Quy chuẩn hiện tại về nước thải chăn nuôi, số hiệu QCVN 62- MT:2016/BTNMT được ban hành từ năm 2016. Theo đó, nhiều chỉ tiêu môi trường được áp dụng với cơ sở chăn nuôi lợn có tổng lượng nước thải lớn hơn hoặc bằng 5m³/ngày.
Với quy mô nhỏ hơn, tương đương quy mô đàn 80 con trở xuống thì hộ sản xuất không phải giám sát chất lượng, thành phần nước thải mà chỉ cần có hệ thống thu gom, xử lý chất thải như biogas, đệm lót sinh học phù hợp tiêu chuẩn quốc gia.
Sau ba năm áp dụng, lần này sửa đổi, dự thảo quy định cả hộ chăn nuôi có lượng nước thải dưới 5m³/ngày cũng phải lấy mẫu, xét nghiệm nước thải, giám sát chất lượng nước thải không khác gì hộ chăn nuôi quy mô lớn.
Dự thảo cũng không có quy định riêng cho chăn nuôi nhỏ nữa. Như vậy có thể sắp tới các nông hộ nuôi một vài con lợn, con gà cũng phải kiểm tra chất lượng nước thải.
Khó khả thi
Một số ý kiến cho rằng quy định như dự thảo thì có vẻ chặt chẽ về môi trường, nhưng điều chắc chắn sẽ làm các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ tốn nhiều chi phí, công sức hơn. Nhưng ngay cả khi muốn tuân thủ thì cũng không dễ.
Bởi việc xác định lưu lượng nguồn thải phải căn cứ vào một loạt tài liệu. Đó là: Báo cáo Đánh giá tác động môi trường, Cam kết bảo vệ môi trường, Đề án bảo vệ môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường hoặc Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Mặt khác, theo Nghị định 18/2015/NĐ-CP thì các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô chuồng trại nhỏ hơn 50m² không phải đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường và Báo cáo Đánh giá tác động môi trường. Điều này có nghĩa là họ cũng không có Cam kết bảo vệ môi trường hay Đề án bảo vệ môi trường…
Ý kiến nhà quản lý
Trao đổi với Pháp luật TP.HCMvề vấn đề này, ông Nguyễn Phạm Hà, Vụ phó Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Đúng là một số nội dung có vướng mắc về mặt thực tế, nhưng theo nguyên tắc thì các dự thảo đầu tiên vẫn phải mang tính chất căn cứ trên cơ sở pháp luật, sau đó mới điều chỉnh dần theo tình hình thực tế”.
Nguyên tắc mà ông Hà nói chính là phải tuân theo quy định tại Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí.
Ngoài ra, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu cũng quy định nguyên tắc: Nước thải phải được thu gom, xử lý, tái sử dụng hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để tái sử dụng hoặc xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra môi trường.
Về vướng mắc, bất cập, đại diện tổ soạn thảo thừa nhận khó quản lý, giảm sát chất lượng nước thải của các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. “Khó xác định cơ sở chăn nuôi có lượng nước thải dưới 5m³/ngày nhưng nếu không giám sát thì tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng rất lớn”, ông Hà nói.
Trước thực tiễn ấy, ông Hà cho biết tổ soạn thảo đang tiếp tục điều chỉnh hoặc có những hướng dẫn kỹ thuật phù hợp hơn với thực tế. Ví dụ, hướng dẫn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xử lý nước thải chăn nuôi bằng cách thu gom tái sử dụng làm phân bón, xây dựng hầm bioga hoặc đệm lót sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Quy chuẩn hiện tại có nhiều vướng mắc Quy chuẩn QCVN 62- MT:2016/BTNMT quy định cơ sở chăn nuôi có tổng lượng nước thải nhỏ hơn 2m³/ngày. chỉ cần có hệ thống thu gom và hệ thống lắng, ủ nước thải hợp vệ sinh. Cơ sở chăn nuôi có tổng lượng nước thải từ 2m³/ngày đến dưới 5m³/ngày phải có hệ thống thu gom và hệ thống xử lý chất thải đủ công suất như biogas hoặc đệm lót sinh học phù hợp... Tuy nhiên thực tế triển khai cho thấy rất khó xác định lượng xả thải có thuộc khung dưới 2m³, hay dưới 5m³. Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng Quy chuẩn hiện tại có yêu cầu quá cao, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng khó đáp ứng. Vì vậy, trong đợt sửa đổi này cũng sẽ điều chỉnh lại các giá trị thông số cho phù hợp hơn với thực tiễn. (Ông Nguyễn Phạm Hà, Vụ phó Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường) |
MAI HIỀN