Hôm nay, ngày 28-2, hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều gặp nhau tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Theo trang tin Vox, tại thượng đỉnh lần này, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tập trung thảo luận một thỏa thuận mà hai bên còn ngập ngừng chưa quyết, khả năng bao gồm ký tuyên bố hòa bình mang tính tượng trưng để chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và cam kết đóng cửa nhà máy hạt nhân Yongbyon của ông Kim nhằm đổi lấy gỡ bỏ cấm vận kinh tế từ Mỹ.
Mỹ muốn gì từ Triều Tiên?
Theo tờ Independent, các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng không có nhiều tiến bộ sau thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên bởi hai nước còn bất đồng về điều kiện để phi hạt nhân hóa. Triều Tiên muốn được nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế tương xứng với những nhượng bộ mà nước này đưa ra, trong khi Mỹ lại muốn nhìn thấy những bước đi cụ thể đủ để thuyết phục họ tin rằng Triều Tiên thực sự nghiêm túc về cam kết phi hạt nhân hóa.
Ông Paul Carroll, chuyên gia về Triều Tiên, nhận định: “Bất kỳ biện pháp trừng phạt nào được gỡ bỏ cũng là bước tiến trong đàm phán đối với Bình Nhưỡng. Bất kỳ tuyên bố nào giúp xóa bỏ tình trạng chiến tranh kéo dài hàng thập niên qua trên bán đảo Triều Tiên cũng là bước tiến. Và bất kỳ tuyên bố nào từ Tổng thống Trump thừa nhận chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un không còn là mối đe dọa cũng đều là bước tiến. Nói một cách cụ thể, xóa bỏ lệnh trừng phạt hay viện trợ lương thực đều là những tiến bộ hữu hình”.
Theo ông Carroll, chính quyền của Tổng thống Trump muốn những cam kết cụ thể, có thời gian rõ ràng từ phía Triều Tiên cho thấy họ thực sự có thiện chí chấm dứt chương trình hạt nhân và cho phép thanh sát viên quốc tế vào nước này để kiểm chứng quá trình phi hạt nhân hóa.
Theo kênh CNBC, Tổng thống Trump từng nói ưu tiên hàng đầu của ông là Bình Nhưỡng không tiến hành thêm bất kỳ vụ thử tên lửa đạn đạo hay vũ khí hạt nhân nào nữa và có thể chọn xóa bỏ trừng phạt kinh tế làm công cụ đàm phán với nước này.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có bữa ăn tối thân thiện vào tối ngày 27-2, ở khách sạn Sofitel Legend Metropole (Hà Nội). Ảnh: CNN
Trong một dòng chia sẻ trên Twitter ngày 24-2, ông Trump viết: “Chủ tịch Kim nhận thức rõ hơn ai hết rằng nếu không có vũ khí hạt nhân, đất nước của ông ấy có thể nhanh chóng trở thành một trong những cường quốc kinh tế ở bất kỳ đâu trên thế giới...”.
Đó có thể là dấu hiệu cho thấy ông Trump sẽ sử dụng lá bài gỡ bỏ trừng phạt làm đòn bẩy trong cuộc đối thoại với ông Kim vào ngày 28-2, bà Anwita Basu, chuyên gia phân tích tại tổ chức Đơn vị tình báo kinh tế (EIU), nhận xét. Bà Basu nói thêm đó cũng là điều mà Triều Tiên sẽ thúc đẩy.
Triều Tiên muốn gì từ Mỹ?
Theo trang tin NPR, tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore vào tháng 6-2018, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đã đưa ra những tuyên bố tương đối mơ hồ về vấn đề phi hạt nhân hóa cũng như hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Giờ đây kỳ vọng ngày càng gia tăng trước khả năng hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội sẽ có được “những kế hoạch cụ thể, chi tiết và thực tế hơn”, GS Yang Moo-Jin tại ĐH Nghiên cứu Triều Tiên ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc bình luận.
Tuy nhiên, những điều kiện hay nhượng bộ nào Triều Tiên định mang tới bàn thảo luận với Mỹ đến nay vẫn khó có lời giải đáp bởi Triều Tiên luôn kín tiếng về những điều họ muốn đề xuất, theo nhận định của ông Park Jin-young, chuyên gia hạt nhân tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan, có trụ sở tại Seoul. Giới phân tích đánh giá một đề xuất hợp lý từ ông Kim tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai ở Hà Nội sẽ giúp thế giới xác nhận rõ ràng hơn những hành động mà Triều Tiên đã làm. “Nếu chúng ta thực sự nhìn thấy được một thỏa thuận cho phép các thanh sát viên trở lại Triều Tiên và xác minh những cơ sở hạt nhân của nước này chắc chắn không còn sản xuất vật liệu chế tạo vũ khí nữa, đó sẽ là một tiến bộ đáng kể” - ông Leif-Eric Easley, chuyên gia quan hệ quốc tế tại ĐH Phụ nữ Ewha ở Seoul, nhận định.
Theo giới phân tích, cơ sở hạt nhân Yongbyon đã cũ và lỗi thời, vì thế Triều Tiên thực tế không mất mát quá nhiều khi chấp nhận phá hủy nó. Nhưng theo GS Yang, cơ sở hạt nhân Yongbyon vừa có ý nghĩa thực tiễn vừa có ý nghĩa biểu tượng đối với Bình Nhưỡng. Các nhà quan sát cho rằng việc Triều Tiên đề xuất đóng cửa Yongbyon không phải động thái quá mới mẻ. Họ hoàn toàn có khả năng đưa ra một cam kết không toàn diện và có những điều kiện nhất định dựa trên phản ứng từ phía Mỹ. “Nếu Triều Tiên cần đi 100 bước để chạm đích phi hạt nhân hóa thì những gì đang được thảo luận dường như chỉ giống như một, hai bước đầu tiên” - ông Park nói.
Trong khi đó, mục tiêu chính của Triều Tiên là xóa bỏ các lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ và đảm bảo an ninh thông qua tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Một thỏa thuận hòa bình có thể là thứ ông Kim muốn đặt lên bàn thảo luận với ông Trump, người đang nỗ lực hướng tới nhiệm kỳ tổng thống thứ hai và có thể là được đề cử giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Theo ông Park, có những đề xuất khác mà Mỹ có thể đưa ra để đáp lại những nhượng bộ từ Triều Tiên, chẳng hạn như mở một văn phòng liên lạc ở Bình Nhưỡng hay cho phép viện trợ nhân đạo tới Triều Tiên. Cả hai phương án trên đều dễ bị đảo ngược nếu Bình Nhưỡng vi phạm cam kết và thực tế Mỹ cũng đã hứa sẽ viện trợ nhiều hơn cho Triều Tiên.
Ông Daryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí có trụ sở Mỹ, cho biết ông hy vọng vào hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội còn hơn cả thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore, theo tờ Independent. Theo ông Kimball, có khả năng kết quả đạt được sau cuộc gặp Trump-Kim lần hai sẽ là tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Triều Tiên lâu nay vẫn coi đây là một bước tiến lớn hướng tới mục tiêu bình thường hóa quan hệ hai nước. “Đây sẽ là động thái mang tính biểu tượng. Nó sẽ cho thấy Tổng thống Trump nghiêm túc trong nỗ lực thực hiện những bước đi giúp thay đổi mối quan hệ” - ông nói. |