Nữ chủ nhà trọ cho công nhân nợ vô thời hạn

Khu trọ vốn của bà Hai - mẹ chị Thư, tuổi đã cao nên bà để cho con gái quản lý. Nhiều mối tình đẹp cũng nên duyên từ khu trọ này. Công nhân thuê trọ xem bà Hai và vợ chồng chị Thư như người thân trong nhà, bao năm nay vẫn thế.

Không để công nhân thiếu thốn

Trong mùa dịch, chị Thư vừa đăng ký thực phẩm vừa xin hỗ trợ của mạnh thường quân để công nhân không thiếu thốn. Đến nay có phòng vẫn còn dư gạo, mì tôm. Công nhân trong dãy trọ đều nhận được cả ba đợt hỗ trợ của TP theo đúng đối tượng. Có đợt chị xin được mấy trăm quả trứng vịt. Chị liền mượn xe ba gác để chở trứng và gạo vào khu trọ phát cho mọi người.

Dịch bệnh, công nhân không đi làm được, đi chợ cũng khó khăn nên mọi người rất lo. Cái gì là quyền lợi cho người dân thì mình làm để mọi người yên tâm ở nhà. Cũng chỉ hỗ trợ mọi người rau, gạo, một ít trứng chứ không cho nhiều thịt được vì đắt quá” - chị Thư nói.

Gia đình chị Huỳnh Thị Thư gói bánh tét cho trẻ em trong khu trọ. 
Ảnh: KHÁNH CHI

Chị đọc nhiều thông tin, nghe tư vấn của bác sĩ để có lời khuyên cho công nhân. Đặc biệt trong thời gian dịch bùng phát, nhiều công nhân F0 không dám đi cách ly vì sợ tốn tiền. Chị Thư đã giải thích rõ ràng mọi thắc mắc để công nhân yên tâm đi cách ly và chuẩn bị sẵn vitamin cho công nhân mang theo.

Chị kể lại: “Buổi chiều, đội y tế mặc đồ bảo hộ xanh đi vào dãy trọ. Từng công nhân đi ngang qua nhà tôi để lên xe đi vào khu cách ly, từng hàng người vẫy tay chào tạm biệt, thấy thương lắm”.

Vừa là chủ trọ, chị Thư vừa là tổ trưởng tổ dân phố. Thời gian đó, chị không dám tắt điện thoại vì lo sẽ có công nhân hỏi chuyện về dịch bệnh. Không chỉ giúp đỡ công nhân trong khu trọ mình, chị còn hỗ trợ các chủ trọ khác trong phường chăm lo đời sống người dân. Giữa trưa tranh thủ chợp mắt, tỉnh dậy đã thấy mấy chục tin nhắn trong nhóm của công nhân, khi thì hỏi về việc chăm sóc con nhỏ nhiễm bệnh, khi thì hỏi về hậu COVID-19…

Trong khu trọ có thai phụ sinh em bé, chị cũng vận động Đoàn thanh niên khu phố mua sữa cho trẻ sơ sinh, tặng sữa cho trẻ nhỏ. Trung thu năm nay, chị tặng quà cho những bé là F0, bé có người thân là F0 trong tổ dân phố.

“Mọi năm, tất cả bé đều được nhận quà nhưng năm nay, tôi ưu tiên những bé khó khăn hơn trước. Có bé gặp tôi lại hỏi “Sao con không có sữa, cô Thư?”, thấy thương nhưng lại không đủ điều kiện chăm lo hết cho các bé. Tôi cũng giải thích rồi hứa dịp khác sẽ có quà” - chị Thư tâm sự.

Công nhân không muốn rời đi

Dãy trọ chị Thư có 17 phòng, mỗi phòng có giá thuê 1,1 triệu đồng/tháng. Mấy tháng dịch, chị thông báo giảm 200.000-300.000 đồng/phòng nhưng không thu tiền. Chị tự trả tiền điện cho công nhân vì biết ai cũng khó khăn. Sau dịch, công nhân đi làm trở lại sẽ trả cho chị từ từ, có người trả 500.000 đồng, có người trả 1 triệu đồng.

Phòng trọ của chị Thư là kiểu phòng trọ cũ, không có gác lửng để tăng diện tích phòng. Dù vậy, công nhân vẫn muốn gắn bó lâu dài. Nhiều mối tình cũng nên duyên nhờ khu trọ này. Vợ chồng chị Lê Thị Ngọc Dung (34 tuổi) là một trong số đó. Có con nhỏ, vợ chồng chị xin phép bà Hai và chị Thư khoan tường để thông hai phòng trọ, tạo thành căn phòng rộng hơn.

Lo dịch bùng phát mạnh nên vợ chồng chị đã đưa con về quê tránh dịch. Ở quê, chị thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm hàng xóm trong khu trọ. Biết khu trọ có nhiều F0, chị liền nhường lại hai căn phòng để mọi người sang cách ly. Chị vui vì hiện tại khu trọ đã thành vùng xanh, mùa dịch không ai thiếu thốn thực phẩm, tiền hỗ trợ.

“Anh chị em trong khu trọ thân nhau như người một nhà cũng là nhờ chủ khu trọ vui vẻ. Năm nào bà Hai và chị Thư cũng có quà tết cho mọi người, quà Trung thu cho tụi nhỏ. Có đám giỗ, bà Hai cũng chia đồ ăn cho. Tiền phòng thì không hối trả bao giờ. Vợ chồng tôi tránh dịch về quê chị Thư cũng không lấy tiền thuê nhà mà còn bớt, khi nào có thì từ từ trả. Lên TP làm ăn, gặp người tốt như vậy nên ấm lòng lắm. Công nhân nào cũng muốn ở lâu, chỉ có ai mua được nhà mới đi” - chị Dung kể.

Sau dịch, chị Thư tới nhà người dân thu các khoản như phòng chống lụt bão, biển đảo, vì trẻ em. Chị nhắn tin báo từ trước, thấy chị đến, người dân đã chuẩn bị sẵn tiền để nộp. Chị Thư kể: “Trước đó thu mấy khoản này khó lắm. Nhưng dịch xong, ai cũng nộp rất nhanh. Họ hiểu Nhà nước đã chăm lo cho người dân trong dịch thì người dân cũng phải thực hiện nghĩa vụ”.

Sắp đến tết, chị Thư lại chuẩn bị mua cặp và sách vở cho trẻ nhỏ trong tổ dân phố. Mọi năm, chị sẽ tặng quà cho các em nhỏ vào đầu năm học. Năm nay, phần quà này được gộp vào quà tết. Thấy vậy, nhiều mạnh thường quân trong khu phố cũng chung tay, giúp có thêm nhiều phần quà gửi cho các em.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm