NSND Thu Hiền và ký ức về buổi biểu diễn đáng nhớ thời đạn bom

Nhắc đến dòng nhạc trữ tình cách mạng mang âm hưởng dân ca không thể không nhắc đến NSND Thu Hiền. Tên tuổi của bà gắn liền với những ca khúc cách mạng, trữ tình, dân ca như: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Người ơi người ở đừng về, Tình ta biển bạc đồng xanh, Quảng Bình quê ta ơi

NSND Thu Hiền trong chương trình Dấu ấn huyền thoại. Ảnh: ĐIỀN QUÂN.

Hơn 60 năm gắn bó với dòng nhạc cách mạng, trữ tình

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống âm nhạc có mẹ hát chèo, ông bà hát tuồng, NSND Thu Hiền bắt đầu sự nghiệp ca hát từ lúc lên 10 tuổi. Bà đã lớn lên cùng những năm tháng chiến đấu anh dũng của đất nước và dành hơn 60 năm cống hiến cho nghệ thuật.

NSND Thu Hiền chia sẻ:“Năm 1962 tôi rời quê, các đoàn văn công có tuyển các em bé vào trước tiên làm về nghệ thuật. Các em nào có năng khiếu về nghệ thuật thì sẽ cho về các bộ môn mình giỏi và sẽ đào tạo như thế. Sau bốn năm thì chi viện cho chiến trường miền Nam. Đó là những người lính rất trẻ thì tôi được tham gia trong đội quân đấy và đó là điểm xuất phát đầu tiên của tôi với ca hát.

Sau 4 năm học ca kịch tôi tốt nghiệp năm 1966. Sang năm 1967, tôi được tham gia trau dồi kiến thức và được vào Quân khu 4 (hồi đó gọi là tuyến lửa). Sau đó, tôi vào mặt trận Bình Trị Thiên khi mới tròn 15 tuổi”.

NSND Thu Hiền và ký ức về buổi biểu diễn đáng nhớ thời đạn bom ảnh 2

Khán giả nhớ về NSND Thu Hiền qua những ca khúc cách mạng, dân ca. Ảnh: ĐIỀN QUÂN.

Nói về lý do gắn bó với sự nghiệp ca hát, NSND Thu Hiền cho biết: “Không chỉ riêng tôi mà thế hệ các anh chị đi trước là động lực để tôi đến với nghề. Thời đó, cả nước ai cũng chuẩn bị sẵn tư tưởng lên đường kháng chiến. Tôi hiểu được sự hy sinh của đồng bào miền Nam như thế nào. Tôi lên đường cứu nước là tự nguyện và lý tưởng của cả một thế hệ lúc bấy giờ đều như thế.

Tôi khác mọi người ở chỗ, các anh chị đa số chọn làm y tá, bác sĩ nhưng tôi lại chọn nghệ thuật là vũ khí chiến đấu. Tôi mang tiếng hát của mình để phục vụ quân, dân. Ngoài việc ca hát trong chiến trường, tôi cũng đi gặt, làm y tá, cứu thương…”.

Giọng hát gắn liền với các cột mốc lịch sử của dân tộc

Những năm tháng của tuổi trẻ, NSND Thu Hiền đã theo bộ đội đi khắp từ miền Bắc vào tới miền Trung để tiếng hát cất cao trên mọi nẻo đường hay những chiến trường ác liệt và ghi dấu trong những thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước.

NSND Thu Hiền nhớ về buổi biểu diễn đặc biệt của mình tại chiến trường Quảng Trị. Ảnh: ĐIỀN QUÂN.

Năm 1967-1968, NSND Thu Hiền cùng đoàn quân khu Tây Bắc biểu diễn phục vụ động viên tinh thần chiến đấu chống Mỹ của quân và dân tuyến lửa miền Trung. Năm 1972, bà cùng đoàn văn công Tây Nguyên vào giải phóng Quảng Trị. Đến năm 1975, bà tiếp tục cùng đoàn ca nhạc dân tộc trung ương theo bước chân thần tốc vào giải phóng Thành phố Huế.

Chia sẻ về những buổi biểu diễn đáng nhớ trước các chiến sĩ, NSND Thu Hiền nhớ lại: “Tôi nhớ mình vào Quảng Trị năm 1972, hát bài “Trông cây lại nhớ đến Người” “Người ơi người ở đừng về”.Tôi được lệnh sang bên này sông Thạch Hãn để hát sang bên kia thành cổ. Lúc đó tôi nghĩ loa bên mình thì bé, sông thì rộng, tôi bảo hát thế này thì làm sao sang được bên kia. Tuy nhiên lúc tôi hát bằng cái loa bóp, hát được một câu thì quên bóp mà bóp thì lại quên hát, đồng chí chính trị viên phía sau cầm một chiếc gậy rất dài vụt vào sau lưng tôi để nhắc. Sau khi hết bài hát thì lưng tôi cũng đỏ cả lên, lúc đó tôi tức quá mới bảo không hát nữa. Đó là kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi”.

Hiện tại, NSND Thu Hiền ít đi hát hơn, chủ yếu dành thời gian để giảng dạy thanh nhạc. Nữ nghệ sĩ bộc bạch: “Tôi đi diễn là để cho đỡ nhớ nghề thôi, vì tôi yêu hát lắm. Khi được thỏa nỗi nhớ nghề ấy, tôi lại trở về với các bạn trẻ, đem ngọn lửa nhiệt huyết của nghề truyền cho thế hệ trẻ”.

Trên sân khấu Dấu ấn huyền thoại NSND Thu Hiền thể hiện những ca khúc gắn liền với tên tuổi của mình. Ảnh: ĐIỀN QUÂN.

Bên cạnh đó, NSND Thu Hiền cũng chia sẻ về trăn trở của mình với nghệ thuật: "Nghệ thuật là một món ăn tinh thần hiệu quả. Mỗi người một sở thích riêng nên bất kể hướng đi âm nhạc của các bạn trẻ ra sao, tôi luôn khuyến khích. Tôi thấy âm nhạc của thế hệ trẻ bây giờ rất độc đáo, hiện đại và mới mẻ, kể cả có hát nhạc dân tộc thì vẫn sáng tạo một phong cách rất mới”.

 Tiếng hát của NSND Thu Hiền là liều thuốc chữa lành vết thương. Nguồn: Youtube.

Trong chương trình Dấu ấn huyền thoại, NSND Thu Hiền cũng đã thể hiện những bài hát gắn liền với tên tuổi của mình như: Khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Quảng Bình quê ta ơi, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Tình ta biển bạc đồng xanh,…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm