Nước mắt của vị công tố

Gần 35 năm là kiểm sát viên, tham dự bao nhiêu phiên tòa hình sự với vai trò công tố, tôi đã gặp không ít vụ án rất thương tâm. Trong đó có một vụ hiếp dâm trẻ em xảy ra hơn 10 năm trước mà cho đến hôm nay, đôi khi ngồi nhớ lại, tôi vẫn thấy nghẹn lòng. Lần đầu tiên trong đời ngồi ghế công tố, tôi đã không thể cầm được nước mắt.

1. Ngay từ lúc tham gia giai đoạn điều tra, tôi đã cảm thấy quá đau lòng, nhức nhối cho ba đứa trẻ nạn nhân bởi chúng bị xâm hại bởi chính cha mẹ của chúng.

Trong ba đứa trẻ đáng thương ấy, đứa lớn nhất chỉ mới 13 tuổi, là con riêng của người mẹ. Khi mới sinh ra trên đời, cô bé đã có một số phận thiệt thòi vì bị câm bẩm sinh. Lớn lên, thường xuyên bị những bạn cùng trang lứa chọc ghẹo về khuyết tật, cha mẹ cứ lục đục với nhau mãi rồi dẫn nhau ra tòa ly hôn, từ đó cô bé trở nên trầm cảm.

Cô bé về ở với mẹ. Mẹ thường xuyên đi làm ăn xa, cô bé ở nhà cùng cha dượng. Dù chỉ mới 13 tuổi nhưng em đã phải cáng đáng hầu hết việc nhà, lo chăm sóc cho hai đứa em gái. Rồi công việc làm ăn của dượng và mẹ em ngày càng khó khăn. Họ gặp thầy bói, thầy phán: “Phải lấy đi sự trinh tiết của con gái tuổi mới lớn, may ra làm ăn mới thuận được”. Họ nghe thầy nhưng không biết phải “lấy trinh tiết” ở đâu.

Nhìn ba đứa trẻ, gã cha dượng của em chợt lóe lên một ý nghĩ tội lỗi. Ban đầu, mẹ ba đứa trẻ không đồng ý nhưng rồi thấy công ăn việc làm vẫn thất bát, sự mê tín đến mông muội đã làm bà ta mù quáng. Để thực hiện ước muốn đổi đời, bà ta đã nhắm mắt đồng ý, thậm chí còn tiếp tay chồng.

Nước mắt của vị công tố ảnh 1

Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TP.HCM, khi đứng dậy công bố cáo trạng, nhìn xuống ba đứa trẻ gầy gò dưới hàng ghế dự khán, tôi không thể kìm được sự phẫn nộ và xót xa. Hành vi của người cha đồi bại cùng người mẹ tồi tệ quá ám ảnh trong đầu tôi. Lần lượt cả ba đứa trẻ đã phải dâng hiến trinh tiết, dâng hiến sự trong trắng của tuổi thơ cho người cha với sự trợ giúp trực tiếp của người mẹ.

2. Trước tòa, HĐXX hỏi gì, tôi hỏi gì, luật sư hỏi gì, ba đứa trẻ đều chỉ biết khóc mà thôi. Chỉ có đứa lớn, dù không nói được cũng phải cố gắng dùng ngôn ngữ hình thể để diễn đạt tâm tư, nguyện vọng của mình và các em.

Chúng không còn ai khác ngoài bà ngoại già lụ khụ đã ở tuổi 70. Nhìn chúng khóc lóc thảm thương xin tòa giảm nhẹ án cho mẹ chúng, còn bà ngoại cũng sụt sùi năn nỉ vì “con dại cái mang”, những người có mặt tại phiên xử cũng không khỏi cám cảnh. Tôi đã nghe thấy từ hàng ghế dưới nhiều tiếng thở dài.

Phiên xử kết thúc với án tử hình dành cho gã cha đồi bại, án tù chung thân dành cho người mẹ. Sau đó, bà ngoại và ba đứa trẻ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho người mẹ. Rồi bà này đã được Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cân nhắc hoàn cảnh nên khoan hồng, giảm án từ tù chung thân xuống còn 20 năm tù.

Đôi khi tôi vẫn tự hỏi tại sao trên đời lại có những người cha, người mẹ như thế.

Ngày 11-5-2010, kiểm sát viên Đỗ Ngọc Oánh (sinh năm 1950) đã vinh dự đón nhận danh hiệu cá nhân điển hình tiên tiến trong Hội nghị tổng kết năm năm phong trào thi đua yêu nước (2005-2009) của ngành kiểm sát TP.HCM.

Xuất thân từ một gia đình nông dân ở vùng quê Thanh Hóa, mới học đến lớp 5 ông đã phải nghỉ học để đi chăn trâu, mò cua bắt ốc phụ mẹ lo cho gia đình. 17 tuổi, ông vào lực lượng thanh niên xung phong, sau đó nhập ngũ tham gia chiến đấu. Năm 1977, ông chuyển ngành về công tác tại VKSND quận Bình Thạnh. Từ đó, ông nỗ lực trên con đường vừa làm vừa học. Năm 1992, ông chuyển lên công tác tại VKSND TP.HCM.

Năm 2005, ông đón nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Từ năm 2005 đến 2009, ông là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, ba năm liền là chiến sĩ thi đua của ngành. Năm 2009, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Cùng năm, ông được VKSND Tối cao, Bộ Công an, UBND TP.HCM đề nghị danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc.

PHAN THƯƠNG (ghi theo lời kể của kiểm sát viên Đỗ Ngọc Oánh, VKSND TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm