Nước Mỹ trước nguy cơ suy thoái vì lạm phát

(PLO)- Việc Fed phải nâng lãi suất lên mức kỷ lục vì lạm phát nghiêm trọng là dấu hiệu rõ nhất cho thấy kinh tế Mỹ đang trên đà suy thoái.

Giới chuyên gia đang lo ngại rủi ro rơi vào suy thoái của nền kinh tế Mỹ tăng cao sau thông tin Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiến hành đợt tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994 giữa lúc các thống kê cho thấy hoạt động tiêu dùng nội địa Mỹ đang yếu đi.

Fed nâng lãi suất kỷ lục kìm lạm phát

Sau phiên làm việc hôm 15-6 (giờ địa phương), dàn lãnh đạo Fed đã nhất trí nâng lãi suất thêm 0,75%, lên mức 1,5%-1,75%, trong nỗ lực khống chế tình trạng lạm phát đang ở mức cao nhất hơn 40 năm trở lại đây và chưa có dấu hiệu sớm hạ nhiệt, theo hãng tin Bloomberg.

Nhân viên làm việc ở sàn giao dịch chứng khoán New York thuộc TP New York, Mỹ ngày 15-6. Ảnh: AP

Trong khi đó, các chuyên gia thuộc công ty phân tích tài chính Moody’s Analytics (Mỹ) cho rằng việc Fed tăng lãi suất là dấu hiệu kịch bản hạ cánh mềm cho kinh tế Mỹ ngày càng xa vời.

“Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho tới khi phá vỡ được lạm phát. Rủi ro nằm ở chỗ họ cũng có thể phá vỡ nền kinh tế. Tăng trưởng đang giảm tốc trong khi hiệu ứng của sự thắt chặt chính sách với điều kiện thị trường tài chính và việc rút lại chính sách tiền tệ nới lỏng còn chưa thực sự tác động đến nền kinh tế” - trưởng bộ phận nghiên cứu chính sách tiền tệ của Moody’s Analytics Ryan Sweet nhận định.

Một số chuyên gia kinh tế gần đây nói rằng một đợt suy thoái kinh tế Mỹ trong năm tới sẽ là điều khó tránh khỏi. Trong báo cáo ra cùng ngày 15-6, chuyên gia Jay Bryson của công ty tài chính Wells Fargo & Co. (Mỹ) cho biết cách đây một tuần, ông còn kỳ vọng kinh tế Mỹ hạ cánh mềm. Tuy nhiên, giờ đây khả năng cao nhất là kinh tế Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ khi lạm phát bắt đầu tác động sâu hơn vào nền kinh tế, bào mòn sức chi tiêu của người dân. Tình thế sẽ còn buộc Fed phải tiếp tục có những động thái cứng rắn hơn để kiểm soát.

“Có một điểm sáng trong nền kinh tế Mỹ hiện nay là tỉ lệ thất nghiệp vẫn đang ở mức thấp kỷ lục. Dù số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước tăng lên mức cao nhất trong năm tháng, song thị trường lao động ở Mỹ vẫn đang trong tình trạng ổn định. Điều này sẽ hỗ trợ kích thích các hoạt động tiêu dùng và tránh cho nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu hơn” - ông Bryson nhận định.

Theo sau Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 7 tới, sau 11 năm giữ lãi suất ở mức thấp để thúc đẩy tăng trưởng, hãng tin Reuters cho biết.

Rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ nghiêm trọng tới đâu?

Ước tính mới nhất của Bloomberg cho thấy khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ hiện đã lên gần mức 75% dù khả năng này mới chỉ xuất hiện vài tháng gần đây. Theo định nghĩa, suy thoái kinh tế là khi các hoạt động kinh tế giảm sút trên diện rộng và kéo dài liên tiếp nhiều tháng.

Trong một cuộc khảo sát của tờ Financial Times trước cuộc họp tuần này của Fed, 70% chuyên gia được hỏi dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm 2023. Chỉ có một nhà kinh tế học duy nhất trong cuộc khảo sát này nhận định kinh tế Mỹ sẽ suy thoái ngay trong năm nay.

Nhiều chuyên gia trong cuộc khảo sát cũng bày tỏ lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực mà việc mạnh tay nâng lãi suất để chống lạm phát có thể gây ra cho nền kinh tế.

“Đây không phải là việc hạ cánh một máy bay trên một đường băng bình thường. Đây là hạ cánh máy bay trên dây, trong điều kiện có gió. Ý tưởng rằng chúng ta sẽ đưa được thu nhập giảm vừa đủ và chi tiêu giảm vừa đủ để đẩy lùi lạm phát về mục tiêu 2% của Fed là phi thực tế” - nhà kinh tế học Tara Sinclair thuộc ĐH George Washington (Mỹ) phát biểu.

Về phía người dân, hầu hết đều tin rằng nước này đang trong thời kỳ suy thoái, theo một cuộc thăm dò khác của Financial Times. 55% những người được hỏi, gồm 70% người ủng hộ đảng Cộng hòa và 43% người ủng hộ đảng Dân chủ, tin rằng cuộc suy thoái mà các nhà kinh tế tranh luận đã đến. Trước tình hình giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực và xăng dầu tăng vọt, ý kiến ​​của họ vẫn không bị lay chuyển, bất chấp việc chính quyền liên bang khăng khăng rằng kinh tế Mỹ thực sự đang phục hồi.

“Khi Fed tăng lãi suất trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, số nợ của người dân Mỹ trung bình sẽ tăng lên, tiếp tục gây áp lực lên nguồn lực tài chính đang rất ít ỏi của hầu hết gia đình và chồng chất thêm nỗi đau kinh tế. Rất ít chuyên gia kinh tế đưa ra các phương án thay thế cho giải pháp tăng lãi suất, dù vẫn còn tranh cãi về việc tăng nhanh hay chậm sẽ ít gây ra thiệt hại nhất” - Financial Times nhận định.•

Hệ lụy toàn cầu khi kinh tế Mỹ đi xuống

Mức độ cứng rắn gia tăng của Fed được dự báo sẽ có ảnh hưởng lan rộng trong nền kinh tế toàn cầu. Đó chính là lý do báo cáo lạm phát tháng 5 của Mỹ đã gây ra một cuộc bán tháo dữ dội trên thị trường chứng khoán thế giới không riêng gì ở Mỹ, vì nhà đầu tư hiểu rằng độ nóng của lạm phát phải rất dữ dội mới có thể buộc Fed làm như vậy.

“Dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ đã tác động tiêu cực đến thị trường toàn cầu. Điều này là dễ hiểu vì ở một góc độ nhất định, Fed chính là ngân hàng trung ương của thế giới và chính sách của Fed có thể dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu” - chuyên gia Kristina Hooper của công ty quản lý đầu tư Invesco (Mỹ) nhận định với hãng tin CNBC.

Bà Hooper vẫn hy vọng kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái và Fed sẽ thành công trong việc tạo ra một cuộc hạ cánh mềm cho nền kinh tế bằng cách cứng rắn vừa đủ và phản ứng linh hoạt với các dữ liệu. Tuy nhiên, bà thừa nhận rằng nền kinh tế rõ ràng đang đi theo chiều hướng giảm tốc mạnh và hạ cánh mềm là một mục tiêu ngày càng khó đạt.

“Phải thừa nhận rằng làm cho nhu cầu giảm tốc đủ để kéo lạm phát xuống mà không gây ra suy thoái là một sự thăng bằng cực kỳ mong manh, bởi chính sách tiền tệ không phải là một dụng cụ sắc bén như dao mổ” - bà Hooper nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới