu tổn thất rất nặng nề" - ông Stremousov cho biết.

Xe tăng Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ảnh: TASS

Xe tăng Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ảnh: TASS

Ông nói thêm rằng phía Ukraine đã mất ít nhất 70 binh sĩ sau khi cố gắng tấn công ở Kherson.

Cùng ngày, hãng thông tấn TASS cũng dẫn lời ông Stremousov cho biết các tuyên bố từ phía Ukraine rằng quân nước này đã thành công ở làng Davydov Brod là "tin giả".

"Trên thực tế, tất cả các trang công khai của Ukraine đều viết về sự thành công trong chiến dịch phản công để 'giải phóng' Kherson. [...] Nhưng đây là một lời nói dối. Kherson đã được phi phát xít hóa mãi mãi. Đó là một vùng đất của Nga" - ông Stremousov viết trên kênh Telegram.

Tổng thống Ukraine rời Kiev đến thăm binh sĩ ở TP Kharkiv

Trong ngày 29-5, Tổng thống Zelensky đến thăm các quân nhân đang chiến đấu ở TP Kharkiv (đông bắc Ukraine). Đây cũng là lần đầu tiên tổng thống Ukraine xuất hiện bên ngoài thủ đô Kiev kể từ đầu chiến dịch quân sự của Nga, theo Reuters.

Trong chuyến thăm, ông đã gửi lời khen, trao quà và động viên tới các binh sĩ: "Các bạn cản đảm vì tất cả chúng ta và vì đất nước của chúng ta".

Theo ông Andriy Yermak - Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Zelensky cũng đi thị sát tình hình cũng như đánh giá tình hình thiệt hại ở TP Kharkiv của Ukraine.

Ông Yermak cho biết ông Zelensky nói rằng các tòa nhà bị phá hủy phải được xây dựng lại và phải kèm theo các hầm trú bom tại chỗ.

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đến TP Kharkiv vào ngày 29-5 để thăm các quân nhân đang chiến đấu ở đây. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đến TP Kharkiv vào ngày 29-5 để thăm các quân nhân đang chiến đấu ở đây. Ảnh: REUTERS

Phương Tây tiếp tục rót vũ khí vào Ukraine

Đài RT ngày 29-5 dẫn nguồn tin từ đài phát thanh nhà nước Ba Lan cho biết nước này đã viện trợ 18 xe pháo tự hành AHS Krab cho Ukraine trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

Ngoài việc tài trợ các loại pháo hạng nặng, các lực lượng quân đội Ba Lan đã huấn luyện khoảng 100 lính pháo binh Ukraine để vận hành số pháo này.

“Nhờ viện trợ của Ba Lan, Ukraine hiện có ít nhất 24 xe pháo tự hành của phương Tây” - theo đài phát thanh Ba Lan.

Ngày 28-5, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine - ông Alexey Reznikov cho biết các máy bay chiến đấu của Ba Lan đã đến Ukraine. Kiev cũng đã nhận được pháo tự hành M777 155mm từ Mỹ, cũng như tên lửa chống hạm Harpoon từ Đan Mạch.

Ngoài ra, Pháp cũng đã gửi sáu xe pháo tự hành Caesar để hỗ trợ Ukraine.

EU không thể thông qua lệnh cấm vận dầu Nga

Ngày 29-5, các nhà ngoại giao thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối vẫn không thể thống nhất thông qua lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga. Đề xuất cấm hoàn toàn dầu Nga là một phần trong gói trừng phạt thứ sáu của EU nhằm đáp trả việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tuy nhiên, các quan chức cho biết họ sẽ cố gắng đạt được tiến bộ trước hội nghị thượng đỉnh ngày 30 và 31-5 về việc cho phép các nước Trung Âu không giáp biển được mua dầu của Nga thông qua các đường ống.

Các cuộc đàm phán về lệnh cấm vận dầu mỏ đã diễn ra trong một tháng mà không có tiến triển gì. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo muốn đạt được một thỏa thuận chung trong hội nghị thượng đỉnh để tránh mất đoàn kết nội bộ.

Để phá vỡ thế bế tắc, Ủy ban châu Âu đề xuất lệnh cấm chỉ áp dụng đối với dầu được vận chuyển bằng tàu đến EU. Theo đó, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech - ba quốc gia không giáp biển tạm thời vẫn có thể mua dầu từ Nga thông qua đường ống Druzhba cho đến ba nước này tìm được nguồn cung thay thế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm