Sau 20 năm làm quản lý nhân sự cho nhiều tập đoàn lớn, tôi thấy có rất nhiều người không tìm thấy niềm vui trong công việc. Theo tôi, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho năng suất lao động của người Việt mình thua xa các nước trong khu vực” - ông Hưng nhận định.
Hằng ngày, trên đường đi làm, tôi thấy đường phố ngày càng thiếu vắng nụ cười, chỉ thấy nhiều vẻ mặt đăm chiêu, nhiều ánh nhìn cau có. Mỗi khi có kẹt xe, va quẹt là người ta lại sửng cồ, trợn mắt, chỉ muốn nện nhau…
Một ngày cuối tuần, đi ngang qua khu nhà trọ gần nhà, tôi bỗng nghe rộn tiếng cười. Họ đang tổ chức liên hoan. Đó là một bữa tiệc nhỏ, mỗi gia đình góp vài trăm ngàn đồng để nấu ăn chung. Buổi tiệc khởi nguồn từ mong muốn của một anh công nhân lớn tuổi nhằm giúp mọi người gắn kết với nhau. Bữa tiệc nhỏ, không ngờ mang lại nhiều niềm vui, giúp họ trút bỏ bao ưu phiền, mệt nhọc. Nhất là những đứa trẻ, chúng được dịp nô đùa thỏa thích.
Câu chuyện về niềm vui bất ngờ trong khu nhà trọ từ bữa tiệc nhỏ làm tôi nghĩ nhiều về nguồn gốc của nụ cười. Lâu nay, chúng ta cứ đinh ninh nụ cười là sản phẩm của hạnh phúc, có hạnh phúc mới có nụ cười.
Tôi cũng có một thời gian dài sống theo lối tư duy như thế, luôn cho rằng chuỗi quan hệ nhân-quả giữa hành vi và cảm xúc phải là: Thấy vui → mỉm cười, thấy sợ →bỏ chạy. Cuộc sống xô bồ nơi phố thị với quá nhiều chuyện tiêu cực gặp phải hằng ngày khiến tôi đánh mất nụ cười lúc nào không hay.
Thế nhưng khi đọc những quyển sách về học thuyết “Như thể” của William Jame (nhà triết học và tâm lý học người Mỹ), tôi thấy ông có tư duy ngược lại, khơi gợi những suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống. Jame cho rằng: Bạn cười vì bạn thấy hạnh phúc, bạn bỏ chạy vì bạn thấy sợ hãi.
Theo các nghiên cứu của Jame, một cảm xúc bất kỳ nào đó hoàn toàn là kết quả của việc chúng ta quan sát hành vi của chính mình. Nhìn ở góc độ này, con người không cười vì hạnh phúc mà cảm thấy hạnh phúc vì đang cười. Nỗi sợ hãi cũng vậy. Nói một cách hình tượng hơn: “Bạn không chạy trốn con gấu vì sợ nó mà bạn trở nên sợ hãi vì chạy trốn nó”.
Khái niệm “hành vi tạo ra cảm xúc” của Jame cho thấy con người hoàn toàn có khả năng tạo ra vui, buồn trong cuộc sống. Với quan điểm: Cuộc sống là cuộc chiến đấu giữa sự bi quan và lạc quan, Jame kịch liệt phản đối những suy nghĩ thiếu niềm tin vào cuộc sống.
Từ khi thay đổi tư duy theo hướng tích cực, tôi cảm thấy cuộc sống bớt nặng nề hơn. Mỗi khi gặp chuyện rắc rối, thay vì bày tỏ bực dọc chán chường, tôi tìm cách giải quyết chúng. Tôi nghĩ nếu không chủ động tìm lấy nụ cười, có thể thứ mình nhận về sẽ là nước mắt.