Thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ GTVT đang tổ chức và giao cho Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tư vấn đưa ra nhiều phương án để phân tích
Theo Cục HKVN, quy hoạch phát triển sân bay tới năm 2020, định hướng năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2018, tới năm 2020 có 23 sân bay, năm 2030 có 28 sân bay. Như vậy, ngoài các sân bay hiện có, sẽ đầu tư thêm các sân bay gồm Long Thành (Đồng Nai), Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Sa Pa (Lào Cai), Quảng Trị và Phan Thiết (Bình Thuận).
Tuy nhiên, theo quy định Luật Quy hoạch, thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm, tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là 30-50 năm. Vì vậy cần xây dựng lại quy hoạch trên.
Quá trình này tư vấn sẽ nghiên cứu việc bổ sung, nâng cấp các sân bay. Trong đó, việc bổ sung sân bay mới được đánh giá theo nhiều tiêu chí. “Chẳng hạn như sự cần thiết đầu tư (nhu cầu vận tải, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, khẩn nguy cứu trợ), mức độ khả thi (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai, cự ly tới các trung tâm đô thị và cự ly giữa các cảng hàng không)…” - lãnh đạo Cục Hàng không cho hay.
Theo đó, khu vực miền Bắc, tư vấn đưa một số địa phương có tiềm năng xây dựng sân bay để bổ sung vào xem xét gồm sân bay thứ hai cho vùng thủ đô Hà Nội, Cao Bằng, Ninh Bình (hoặc Nam Định), Hải Dương.
Tuy nhiên, qua phân tích, đánh giá các tiêu chí nêu trên, tư vấn đề xuất giai đoạn đến năm 2030 chưa bổ sung mới sân bay nào ở khu vực này. Chỉ đầu tư xây dựng mới sân bay Sa Pa đã được quy hoạch trước đó và nâng cấp các sân bay hiện hữu. Sau năm 2030, bổ sung xây sân bay Cao Bằng và xem xét đầu tư mới sân bay thứ hai cho vùng thủ đô. Cũng trong giai đoạn này đầu tư sân bay Nà Sản, Lai Châu đã được quy hoạch trước đó. Tuy nhiên, vị trí các sân bay này dự kiến sẽ được nghiên cứu vào năm 2040.
Đối với khu vực miền Trung, tư vấn cho biết với đặc thù các tỉnh trải dài dọc theo hướng Bắc - Nam, do vậy tính tương hỗ và phân bổ lưu lượng kém hơn so với miền Bắc. Do vậy, tư vấn có xem xét việc xây dựng sân bay ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, sau khi phân tích, đơn vị này chọn phương án giữ nguyên 14 sân bay (trong đó đã có sân bay Quảng Trị, Long Thành, Phan Thiết) ở miền Trung đến năm 2050, chỉ nâng cấp, cải tạo nâng công suất các sân bay hiện hữu, không đầu tư xây mới.
Tương tự, khu vực miền Nam, tư vấn cũng đưa ra phương án nghiên cứu xây sân bay ở Bình Phước. Tuy nhiên, qua chấm điểm các tiêu chí, cộng với việc đang khởi công sân bay Long Thành, tư vấn đề xuất trong giai đoạn tới không xây mới sân bay ở khu vực này, chỉ cải tạo, nâng cấp bảy sân bay hiện hữu.
Theo đó, Cục HKVN đề xuất tới năm 2030 chỉ phát triển 26 sân bay (so với hiện nay sẽ xây thêm sân bay Long Thành, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết đã được quy hoạch từ trước), giảm hai sân bay so với quy hoạch hiện hành. Trong đó, tạm thời lùi thời gian thực hiện sân bay Nà Sản (Sơn La) và Lai Châu cho giai đoạn sau năm 2030. Định hướng đến năm 2050 sẽ phát triển lên 30 sân bay.
Như vậy, so với quy hoạch hiện hành được Thủ tướng phê duyệt thì không có sự thay đổi nhiều. Tuy nhiên, khi nhận được dự thảo của Bộ GTVT gửi, một số tỉnh được tư vấn đề cập xây sân bay lập tức đề xuất bổ sung thêm sân bay tại địa phương mình vào quy hoạch như Bình Phước, Bắc Giang, Hà Giang, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu…
Sau khi có thông tin Bình Phước quy hoạch sân bay, rất nhiều người đã đổ xô đến khu vực xung quanh sân bay quân sự Téc Níc, huyện Hớn Quản tìm mua đất khiến giá đất tại đây tăng vọt. Ảnh: LÊ ÁNH
Hiệu quả kinh tế là quan trọng nhất
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng đối với việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hàng không có vai trò rất quan trọng, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. đó là lý do khiến địa phương nào cũng muốn có sân bay.
Tuy nhiên, hiện cả nước có 22 sân bay nhưng chỉ có sáu sân bay có lãi, còn lại đều phải bù lỗ để duy trì hoạt động. Cạnh đó, trong điều kiện nguồn lực đất nước có hạn, nhu cầu phát triển các lĩnh vực khác rất lớn, việc quy hoạch, đầu tư sân bay mới cần phải tính toán cho hợp lý, tránh tình trạng tỉnh nào cũng có sân bay.
hiện nay sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) do tư nhân đầu tư. nhưng theo ông long dù tiền đầu tư đó của tư nhân hay sử dụng vốn đầu tư công cũng đều là nguồn lực của xã hội, vì vậy cần phải biết tập trung đầu tư vào đâu. “tôi nghĩ chúng ta cần xem xét cẩn trọng, không nên đầu tư ồ ạt rồi để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn lực lớn của xã hội” - ông Long nói.
Cạnh đó, ông Long cũng cho rằng việc đầu tư một sân bay điều quan trọng nhất vẫn là hiệu quả kinh tế, mà hiệu quả xuất phát từ nhu cầu đi lại của người dân. Vì vậy, cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm thẩm định và đưa ra quyết định. “địa phương nào khi đề xuất cũng nói và đề cao tính hiệu quả của việc xây sân bay ở tỉnh mình nên trong việc này cơ quan quản lý nhà nước sẽ là người cầm cân nảy mực…” - ông Ngô Trí Long nói.
Còn ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục HKVN, cho rằng quy hoạch sân bay phải đảm bảo sự đồng bộ của mạng cảng hàng không toàn quốc, được tính toán theo thời kỳ quy hoạch cụ thể và đáp ứng nhu cầu vận chuyển. “Quan điểm của Cục HKVN là không phát triển ồ ạt mà đầu tư có trọng điểm, đầu tư cảng lớn mang tính cách mạng về quy mô, năng lực…” - ông Thắng cho hay.
Về phần mình, đại diện Bộ GTVT cho biết với đề xuất trên của các địa phương, bộ đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tư vấn tổng hợp ý kiến để nghiên cứu, xem xét… trước khi trình Thủ tướng.•
Việt Nam hiện có 22 sân bay Hiện Việt Nam có 22 sân bay bao gồm Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn, Điện Biên Phủ, Đồng Hới, Vinh, Thọ Xuân, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Chu Lai, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Cà Mau, Rạch Giá, Côn Đảo. |