Chiều nay (15-11) Bộ NN&PTNT, báo Nông Thôn Ngày Nay đã tổ chức hội thảo về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với Việt Nam. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT trong giai đoạn từ 2016 đến 2020, nguồn kinh phí cần để khắc phục những hậu quả do Elnino gây ra là hơn 25.000 tỉ đồng.
Ngay trong năm nay sẽ cần hơn 3.700 tỉ đồng để hỗ trợ giống khôi phục sản xuất, cung cấp thiết bị lọc nước, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt và nâng cấp công trình phòng chống hạn, mặn cấp bách.
Tại cuộc hội thảo này, TS Trần Đại Nghĩa, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho biết từ cuối năm 2014 đến 2016, tác động của hiện tượng thời tiết Elnino, 18 tỉnh, thành tuyên bố tình trạng thiên tai cụ thể là ĐBSCL, Tây Nguyên, Nam Bộ đang phải hứng chịu tình trạng hạn hán, xâm thực mặn, môi trường trên diện rộng ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 2 triệu người dân và thiệt hại hàng trăm ngàn ha lúa. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 15.000 tỉ đồng.
Sự cố môi trường biển miền Trung vừa qua đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất của ngành nông nghiệp. Ảnh: Đ. LAM
Theo TS Nghĩa, đừng nhìn BĐKH với cái nhìn quá tiêu cực mà nên thấy BĐKH có thể là cơ hội, tìm cách thích ứng với nó thông qua thay đổi cơ cấu giống, mùa vụ để mang lại giá trị cao hơn. Chẳng hạn như diện tích đất bị nhiễm mặn ở ĐBSCL có thể không trồng được lúa nhưng có thể chuyển sang nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu cho việc phải chi trả thủy lợi phí đối với khu vực nông nghiệp tập trung để họ hạch toán vào giá cả sản xuất để nông dân và doanh nghiệp sử dụng nước tiết kiệm hơn, tránh lãng phí như hiện nay.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, liên quan đến việc ngành nông nghiệp tăng trưởng âm trong sáu tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: “Năm nay nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đầu năm thì rét hại, băng tuyết. Tiếp đó, chúng ta lại gặp trường hợp sự cố môi trường chưa từng có ảnh hưởng đến bốn tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế làm cho sản xuất nông nghiệp rất là khó khăn.
Trong khi đó tại phía Nam thì nhiễm mặn, khô hạn, còn mùa lũ đến rất là muộn, lượng nước thấp cộng với tác động toàn diện của biến đổi khí hậu đã làm cho nông nghiệp của chúng ta rất thiệt hại. Riêng ở ĐBSCL, riêng về lúa thiệt hại khoảng 1,3 triệu tấn, vì thế mà sáu tháng đầu năm nông nghiệp đã tăng trưởng âm 0,18%, đến chín tháng thì tăng lên khoảng 0,65%”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn: "BĐKH, hạn hán và sự cố môi trường biển miền Trung ảnh hưởng đến nền kinh tế chung của cả nước". Ảnh: Đ.TRUNG
Nhận định về tình hình tăng trưởng ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Tuấn thông tin: “Khả năng tăng trưởng ngành nông nghiệp năm nay có thể chỉ đạt ngưỡng tối thiểu 1,2%. Con số này vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra nhiều, điều này ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như ảnh hưởng đến một bộ phận đời sống của người dân khó khăn".
Thời gian này, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các đơn vị tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm đang có nhiều lợi thế như rau quả, thủy sản, chăn nuôi… những lĩnh vực trọng tâm này giữ được tăng trưởng sẽ đảm bảo tăng trưởng của cả ngành, bù vào sự giảm sút của các mặt hàng như lúa gạo do bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, hạn hán thiên tai xảy ra từ đầu năm 2016 đến nay” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định.