Nộp phạt giao thông trực tuyến tạo môi trường liêm chính

Chiều 13-3, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến công bố dịch vụ công (DVC) tích hợp và sơ kết ba tháng vận hành cổng DVC quốc gia, ra mắt hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành và gần 1.700 đại biểu đại diện 63 địa phương. Thủ tướng chủ trì hội nghị.

“Cái gì có lợi cho dân, doanh nghiệp thì phải thực hiện”

Tại hội nghị, các đại biểu đã xem trải nghiệm của người dùng trên cổng DVC quốc gia đối với năm dịch vụ gồm: Nộp tiền xử phạt giao thông đường bộ; nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; nộp thuế cá nhân, thuế doanh nghiệp (DN); hủy và khai bổ sung tờ khai hải quan.

Đây là những dịch vụ được thí điểm thực hiện tại năm địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Thuận từ chiều 13-3.

Thủ tướng biểu dương một số bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực áp dụng công nghệ thông tin, chủ động đưa 11 DVC thực hiện trực tuyến trên cổng DVC quốc gia. Điều này góp phần tiết kiệm thời gian, kinh phí cho người dân và ngân sách nhà nước.

Dẫn con số 4 triệu trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và khoảng 400.000 giao dịch nộp lệ phí trước bạ… mỗi năm, Thủ tướng cho rằng việc điện tử hóa qua hệ thống cổng DVC quốc gia sẽ tiết kiệm thời gian, vật chất, kinh phí rất lớn.

82.000 tài khoản đăng ký, hơn 2,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và 23,2 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ trên cổng DVC quốc gia. Số liệu này được cập nhật đến trưa 11-3. 

Song song đó, cách làm này cũng góp phần chống tham nhũng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng nhìn nhận trong lĩnh vực xử phạt, CSGT, thuế, hải quan mang tiếng nhiều nên khi không gặp người nộp phạt, không gặp người nộp thuế thì rất thuận lợi, tạo môi trường liêm chính.

Thủ tướng chỉ đạo bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc các địa phương để kết nối, tích hợp thêm các dịch vụ trên cổng DVC quốc gia, chú trọng vào các dịch vụ mà người dân, DN quan tâm. Các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương phải thúc đẩy điện tử hóa một bước với quan điểm “cái gì có lợi cho dân, DN thì phải thực hiện”.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo bí mật đời tư của người sử dụng dịch vụ, tránh lộ lọt thông tin, giải quyết đúng tiến độ, chất lượng, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi nhất cho người dân, DN.

Các đại biểu đang xem trải nghiệm của người dùng trên cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: ĐỨC MINH

Nộp phạt qua mạng trên toàn quốc trước 30-6

Thủ tướng yêu cầu các bộ Công an, Tài chính, GTVT tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện, triển khai trên toàn quốc các dịch vụ nộp tiền xử phạt giao thông đường bộ, lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, kê khai thu thuế DN trước ngày 30-6 tới.

Trong quá trình thực hiện phải rà soát, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, không hợp lý. Bộ TT&TT sớm triển khai hệ thống giám sát về chính phủ điện tử để cung cấp, đo lường mức độ sử dụng DVC trực tuyến. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chuẩn hóa thông tin dữ liệu thủ tục hành chính, hồ sơ trên hệ thống một cửa điện tử, đảm bảo công khai, minh bạch.

Các bộ, ngành đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế..., góp phần thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo triển khai chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử.

11 dịch vụ công trực tuyến

Sau ba tháng khai trương cổng DVC quốc gia, đến nay các bộ Công an, Tài chính, LĐ-TB&XH, Tư pháp và 58 địa phương đã tích hợp, đưa 11 DVC trực tuyến lên cổng DVC quốc gia.

Các dịch vụ được tích hợp gồm nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông (thí điểm tại năm địa phương); nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy (thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM); nộp thuế cá nhân, DN, môn bài.

Cổng dịch vụ cũng thực hiện trực tuyến gồm hủy, bổ sung tờ khai hải quan, đăng ký cung ứng lao động, hợp đồng lao động, đăng ký mã số đơn vị quan hệ ngân sách, đăng ký khai sinh (tại 45 tỉnh, thành phố) và cấp phiếu lý lịch tư pháp (tại 58 tỉnh, thành phố).

Có 14/22 bộ, ngành, 63/63 địa phương đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ tra cứu, giám sát, đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính của người dân, DN. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm