Ngoài ra, ngành du lịch cũng đang chuẩn bị các bước để tách Tổng cục Du lịch ra khỏi Bộ VH-TT&DL thành Bộ du lịch theo đề xuất của Chính phủ. Đó là điều tất yếu để ngành du lịch Việt Nam phát triển xứng tầm vóc và sự ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng, cùng các di sản văn hóa mà tiền nhân đã vun đắp và để lại cho chúng ta đã được UNESCO công nhận.
Việt Nam còn có biết bao danh thắng cùng bờ biển dài hơn ba ngàn cây số với những bãi cát trắng quanh năm phơi mình trong ánh nắng vàng. Biển xanh - cát trắng - nắng vàng là công thức ba chữ S (Sea, Sand, Sun - biển, cát, nắng) vốn rất hấp dẫn du khách - nhất là du khách phương Tây. Còn một chữ S thứ tư vốn trước đây được một vài quốc gia khai thác khá hiệu quả là Sex (tình dục). Nhưng ở Việt Nam, ta đã kiên quyết nói không với “công nghệ tình dục”, mà ta cần chữ S thứ tư khác là Smile - cười.
Nụ cười và tiếng cười trong giao tiếp làm ăn có thể làm nên sự nghiệp. Đối với ngành du lịch, chữ S này còn quan trọng gấp bội. Không chỉ đối với những nhân viên trong ngành du lịch mà cả những người kinh doanh, người thường tiếp xúc với du khách nên có những nụ cười trên môi để tạo sự thân thiện, kể cả mọi người dân. Vì vậy thiết nghĩ, ngay sau khi được thành lập, Bộ du lịch nên phối hợp với các cơ quan ban ngành khác mở ngay một cuộc vận động rộng rãi “Hãy cười vì mọi người và vì chính mình”. Bởi ai cũng biết “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Nó lại mang sự thân thiện đến với mọi người, bởi xã hội hiện nay đang thiếu nụ cười, thiếu sự thân thiện.
Tục ngữ Việt Nam ghi lại lời dạy của tiền nhân là con người cần“học ăn, học nói, học gói, học mở” nhưng không thấy nói đến “học cười”. Nhiều người sẽ nói cười mà cần gì phải học? Nhưng cười thật sự không đơn giản như nụ cười và tiếng cười mà học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã viết trong bài “Gì cũng cười” đăng trong mục “Xét tật mình” trên Đông Dương tạp chínăm 1913. Cụ Vĩnh phê phán tính cách xuề xòa qua cái cười của người Việt: “… Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì mà dở cũng hì, quấy cũng hì. Nhăn răng cười hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”.
Ngày nay còn tệ hơn vì nhiều người không biết cười. Thay vào đó là sự hằn học hay vô cảm. Người ta giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Chỉ cần một va quẹt nhẹ trên đường, người ta đã xử nhau như kẻ thù. Cả trong nhiều gia đình, họ hàng, đôi khi người ta cũng đối xử với nhau như người xa lạ, thiếu hẳn tiếng cười, nhất là khi đụng chạm tới quyền lợi.
Thật ra cái cười của người Việt ta khó kể hết, nó biểu hiện đủ các tính cách của chủ thể. Có thể kể các kiểu cười của người Việt ta: Cười nụ, cười mỉm, cười duyên, cười khà, cười xòa, cười khan, cười khẩy, cười khì, cười gằn, cười gượng, cười cợt, cười ồ, cười khúc khích, cười sằng sặc, cười tủm tỉm… Khó nhất là biết cười đúng lúc đúng chỗ. Với những nụ cười duyên, cười tủm tỉm hay tiếng cười khúc khích… chúng ta sẽ mang biết bao niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người.
PHẠM CHU SA