Trong thời gian học, ông hoàn thành các yêu cầu và đến tháng 9-2012, ông bảo vệ luận văn tốt nghiệp với kết quả khá cao. Theo yêu cầu của trường, ông cần nộp chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC 500 để được cấp bằng thạc sĩ. Tuy nhiên, tại thời điểm đó vì tính chất công việc và sức khỏe không đảm bảo nên ông nộp đơn xin trường cho chậm nộp chứng chỉ này. Đầu năm 2015, ông nộp chứng chỉ thì nhà trường ra văn bản không cấp bằng thạc sĩ cho ông khiến ông rất bức xúc.
Giải đáp thắc mắc của ông T., báo Pháp Luật TP.HCMđã liên hệ với Trường ĐH Công nghệ thông tin. Theo đại diện trường, quy chế tạm thời về trình độ ngoại ngữ đầu ra của ĐHQG quy định tại Điều 3 Quyết định số 129/Qđ-Đhqg-Đh&Sđh: Đối với các khóa tuyển sinh đợt 2-2009 trở về sau, học viên cao học được công nhận đạt trình độ ngoại ngữ đầu ra có một trong những chứng chỉ do tổ chức khảo thí hoặc đào tạo có thẩm quyền hoặc ủy quyền còn thời hạn hai năm tính từ ngày cấp chứng chỉ đến ngày nộp hồ sơ tốt nghiệp và đạt tối thiểu các chứng chỉ như sau: Đối với ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Anh phải đạt TOEFL ITP 450; TOEFL iBT 45; IELTS 5.0 và TOEIC 500.
Ông T. là học viên cao học khóa 4, có quyết định trúng tuyển vào tháng 10-2009 (đợt 2 năm 2009). Theo quy định, thời gian đào tạo chính thức là hai năm và thời gian tối đa được phép là bốn năm, đến tháng 10-2013 là đã hết thời hạn nhưng ông vẫn chưa nộp được chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn yêu cầu.
Tháng 12-2013, ông T. làm đơn xin gia hạn. Trường đã trình ĐHQG xem xét và cho phép ông kéo dài thời gian nộp chứng chỉ đến tháng 4-2014. Tuy nhiên, quá thời gian trên ông T. vẫn chưa bổ sung được chứng chỉ nên tháng 9-2014, trường ra quyết định thôi học.
Ngày 22-1-2015, ông T. mới nộp chứng chỉ ngoại ngữ, trễ chín tháng so với hạn cho phép. Trường đã làm công văn trình ĐHQG xem xét nhưng trong công văn trả lời ĐHQG không chấp thuận.