Nước Mỹ với “văn hóa súng đạn”

Khảo sát “Small Arms Survey” mới đây đã đưa ra một danh sách gọi là “tỉ lệ súng trên 100 dân”. Theo đó, đứng đầu là Mỹ: 90 khẩu trên 100 dân, vượt xa quốc gia đứng thứ hai là Yemen (55 khẩu). Tiếp theo lần lượt là Phần Lan (hơn 40), đảo Sip và Iraq (hơn 30). Ở quốc gia vùng Vịnh Israel, 100 người dân thì có khoảng 7,3 khẩu súng, nghĩa là chỉ bằng 1/12 tỉ lệ ở Mỹ.

Người ta có thể tự hỏi vì sao kho súng của tư nhân ở Mỹ lại lớn như vậy. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nằm ở “văn hóa súng đạn” của Mỹ, vốn được hiến pháp bảo vệ và còn do hoạt động rất mạnh mẽ của các hiệp hội, tổ chức ủng hộ việc sở hữu và kinh doanh súng.

“Nguyên lý trung tâm của căn tính Mỹ”

Quyền sở hữu súng để tự vệ được nhiều người, nhất là ở miền Tây và Nam nước Mỹ, coi là nguyên lý trung tâm của căn tính Mỹ (căn tính được hiểu giống như bản sắc). Quyền này xuất phát một phần từ lý do lịch sử, khi mà quá trình mở rộng lãnh thổ về phía tây buộc những người nhập cư phải có súng để tự vệ trước người bản địa, trước thú dữ và kẻ thù. Bên cạnh đó, tâm lý ưa chuộng súng còn bắt nguồn từ truyền thống săn bắn trong văn hóa Mỹ mà đến giờ vẫn rất phổ biến.

Đi xa hơn nữa vào trong lịch sử, quyền này xuất phát từ quyền được sở hữu và sử dụng vũ khí ở nước Anh, vốn được coi là quyền tự nhiên của con người.

Ở Anh, do mâu thuẫn tôn giáo vào thời vua James II, nhà vua (vốn theo Công giáo) đã tìm cách ra một đạo luật nhằm tước vũ khí của những người theo đạo Tin lành. Nỗ lực đó vấp phải sự phản đối rất lớn, bởi những người Tin lành cho rằng quyền sở hữu vũ khí là quyền tự nhiên của họ. Từ đó, quan niệm về sở hữu vũ khí được đưa vào Tuyên ngôn Nhân quyền của nước Anh. Sau này, nước Mỹ cũng đưa quyền này vào Tuyên ngôn Nhân quyền của mình.

Nước Mỹ với “văn hóa súng đạn” ảnh 1

Một cửa hàng bán súng tại Mỹ. Ảnh: AP

Hiện tại, ở Mỹ có 270 triệu khẩu súng do người dân sở hữu. Ấn Độ là nước đứng thứ nhì thế giới về số lượng súng tư nhân cũng chỉ có 46 triệu khẩu (trong khi xét về quy mô dân số, Ấn Độ lại đông dân gần gấp ba lần Mỹ).

Một khảo sát (International Crime Victims Survey) cho biết vào năm 2011, 34% người trưởng thành ở Mỹ có sở hữu súng; tỉ lệ này ở đàn ông là 46% và ở phụ nữ là 23%.

Quan điểm ủng hộ tư nhân sở hữu súng ít được tán thành nhất là tại các đô thị công nghiệp hóa, nơi có những ý kiến đồng nhất súng đạn với bạo lực và đòi phải thúc đẩy việc kiểm soát súng. Tuy nhiên, về căn bản, lập trường bảo vệ quyền sở hữu súng vẫn thắng thế, nhất là khi điều đó đã được định rõ trong Hiến pháp Mỹ.

Tu chính án số 2

Tu chính án số 2 của Hiến pháp Mỹ là cơ sở chính để bảo vệ quyền sở hữu vũ khí của người dân. Nguyên văn quy định của tu chính án này như sau: “Xét thấy lực lượng dự bị có tổ chức nghiêm chỉnh là rất cần thiết cho nền an ninh của một quốc gia tự do, quyền của dân chúng được giữ và sử dụng vũ khí sẽ không bị vi phạm”.

Tu chính án số 2 được đưa vào Hiến pháp Mỹ, và cùng với chín tu chính án khác, trở thành Tuyên ngôn Nhân quyền.

Mục đích của việc đưa quy định liên quan đến sở hữu súng vào Hiến pháp Mỹ là một đề tài tranh luận trong giới học thuật, chính trị và pháp luật Mỹ. Các lý do được đưa ra có thể kể đến: ngăn chặn nhà nước lạm quyền, phòng thủ quốc gia, ngăn chặn đảo chính, giữ quyền tự vệ cá nhân, giúp người dân tham gia vào việc thực thi pháp luật, giúp người dân tự tổ chức lực lượng dự bị (militia).

Không ai dám khẳng định lý do nào là quan trọng nhất. Một số học giả lập luận rằng mục đích chính của việc đưa ra Tu chính án số 2 là để ngăn chặn nhà nước lạm quyền. Họ cho rằng vì lý do này mà quyền sở hữu và sử dụng vũ khí được đưa vào Hiến pháp, thay vì được quy định tại các đạo luật khác. Điều mà những người soạn thảo Hiến pháp lo ngại là việc nhà nước liên bang một ngày nào đó sẽ ban hành đạo luật ngăn cản quyền sở hữu vũ khí của người dân, rồi dần dần tước đoạt vũ khí trong dân, sau đó sử dụng lực lượng được vũ trang một cách chính thức đe dọa nền dân chủ.

Nước Mỹ với “văn hóa súng đạn” ảnh 2

Một người biểu tình phản đối NRA (Hiệp hội Súng trường Mỹ) tại một sự kiện của hiệp hội này ngày 21-12 vừa qua, sau vụ thảm sát tại Trường Tiểu học Sandy Hook, bang Connecticut. Ảnh: GETTY IMAGES

Mặc dù vậy, giống như các quyền khác trong Hiến pháp Mỹ, quyền sở hữu vũ khí không phải là quyền vô hạn. Tu chính án số 2 không bảo vệ quyền giữ bất kỳ loại vũ khí nào của bất kỳ ai và trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Quyền này phải được ngăn chặn ở những người bị bệnh tâm thần và trẻ em, đồng thời cũng không được bảo vệ tại những nơi nhạy cảm như trường học hay trụ sở các cơ quan chính phủ. Vũ khí cũng phải là loại vũ khí thông dụng; không bảo vệ quyền mang vũ khí không thông dụng hoặc đặc biệt nguy hiểm.

Sức mạnh của các hiệp hội súng

Tuy thế, cho đến nay Mỹ vẫn bị coi là quốc gia có luật pháp về súng đạn ít nghiêm khắc nhất trong nhóm các nước công nghiệp, một phần là do hoạt động vận động hành lang (lobby) quá mạnh của các tổ chức và hiệp hội trong ngành công nghiệp vũ khí, chẳng hạn “ông trùm” NRA (Hiệp hội Súng trường Mỹ).

NRA dành hàng triệu USD mỗi năm vào việc phá bỏ mọi nỗ lực luật pháp nào có thể giới hạn việc mua bán và sử dụng súng. Riêng trong năm 2012, NRA đã chi tổng cộng 17 triệu USD cho các ứng viên mà họ ủng hộ chạy đua trong các cuộc bầu cử liên bang. Đó là một khoản đáng kể, nếu so với Goldman Sachs chẳng hạn: Ngân hàng này chi 7,5 triệu USD cho các ứng viên.

Cứng rắn hơn NRA, GOA (Hiệp hội Những người Mỹ sở hữu súng) bác bỏ tất cả đạo luật về súng mà họ cho là xâm phạm quyền của các công dân tuân thủ pháp luật. Các tổ chức khác trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu súng cũng có quan điểm mạnh mẽ hơn NRA. Họ chỉ trích NRA vì trong quá khứ hiệp hội này từng ủng hộ một số luật, ví dụ Đạo luật Kiểm soát Súng năm 1968. Một số tổ chức như vậy có thể kể đến như Những người chị em của Tu chính án số 2, Hiệp hội Tu chính án số 2Những người Do Thái bảo vệ quyền sở hữu súng. Cũng như GOA, họ cho rằng mọi sự thỏa hiệp đều dẫn đến việc chính quyền ngày một gia tăng kiểm soát súng.

“Cộng đồng sở hữu súng (ở Mỹ) là một cộng đồng rất hùng mạnh, bởi vì những người sở hữu súng nhìn thấy mối quan hệ của họ với nền dân chủ của nước Mỹ thông qua vấn đề sở hữu súng” - Richard Feldman, một nhà vận động của NRA và là chủ tịch của Hội Sở hữu súng độc lập, cho biết.

Trong bài diễn văn sau vụ thảm sát vừa qua tại Trường Tiểu học Sandy Hook ở bang Connecticut, Tổng thống Obama đã nhắc lại cam kết phục hồi lệnh cấm vũ khí tấn công trên toàn liên bang. Tuy nhiên, ông lại tránh đề cập tới hoạt động vận động hành lang cho quyền sở hữu súng.

Hệ lụy từ việc cho sở hữu súng

Số vụ giết người bằng súng ở Mỹ cao nhất trong các nước công nghiệp phát triển, chỉ sau Mexico - nơi các băng ổ buôn bán ma túy hoạt động mạnh. Con số này ở Mỹ cao gấp khoảng 20 lần mức trung bình của toàn khối quốc gia công nghiệp. Điều đó có nghĩa là công dân Mỹ có nguy cơ bị giết chết bằng súng đạn cao gấp 20 lần công dân một nước phát triển nào khác.

Tất nhiên đó là tính trên các nước phát triển. Nếu kể tới các quốc gia đang phát triển, nơi luật pháp còn chưa hoàn thiện, xã hội nhiễu nhương thì số án giết người bằng súng lại còn cao hơn cả Mỹ. Honduras từng được mệnh danh là “thủ đô giết người” của thế giới, với số vụ án liên quan đến súng đạn trung bình cao gấp 20 lần nước Mỹ.

HOÀNG THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm