Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Trần Văn Dũng đã lý giải về quy định người bị kết án tử hình nếu chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất một phần hai số tiền, tài sản do phạm tội mà có sẽ được giảm án xuống chung thân (khoản 3 Điều 38 dự thảo BLHS sửa đổi).
Ông Dũng nói: “Chúng ta cần đặt quy định này trong xu thế chung của cải cách tư pháp là giảm hình phạt tử hình và hình phạt tù. Mặt khác, qua 14 năm tổng kết thi hành BLHS, đối với án tham nhũng, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp, chỉ hơn 10%. BLHS của Trung Quốc đã áp dụng vấn đề này. Chúng tôi cho rằng bài học chống tham nhũng của Trung Quốc là cái chúng ta có thể nghiên cứu, học tập. Chúng ta đứng trước bài toán cần thu lại khoản tiền do tham nhũng mà có, nếu cứ thực hiện như hiện nay thì chúng ta sẽ không thu được đồng nào mà vẫn tiếp tục phải thi hành án tử hình một con người. Chúng tôi mong muốn được báo chí và xã hội chia sẻ theo tinh thần này chứ chúng tôi không đặt vấn đề người không có tiền phải thi hành án tử hình, người có tiền thì thoát. Còn tinh thần là không có chuyện án ma túy nộp tiền vào là thoát án tử hình”.
Theo ông Dũng, “Bộ Tư pháp hết sức lắng nghe, mong muốn cùng trao đi đổi lại để cân nhắc các phương án, để làm sao có được những quy định phù hợp nhất trong BLHS sửa đổi”.
Ông Dũng cũng cho biết trong quá trình xây dựng BLHS sửa đổi, có ý kiến đề xuất bổ sung hình phạt chung thân không giảm án như là bước đệm trong một số trường hợp có xu hướng bỏ hình phạt tử hình. Tổ biên tập đang đưa ra nhiều phương án khác nhau, trong đó có phương án bổ sung thêm hình phạt chung thân không giảm án. Phương án khác là không quy định thành hình phạt độc lập nhưng loại bớt một số trường hợp cho tù chung thân giảm xuống tù có thời hạn. “Chúng tôi đánh giá phương án sau tối ưu hơn phương án đầu. Chúng tôi sẽ trình xin ý kiến ban soạn thảo và báo cáo Chính phủ, nếu được thống nhất cao thì sẽ trình xin ý kiến Quốc hội” - ông Dũng cho hay.
Sửa luật để bồi thường oan nhanh hơn Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Bốn (Quyền Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước) thừa nhận việc bồi thường oan thời gian qua diễn ra chậm có phần do những quy định chưa phù hợp trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. “Có những cái đặt cho người bị làm oan phải chứng minh thiệt hại là vấn đề. Chúng tôi rất chia sẻ nhưng luật hiện hành quy định như vậy thì không thể làm khác. Nếu cơ quan nhà nước làm không đúng luật thì cũng không lấy được tiền bồi thường cho người bị thiệt hại”. Theo ông Bốn, dự kiến cuối tháng 9, Bộ Tư pháp sẽ tổng kết năm năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để đánh giá toàn diện quá trình thi hành, đề xuất Quốc hội sửa đổi cơ bản luật này nhằm khắc phục các bất cập trên. |