Nông nghiệp cõng hơn 1.000 loại phí, lệ phí

“Một quả trứng đếm ra đếm vào 14 lần để thu phí, trời đất ơi làm ăn như thế!” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải thốt lên như vậy tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 8-10 khi cho ý kiến về dự án Luật phí và lệ phí.

“Phí đè thế sao nông nghiệp tiến lên được!”

Trình bày về dự án Luật phí và lệ phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Lúc đầu danh mục theo dự thảo có 73 khoản phí và 42 khoản lệ phí. Qua quá trình thảo luận tiếp thu xuống còn 48 khoản phí,  33 khoản lệ phí. “Theo ông Dũng, riêng trong lĩnh vực nông nghiệp hiện có đến 90 lệ phí và 937 khoản phí, lớn nhất là thú y”.”

Ông Dũng cho biết sau khi tiến hành rà soát từ đầu năm đến nay, trong lĩnh vực thú y chỉ còn 18 khoản lệ phí và 550 khoản phí về thú y, dù đã giảm đi rồi nhưng vẫn còn lớn. Ngoài thú y, hiện ngành nông nghiệp còn nhiều loại phí như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm 16 khoản phí; quản lý chất lượng nuôi trồng thủy sản 183 khoản phí; chăn nuôi 16 khoản lệ phí; giống cây trồng 15 khoản phí…

Cho ý kiến về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Hàng ngàn loại phí nông nghiệp như thế, mà lại thu tùy tiện. Các anh nhớ hôm chất vấn bộ trưởng Bộ NN&PTNT không? Bỏ hoặc bớt thế nào đó phải rõ ràng, ngay lập tức. Bộ trưởng nông nghiệp bảo nhiều loại phí không cần thiết và sẽ phối hợp bộ trưởng tài chính trong vòng 45 ngày bỏ. Tôi bảo bỏ ngay chứ việc gì phải chờ 45 ngày. Rồi bộ trưởng nông nghiệp lại bảo bộ trưởng tài chính cho phát ngay thông báo bỏ. Đưa vào không chắc chắn, đưa ra cũng không chắc chắn, nông nghiệp thế làm sao tiến lên được. Một quả trứng đếm ra đếm vào 14 lần để thu phí, trời đất ơi làm ăn như thế!” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông Hùng cũng đề cập đến sự phiền hà, phức tạp do quá trình nộp phí, lệ phí hiện nay đối với người dân và doanh nghiệp. “Ví dụ ngay phí qua trạm thu phí, cải cách lên, cải cách xuống, cải cách đi cải cách lại mà vẫn còn phiền hà. Đấy là thu tiền cho đi ngay mà còn phiền hà như vậy, còn đây chắc dân sẽ rất vất vả. Thế có khổ dân không? Cái này vô cùng rắc rối, ảnh hưởng toàn dân, Quốc hội đã phát biểu thế mà các anh tiếp thu thế này thì hơi đơn giản…” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Rất nhiều bất hợp lý hiện nay trong thu phí, lệ phí ở ngành nông nghiệp. Ảnh: TRẦN VIỆT

Không thể đếm trứng… ăn tiền

Chủ tịch Quốc hội đề nghị danh mục phí và lệ phí phải được quy định cụ thể, rõ ràng trong luật. Nếu chưa có danh mục các loại để Quốc hội thông qua thì sẽ không thông qua luật. “Hiến pháp nói rồi, Quốc hội mới được quyết định thu tiền của dân. Tất cả danh mục này phải đưa vào luật. Quốc hội quản lý các danh mục đó, cho thu hay không cho thu, đó là thẩm quyền của Quốc hội. Quốc hội có thể phân quyền, phân cấp cho Chính phủ, HĐND thực hiện mức thu. Ngoài Quốc hội, không có cơ quan nào được đẻ thêm bất cứ một khoản thu nào” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đề nghị về thủ tục hành chính thu nộp phí phải thực hiện theo hướng đơn giản tinh gọn, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Trước nhiều ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng hứa sẽ “tiếp thu nghiêm túc và tiến hành rà soát lại”. Ông Dũng cũng cho hay: “Có nhiều việc chúng ta làm rất buồn cười. Thông tư 04-2012 quy định phí theo quả trứng. Khi điều hành, các đơn vị kiểm định đếm trứng ăn tiền. Trâu, bò, heo, gà cũng đếm con thay vì phải chọn mẫu”. Theo ông Dũng, tới đây phải quy định lại, không làm thế được. “Một triệu quả trứng nhưng kiểm định mẫu 10 quả thì chỉ thu phí với 10 quả ấy thôi, một đàn trâu hàng trăm con khi kiểm định mẫu một con thì thu phí chỉ với con ấy thôi. Để sản xuất hàng hóa lớn, theo cơ chế thị trường thì phải làm từ gốc, từ nơi sản xuất chứ không phải đưa ra thị trường mới kiểm định” - ông Dũng nói.

Liên quan đến danh mục phí và lệ phí, ông Dũng cho biết sẽ từng bước đưa vào danh mục này vào luật, còn mức phí sẽ do Chính phủ quy định.

Chính phủ cần có quyết định sớm về phí xe máy

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng cần phải xem đợt xây dựng danh mục phí và lệ phí lần này như là đợt tổng rà soát, cắt bỏ cái thừa thãi ảnh hưởng đến đời sống sản xuất. Cải cách được cái này sẽ cải cách được bộ máy, hành chính quốc gia. “Như phí sử dụng đường bộ với xe máy, có tác động lớn đến dư luận xã hội. Tôi tiếp xúc cử tri lần nào họ cũng nói vì ông nghiêm túc chấp hành cũng như ông không đóng, chả có chế tài gì. Giờ câu chuyện có địa phương thu và không thu, thậm chí có sự so bì. Đề nghị đơn vị liên quan sớm trình Chính phủ để có quyết định sớm, vì để lâu bà con tâm tư và cán bộ thu cũng rất khó khăn” - ông Giàu nói.

Ưu tiên xử lý nợ đọng

Chiều qua (10-8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, cơ quan thẩm tra - Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã đề nghị phải ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước theo thứ tự sau: Ưu tiên đầu tiên là xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng trong xây dựng cơ bản và thu hồi vốn đã ứng trước. Ưu tiên thứ hai là bố trí vốn hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong những ngành, lĩnh vực có dự án PPP. Bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA. Ưu tiên thứ ba là bố trí vốn cho những dự án hoàn thành trước ngày 31-12-2014, có đầy đủ thủ tục đầu tư nhưng còn thiếu vốn và các dự án của giai đoạn 2011-2015 còn dở dang chuyển sang giai đoạn 2016-2020 để phát huy hiệu quả đầu tư, không gây lãng phí. Ưu tiên thứ tư: Bố trí vốn cho các dự án khởi công mới có đủ thủ tục đầu tư và cân đối được nguồn vốn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới