“Tránh ra, tránh ra, mọi người tránh ra hết đi. Tôi muốn chết, cứu tôi làm gì?”. Tiếng la lạc giọng của một thanh niên độ 20 tuổi nằm co quắp trên băng ca trong khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 (TP.HCM) vốn dĩ cần phải yên lặng trong đêm 25-8 khiến nhiều người giật mình.
“Tao mới là người muốn chết!”
Một người đàn ông lớn tuổi, gương mặt khắc khổ đứng cạnh băng ca người thanh niên đang nằm. Không nói ra nhưng mọi người đều hiểu ông chính là cha của anh ta. “Tao lạy mày, mày đừng la lớn, mọi người nhìn tao kìa. Tao mắc cỡ vì mày lắm rồi. Tao mới là người muốn chết để khỏi bị mày làm khổ nữa...” - không kìm được nỗi đau tột cùng, người đàn ông thốt lên rồi sụt sùi.
Những người chung quanh nhìn ông với ánh mắt ái ngại. Chỉ ít phút sau, thanh niên kia tiếp tục dùng dằng, la lớn, thậm chí không cho điều dưỡng khám bệnh, lấy máu, truyền dịch. Người đàn ông lại tiếp tục năn nỉ, giữ chặt. Bất ngờ anh con nhổm dậy, định lao xuống giường. Người cha cuống cuồng giữ chặt, đôi mắt đẫm ướt: “Nằm yên đi. Đừng làm tình làm tội tao nữa” - ông ta nói, giọng van nài.
Xoay xở một hồi, nhân viên y tá mới có thể tiêm thuốc cho người thanh niên uống thuốc trừ sâu. Ảnh: TRẦN NGỌC
Chỉ đứa con đang lim dim, ông trải lòng: “Tôi quê ở Đồng Tháp, có ba đứa con, nó là trai út. Vợ tôi mất khi nó được năm tuổi. Tôi đầu tắt mặt tối làm nuôi đàn con, cố gắng cho chúng ăn học. Giao du với bạn bè xấu, càng lớn tính nết nó càng kỳ khôi, đã vậy còn chơi “đập đá”, lấy đồ đạc trong nhà đem bán. Sáng nay bị tôi la mắng, nó chơi “đập đá” rồi lấy chai thuốc rầy ở góc nhà uống một hơi. Tôi quýnh quáng đưa lên bệnh viện tỉnh súc ruột rồi chuyển tiếp về đây”.
Bất thình lình anh thanh niên ngồi dậy, ói mửa tùm lum dưới sàn nhà. Cha anh ta cuống cuồng lấy cuộn giấy đựng trong giỏ đệm lau chùi. Xong xuôi ông dùng khăn ướt lau miệng cho con, lấy nước cho anh ta uống… Thỉnh thoảng ông còn bị con trai quơ tay xô đẩy. Cảnh tượng trên khiến nhiều người ngao ngán.
“Con làm khổ mẹ tới bao giờ?”
Chiều muộn, cánh cửa khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 bật mở, một hộ lý hối hả đẩy nhanh băng ca vào trong. Trên băng ca có một thanh niên cũng trạc 20 tuổi, đầu băng kín mít, nằm bất động. Một phụ nữ già nua quần áo xộc xệch tất tả theo sau, nước mắt chảy ròng.
Anh thanh niên được đẩy vào phòng chụp CT, người phụ nữ đứng ngoài cứ thấp thỏm. “Tôi ở Tiền Giang, làm ruộng làm rẫy. Nó (người thanh niên bị nạn - PV) là con trai thứ hai trong nhà, suốt ngày đàn đúm với bạn bè, chẳng lo làm việc” - bà quẹt nước mắt, nước mũi.
“Trưa nay nó xin tôi 500.000 đồng để đi sinh nhật người bạn. Tôi nói không có rồi la mắng nó một trận. Nó dùng dằng lên xe nổ máy, ngoảnh lại nói “đi luôn không về”. Tức mình tôi nạt: “Mày có giỏi thì đi luôn đi, đừng làm khổ tao nữa”. Sau đó ít tiếng, có người gọi điện thoại báo nó bị tai nạn giao thông, nằm ở bệnh viện tỉnh. Tôi lật đật chạy tới thì thấy nó bị băng trắng đầu. Bệnh viện nói con tôi bị chấn thương sọ não nặng nên phải chuyển lên đây” - người phụ nữ khóc nấc.
Băng ca vừa đẩy ra, bà ta chạy lại nắm hai chân con. Nghe bác sĩ bảo người thanh niên bị lõm sọ, cần mổ cấp cứu, người phụ nữ nghẹn ngào: “Trời ơi, nhỏ con làm khổ mẹ, lớn lên con cũng làm khổ mẹ. Con định làm khổ mẹ tới bao giờ?”.
“Nước mắt chảy ngược” ngày càng nhiều Mỗi người vào cấp cứu có một hoàn cảnh khác nhau. Thế nhưng hình ảnh cha già, mẹ yếu phải chăm sóc những đứa con bị tai nạn do bốc đồng, nông nổi khiến ai nấy đều chạnh lòng. Điều đáng quan tâm thực trạng nói trên hầu như ngày nào cũng xảy ra. Thậm chí có ngày bốn, năm trường hợp. Bệnh nhân bị tai nạn nhẹ có thể hồi phục sau thời gian điều trị. Trường hợp nặng sẽ mất trí nhớ, sức khỏe giảm sút, thậm chí sống đời thực vật. Trong hoàn cảnh khổ sở này, cha mẹ lại là người trực tiếp chăm sóc nếu bệnh nhân chưa lập gia đình. Tôi chạnh lòng khi bắt gặp không ít hình ảnh người cha, người mẹ khắc khổ đưa những đứa con với cặp mắt nhắm nghiền hoặc vô hồn do tự tử, chấn thương sọ não về nhà chăm sóc. Trong bất kỳ hoàn cảnh, tình thương cha mẹ dành cho con luôn sâu thẳm. Cách đây không lâu, một thanh niên 26 tuổi xăm trổ đầy mình vào cấp cứu do tai nạn giao thông. Người mẹ 54 tuổi nước mắt lưng tròng nắm chặt tay người con như sợ anh ta sẽ đi xa. Thế nhưng người con lại cứ hất tay mẹ và lớn tiếng cằn nhằn, hoạnh họe vì không được mẹ chiều theo ý anh ta. Thậm chí có lần anh ta hất mạnh tay khiến bà mẹ loạng choạng suýt ngã. Trước cảnh tượng ấy, nhiều người bất bình và lên tiếng trách móc người thanh niên. Bà mẹ vội nắm chặt tay con và nói lớn: “Tại tôi, tại tôi, không phải lỗi con tôi”. Rồi những người cha, những người mẹ này lại tiếp tục tắm rửa, đút cơm cho những người con đã “đủ lông đủ cánh trong những tháng ngày điều trị”, như thuở con mới lên hai, lên ba… Nỗi buồn, nỗi khổ sẽ đeo đẳng họ đến suốt cuộc đời. BS TRẦN VĂN SÓNG, Trưởng khoa |