Tình hình chiến sự
. Theo hãng tin Ukrinform, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết rằng lực lượng Kiev đã đẩy lùi cuộc tiến công của Nga ở làng Novobakhmutivka, tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine. Trận chiến tại TP Severodonetsk, tỉnh Luhansk vẫn tiếp tục diễn ra.
. Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine - ông Oleksandr Motuzianyk, các lực lượng Moscow tiếp tục nỗ lực tiếp cận biên giới hành chính của các vùng Luhansk và Donetsk, giữ quyền kiểm soát hành lang đất liền với bán đảo Crimea, và phong tỏa liên lạc hàng hải của Ukraine ở khu vực tây bắc biển Đen.
Ông nói rằng hiện số lượng quân Nga tại khu vực cao hơn nhiều so với Ukraine và phía Moscow hiện muốn “giành chiến thắng bằng quân số”. Ông nói thêm hiện đối phương đang pháo kích vào các vị trí của lực lượng phòng vệ Ukraine dọc theo toàn bộ tuyến liên lạc ở khu vực Luhansk và Donetsk. Theo đó, TP Severodonetsk vẫn là điểm nóng nhất trên toàn bộ mặt trận.
Theo ông, máy bay Nga thực hiện ít nhất 15 cuộc không kích vào các mục tiêu ở các vùng Luhansk, Donetsk, và các TP Zaporizhia, Kherson và Odessa.
Một trường học tại tỉnh Kharkiv của Ukraine bị phá hủy sau khi bị Nga không kích. Ảnh: REUTERS |
. Người đứng đầu Cục quản lý quân sự tỉnh Donetsk - ông Pavlo Kyrylenko nói rằng 4 dân thường đã thiệt mạng và 5 người bị thương trong cuộc pháo kích của Nga vào khu vực trong ngày 22-6. Theo lời ông, tổng cộng 520 cư dân địa phương đã thiệt mạng và 1.357 người bị thương kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
. Tại Kherson, người đứng đầu Trung tâm Báo chí Phối hợp của Lực lượng Phòng vệ miền nam Ukraine - bà Natalia Humeniuk cho biết quân Kiev đang tiếp tục phản công. Theo bà, việc phản công đã giúp lính Ukraine tiến công đáng kể về phía đông, song không tiết lộ các địa phương được “giải phóng” vì lý do an ninh.
. Trong cuộc họp báo ngày 22-6, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các cuộc pháo kích của Mocsow vào nhà máy đóng tàu Okean ở TP Mikolaev của Ukraine hôm 21-6 đã tiêu diệt được khoảng 500 lính Kiev, đài RT đưa tin.
Bộ này cho biết lực lượng không quân Nga đã sử dụng vũ khí chính xác để tấn công các phân xưởng của nhà máy, loại nhiều lính Ukraine khỏi vòng chiến đấu, phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện quân sự của Kiev.
Phía Ukraine xác nhận có các vụ tấn công trên, cho biết thêm rằng những vụ không kích này đã gây ra thiệt hại lớn cho cho cơ sở hạ tầng cảng, mạng lưới điện, các khí tài quân sự.
. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố phía Ukraine đã tổn thất 60% binh sĩ trong các cuộc giao tranh tại Luhansk những ngày qua, theo RT.
. Đại tá Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Quản lý Quốc phòng Nga, ngày 22-3 cho biết các kỹ sư rà phá bom mìn của các lực lượng vũ trang Nga và Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga đã rà phá hơn 800 vật nổ trên lãnh thổ Luhansk và Donetsk, hãng thông tấn TASS đưa tin.
. Ông Mizintsev nói thêm rằng phía Moscow đã chuyển hơn 183 tấn viện trợ nhân đạo đến tay người dân Luhansk và Donetsk trong ngày qua. Vị tướng cho biết các cơ quan hành pháp liên bang cùng với các tổ chức cộng đồng trên khắp nước Nga tiếp tục tích lũy viện trợ nhân đạo. Hơn 38.500 tấn viện trợ nhân đạo hiện đã sẵn sàng chuyển đi.
Châu Âu cần sẵn sàng cho viễn cảnh Nga cắt toàn bộ khí đốt
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol đã cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) nên chuẩn bị cho khả năng Nga ngừng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu vào mùa đông này. Theo RT, ông kêu gọi các thành viên EU nỗ lực giảm nhu cầu và duy trì hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân, nhằm chuẩn bị đối phó với kịch bản này.
Theo ông, các biện pháp khẩn cấp được các nước châu Âu gần đây thực hiện để giảm nhu cầu khí đốt, chẳng hạn tái khởi động các nhà máy nhiệt điện than, chỉ là các giải pháp tạm thời và và giúp giữ đủ nguồn cung khí đốt cho mùa đông sắp tới.
“Châu Âu nên sẵn sàng trong trường hợp khí đốt của Nga bị cắt hoàn toàn. Càng gần đến mùa đông, chúng ta càng hiểu rõ ý định của Nga hơn” - ông nói.
Thủ tướng Anh: Nga sẽ chậm đà tiến trong thời gian tới do thiếu nguồn lực
Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, cơ quan tình báo quốc phòng Anh tin rằng động lực của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine sẽ chậm lại trong vài tháng tới khi quân đội của họ cạn kiệt nguồn lực, hãng Reuters đưa tin.
Ngày 22-6, tờ Sueddeutsche Zeitung của Đức dẫn lời ông Johnson rằng các lực lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tiến công ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine, song phải trả giá đắt về binh lính và vũ khí.
“Cơ quan tình báo quốc phòng của chúng tôi tin rằng trong vài tháng tới, Nga có thể đến thời điểm không còn động lực tiến lên nữa vì nước này đã cạn kiệt nguồn lực. Vì vậy, chúng ta phải giúp Ukraine đảo ngược tình thế. Tôi sẽ thảo luận điều này tại hội nghị thượng đỉnh G7 (dự kiến diễn ra ở Đức vào cuối tuần này)" - ông nói.
Nhà lãnh đạo nhấn mạnh phương Tây cần viện trợ vũ khí cho Ukraine trong trường hợp Kiev phản công quân Nga.
Lithuania sẵn sàng mở rộng hạn chế với các chuyến hàng đến Kaliningrad
Trao đổi với Reuters, Tổng thống Lithuania - ông Gitanas Nauseda cho biết Vilnius sẵn sàng mở rộng danh sách hàng hóa bị cấm vận chuyển tới Kaliningrad - lãnh thổ hải ngoại của Nga - nếu EU đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow. Lithuania cũng sẵn sàng đối mặt với bất kỳ biện pháp trả đũa tiềm năng nào mà Nga có thể đưa ra, ông nhấn mạnh.
“Chúng tôi đã sẵn sàng và đã chuẩn bị cho những hành động không thân thiện từ Nga, chẳng hạn như loại Lithuania khỏi lưới điện BRELL (Belarus-Nga-Estonia-Latvia-Lithuania) hoặc các hệ thống khác” - ông tuyên bố.
Trước đó, Vilnius đã cấm các chuyến xe chở các mặt hàng bị trừng phạt đến Kaliningrad. Moscow ngày 21-6 cảnh báo “hậu quả khó lường” nếu Lithuania tiếp tục mở rộng lệnh cấm.
Trước tuyên bố của Nga, phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Hebestreit ngày 22-6 cho biết Berlin kịch liệt bác bỏ những lời đe dọa của Nga liên quan đến lệnh cấm vận chuyển hàng hóa của Vilnius. “Đức kêu gọi Nga không thực hiện bất kỳ hành vi nào vi phạm luật pháp quốc tế” - ông nhấn mạnh.
Nga nói phương Tây tung tin giả về nguyên nhân khủng hoảng lương thực thế giới
Ngày 22-6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng phương Tây đang tung tin giả về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Theo đó, Moscow cho rằng nguyên nhân thật sự là do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và EU áp đặt đối với Nga liên quan chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine, theo Reuters.
Bà Zakharova nói rằng cảm thấy thất vọng trước những tuyên bố lặp đi lặp lại của phương Tây rằng Nga là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. “Đó là một lời nói dối. Những lời buộc tội như vậy là hoàn toàn dối trá” - vị phát ngôn viên nhấn mạnh.
Bà Zakharova nói rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã đẩy thị trường nông sản thế giới đến bờ vực sụp đổ bằng cách phá vỡ hệ thống thanh toán, vận chuyển, bảo hiểm, vốn đã ngăn cản nhiều hoạt động xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga.
“Thật phi lý. Một mặt EU nói rằng mối đe dọa đối với an ninh lương thực toàn cầu đang được hình thành, mặt khác họ lại chặn các tuyến đường vận chuyển hàng hóa đến chính lục địa của họ” - bà nói.