Tại khu vực tiếp nhận hồ sơ vi phạm giao thông của Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông (thuộc Phòng PC67, Công an TP.HCM), lúc nào cũng thấy Đại úy Phạm Thị Kim Tuyến “đầu bù tóc rối” với mớ biên bản, quyết định xử phạt.
Ngoài chuyện giải thích cho người vi phạm các quy định của luật, chị còn có cách nói cho người vi phạm phải tâm phục khẩu phục, đồng đội hay gọi chị là Tuyến “lúa”.
Say rượu đi đòi xe
Một ngày giữa tháng 8, dù gần 11 giờ trưa nhưng vẫn còn nhiều người vi phạm đến nhận quyết định xử phạt.
Anh T. (vi phạm lỗi chở quá tải) thắc mắc: “Em đâu có bàn giao xe cho ai đâu, em là chủ xe mà”. Chị Tuyến lý giải: Theo quy định, nếu anh vừa là chủ xe vừa là tài xế thì việc xử phạt sẽ đơn giản hơn, sẽ như thế này… Sau khi nghe giải thích, anh hiểu ra nên nhận quyết định đến kho bạc đóng phạt.
Chị cho hay hằng ngày tiếp xúc với không biết bao nhiêu người vi phạm, họ không hiểu luật hoặc cố tình không hiểu, thắc mắc, cự cãi bằng lời lẽ khiếm nhã nhưng mình phải biết kiềm chế và tỉnh táo, nếu không sự việc sẽ đi rất xa.
“Không ít lần thấy số tiền đóng phạt quá cao, người vi phạm đổ quạu: “Mấy anh chị làm khó tôi hả? Tự đưa ra mức phạt rồi đè dân ra lấy tiền hả?”. mình phải đưa ra quy định cho họ xem, lúc đó họ mới chịu” - chị kể.
Chị kể có hôm mới sáng sớm một thanh niên nồng nặc mùi rượu đến lè nhè đòi lại ô tô. Số là khuya hôm trước, anh này lái xe trong lúc say nên bị CSGT lập biên bản vi phạm. Sáng ra, chưa tỉnh rượu anh đã đến đòi trả xe, lớn tiếng: “Tôi hết nồng độ cồn rồi, hết mối nguy hại cho xã hội rồi, anh chị trả xe lại cho tôi đi”.
“Cũng có người hài hước: “Em gái tiếp dân dễ thương ghê, cho anh số điện thoại để làm quen đi em”. Cũng có người vừa thấy mình đã bước đến cười nói: “Ủa, lại gặp chị nữa hả?”, những chuyện nhỏ nhặt như vậy cũng giúp mình thư thả đầu óc, vui hơn với công việc” - chị nói.
Đại úy Phạm Thị Kim Tuyến, Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông. Ảnh: LÊ THOA
Đủ kiểu… xin xỏ
Ngoài chuyện người vi phạm mang bức xúc với CSGT nơi bắt lỗi vi phạm vào trút lên cán bộ tiếp nhận hồ sơ thì chuyện họ viện đủ lý do xin bỏ qua lỗi xảy ra như cơm bữa ở đây.
Chị kể có anh bị phạt lập biên bản vì lỗi chở quá tải, cãi ngoài đường không được, khi vào đây phân bua: “Chị không biết đâu, xe tôi bị hư nên đậu ở bên đường, vậy mà mấy ảnh tới lập biên bản quá tải, chị giải quyết cho tôi đi”.
Chị hỏi lại: “Xe hư thì làm sao mà anh chạy tới trạm cân được. Mà xe hư, anh có đặt báo hiệu khi đậu xe không?”. Đuối lý, anh này mới chịu đi đóng phạt.
Có chủ xe năn nỉ: “Chị phạt tài xế thôi, nó lái ẩu chứ đâu phải tôi. Tôi chỉ cho thuê xe thôi mà…”.
Chị cho hay nhiều người đặt thẳng vấn đề tiền bạc: “Em ơi, mức phạt cao quá, bỏ qua anh chi cho…”. Có người còn kẹp tiền trong hồ sơ kèm lời gửi gắm: Bỏ bớt lỗi. “Mình gọi họ đến lấy tiền đã “lỡ” kẹp vừa tế nhị vừa kiên quyết, kèm chuyện giải thích luật cho họ để lần sau họ không vi phạm nữa” - chị nói.
Không để người vi phạm đi lại nhiều lần Thường với mỗi hồ sơ vi phạm, người dân phải đi lại ít nhất ba lần mới hoàn thành việc đóng phạt. Nhiều người không biết, khi nghe CSGT hướng dẫn lại cho rằng CSGT hành dân. Trên thực tế có trường hợp người vi phạm quên mang theo giấy tờ xe, chị Tuyến linh động cho họ nhờ người nhà chụp ảnh giấy tờ xe gửi qua mạng Zalo, Facebook để CSGT in ra đối chiếu. Hoặc nhiều người ở xa không có Internet thì có thể tạm thời cung cấp số CMND, ngày cấp, tên, tuổi… để làm hồ sơ. Hôm sau lên đóng phạt thì có thể mang lên bổ sung. |